Đó là câu chuyện vượt lên nỗi đau, bất hạnh đời mình để tìm lại niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống của chị Trần Thị Mỹ Lương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp B1, xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh. Câu chuyện của chị không chỉ khiến nhiều người cảm phục mà còn truyền cảm hứng cho phụ nữ đồng cảnh ngộ tự tin, vươn lên…
Đau khổ chất chồng...
Chị Lương sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại ấp B1, xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Năm chị Lương được 13 tuổi, mẹ chị bệnh nặng qua đời. Cha chị một mình chăm sóc, nuôi dạy 3 cô con gái đang tuổi ăn, tuổi lớn. Thời gian dần trôi, chị cả của chị Lương đi lấy chồng, cha chị Lương bước thêm bước nữa và sau đó đưa cả gia đình lên Đồng Nai lập nghiệp…
Cha mẹ chị Lương thuê nhà đất ở Đồng Nai làm nghề nuôi cá bè, nhưng do không nắm kỹ thuật và chưa có kinh nghiệm, cha mẹ chị làm ăn thất bại nên trở về quê, còn chị Lương ở lại Đồng Nai làm công nhân. Năm 2002, chị kết hôn với một thanh niên nhà ở gần chỗ chị làm. Hạnh phúc ngắn tựa gang tay, ngày vợ chồng chị vui mừng đón con gái chào đời cũng là lúc gia đình chị nhận hung tin: Chị mắc căn bệnh thế kỷ - AIDS. Lúc đó, tinh thần chị hoảng loạn, suy sụp, nhưng chị còn niềm hy vọng là con gái chị may mắn không bị nhiễm HIV. Chị Lương bộc bạch: “Lúc đó tôi không nghĩ được gì. Tôi cũng không biết nguyên nhân do đâu mà tôi bị bệnh này. Thế rồi tôi giục chồng đi xét nghiệm. Kết quả anh cũng bị dương tính HIV và thú nhận trước khi quen tôi, anh đã đi chơi với bạn bè vài lần. Anh cũng không ngờ là mình lại bị nhiễm HIV…”.
Chồng chị Lương mất 4 năm sau đó. Một mình chị Lương xoay xở mưu sinh bằng đủ thứ nghề nuôi con… Chị Lương tâm sự: “Từng bị mọi người xa lánh, có lúc quẫn trí, bế tắc và hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tôi đã nghĩ đến cái chết. Nhưng khi nghĩ đến con gái, tôi lại tiếp tục cố gắng. Tôi được các bác sĩ và người thân động viên tinh thần rất nhiều. Bản thân tôi nghĩ “Mình phải tự vươn lên, bởi con gái tôi còn quá nhỏ. Nó cần một gia đình, cần một mái ấm và tình thương của mẹ…”. Lúc này tôi nghĩ phần đời còn lại của mình tất cả chỉ sống vì con”.
Nỗ lực vì con…
Mưu sinh với hai bàn tay trắng, vì quá lam lũ chật vật với “cơm, áo, gạo, tiền”, sức khỏe chị Lương yếu dần, chị mang thêm căn bệnh lao phổi phải nhập viện để điều trị. Bản thân bệnh tật không người chăm sóc, con thơ nhỏ dại nên chị Lương đành gửi con về nhà nội để đi học, còn chị về quê nương tựa cha mẹ để trị bệnh. Khi điều trị dứt bệnh lao, đó cũng là lúc căn bệnh thế kỷ cần có phác đồ điều trị. Chị không bị mọi người xa lánh, mà còn được quan tâm chăm sóc khiến tinh thần chị phấn chấn hơn… Chị Lương bộc bạch: “Mỗi tháng, Cha xứ đều đi phát gạo cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn, tôi cũng đỡ được một phần nỗi lo kinh tế. Thấy hoàn cảnh tôi khó khăn, các cấp chính quyền còn tạo điều kiện giúp tôi hưởng chế độ trợ cấp xã hội và đưa vào diện hộ nghèo của xã”. Năm 2012, chị Lương đã đưa con gái về sống chung tại quê nhà để vui buồn có nhau. Ở quê dù mọi người đều biết bé U. có mẹ bị nhiễm HIV, nhưng bé đi học bình thường và không bị bạn bè xa lánh…
Chị Trần Thị Mỹ Lương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp B1, xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh tuyên truyền kiến thức, kỹ năng cho hội viên.
Đều đặn hằng tháng, chị Lương được các bác sĩ theo dõi sức khỏe và đi lấy thuốc tại Bệnh viện đa khoa quận Thốt Nốt về uống. Cũng từ đây, chị dành nhiều thời gian tham gia hoạt động xã hội, trở thành hội viên Chi hội Phụ nữ ấp. Theo nhiều chị em, chị Lương tham gia công tác Hội và phong trào phụ nữ rất nhiệt tình, năng nổ. Hầu như hoạt động nào cũng có chị, chị Lương đi đến đâu là mang đến niềm vui, rộn rã tiếng nói cười. Vì có giọng hát hay và truyền cảm nên các buổi hội nghị, hội thảo chị Lương luôn được mời đến giúp vui văn nghệ đầu giờ. “Tiếng lành đồn xa”, chị Lương thường xuyên được mời tham gia các cuộc thi hát hò, diễn kịch tại huyện. Tham gia hoạt động Hội một thời gian, chị Lương được chị em tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Phụ nữ ấp; đồng thời, được Trung tâm Văn hóa huyện Vĩnh Thạnh mời chị tham gia cộng tác viên biểu diễn trong Đoàn ca sĩ của huyện, tham gia các tiết mục do Trung tâm tổ chức. Năm 2015, chị Lương được các cấp chính quyền quan tâm xây dựng cho căn nhà nhà Đại đoàn kết để cho mẹ con có chỗ trú mưa trú nắng. Cùng với đồng tiền ít ỏi từ trợ cấp xã hội, “cát- xê” vài trăm ngàn đồng khi đi hát cho Trung tâm và phụ cấp phí của Chi hội Phụ nữ, cùng sự quan tâm động viên, giúp đỡ của người thân, anh chị em, bạn bè… đến nay hai mẹ con chị Lương tạm ổn định cuộc sống.
Trải qua hơn 15 năm sống chung với căn bệnh thế kỷ, chị Lương luôn tự nhủ: “Bản thân tôi đã mất mẹ từ thuở nhỏ, khó khăn, gian khổ nào cũng từng nếm trải. Nên tôi luôn ý thức không thể để con gái mình chịu khổ. Vì vậy, dù bất cứ khó khăn nào, tôi cũng tự động viên mình phải sống cho thật tốt để làm “điểm tựa” cho con gái”. Thấu hiểu những hy sinh, vất vả của mẹ, bé U. - con gái chị năm nay vào lớp 10, rất yêu thương mẹ và chăm lo học hành. Năm nào U. cũng đạt học sinh giỏi của trường. Riêng năm học lớp 9 (năm học 2018 - 2019), U. còn được UBND huyện Vĩnh Thạnh tặng Bằng khen học sinh giỏi cấp huyện.
Kể về chị Lương, chị Nguyễn Thị Ánh Sen, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh nói với giọng khâm phục: “Chị Lương rất nhiệt tình, tích cực, không ngừng học hỏi, năng động trong mọi hoạt động, công tác Hội. Tuy bản thân bị bệnh nan y nhưng chị sống rất lạc quan, hòa nhã, thân thiện với mọi người. Tấm gương nghị lực vượt khó của chị Lương rất đáng để chị em cùng cảnh ngộ học tập”.
QUỲNH ANH