Rau ngổ có vị nhẫn, tính mát, thường mọc ven hào hay mương lạn. Nếu trước đây, món rau dân dã này chỉ xuất hiện trên mâm cơm các gia đình lao động nghèo thì nay trở thành món ăn phổ biến ở thành thị lẫn nông thôn. Từ đó, rau ngổ tự nhiên được người dân đem về gầy giống, trồng với số lượng nhiều để cung cấp, phục vụ nhu cầu thưởng thức của cư dân. Hội Phụ nữ phường Tân Phú, quận Cái Răng, đã thành lập Tổ trồng rau sạch trên sông, khuyến khích nhiều chị em cùng tham gia, kiếm tiền từ rau ngổ.
Từ chân cầu Bến Bạ nhỏ (gần UBND phường Tân Phú) đến kinh Thạnh Đông dài chừng 800m, 2 bên bờ sông là những đám rau ngổ xanh tốt nối tiếp nhau, khiến nhiều người từ nơi khác tới không khỏi trầm trồ, thích thú. Theo nhiều người dân sinh sống dọc khúc sông này, từ năm 2009, có một hộ đem rau ngổ về trồng dưới bến sông. Đám rau ngổ phát triển xanh um, tươi tốt. Sau đó, vài hộ khác bắt đầu xin giống đem về trồng, phục vụ cho bữa ăn gia đình hằng ngày. Nếu gia đình ăn không hết thì cắt bán cho các tiểu thương ở chợ.
Chị em bó rau ngổ, chuẩn bị cân bán cho thương lái.
Chị Lương Thị Loan, ngụ khu vực Phú Lễ, là một trong những hộ đầu tiên trồng rau ngổ dưới bến. Chị cho biết: "Lúc đó tôi chỉ nghĩ đem rau về trồng để dành ăn, khỏi phải đi mua, tiết kiệm chi tiêu gia đình. Không lâu sau, rau phát triển tốt, được thương lái hỏi mua nên tôi quyết định mở rộng khoảng mặt nước trồng rau ngổ". Thời điểm này, Hội Phụ nữ phường Tân Phú nhận thấy trồng rau ngổ trên sông mang lại nhiều lợi ích thiết thực nên quyết định thành lập Tổ trồng rau sạch trên sông (khu vực Phú Lễ), với 15 thành viên vào tháng 1-2010. Đáp ứng nhu cầu của người dân, lượng rau ngổ cung cấp cho thương lái của khu vực Phú Lễ ngày một tăng. Diện tích mặt nước trồng rau nâng lên đáng kể, với trên 50 hộ ở 2 khu vực Phú Lễ và Phú Lợi tham gia.
Tờ mờ sáng mỗi ngày, nhiều chị em tất bật bơi xuồng đi cắt rau ngổ để kịp bó, cân bán cho thương lái. Với nguồn thu nhập khá, nhiều chị em mạnh dạn mở rộng diện tích trồng rau của gia đình, bằng cách mượn bến sông của những gia đình không có nhu cầu sử dụng. Đến nay, nhiều chị ở khu vực Phú Lợi và Phú Lễ sở hữu từ 2-3 khoảnh rau ngổ với tổng diện tích từ 300-400m2. Lúc đầu, chị Loan chỉ trồng 1 khoảnh rau ngổ ngay bến sông gia đình, nay mượn thêm bến của 2 gia đình khác trồng rau ngổ, cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn mỗi đợt, với thu nhập từ 4-5 triệu đồng. Rau ngổ trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình chị Loan, bên cạnh thu nhập từ quán giải khát và tạp hóa nhỏ, giúp chị cân đối chi tiêu, chăm lo 2 con nhỏ. Nhờ vậy, chị Loan được công nhận thoát nghèo khoảng 3 năm nay. Còn chị Đỗ Thị Điệp, cùng ngụ khu vực Phú Lễ cũng vượt khó với rau ngổ. Nhà không có đất sản xuất, chủ yếu kiếm sống nhờ nghề làm thuê, năm 2010, được Hội Phụ nữ phường vận động, chị tham gia trồng rau ngổ, kiếm thêm thu nhập. Lúc đầu trồng 1 khoảnh, nay chị Điệp có 4 khoảnh mặt nước trồng rau, thu hoạch trên 1 tấn rau ngổ mỗi đợt, cho thu nhập vài triệu đồng.
Rau ngổ ưa nước, không cần bám đất bùn, rau vẫn sống tốt nhờ phù sa trên sông, vì thế trồng rau ngổ cũng khá đơn giản. Các chị em chỉ cần mua tre và dây về đóng khung dưới bến, rồi buộc từng bó rau ngổ cố định ở vị trí trong khung từ 10 bữa, nửa tháng là rau bắt rễ, bắt đầu vươn tược. Khi rau "nở" kín khung, tược non dài chừng 5-6 tấc là bơi xuồng vào cắt. Mỗi đợt cắt rau thường cách khoảng từ một tháng rưỡi đến 2 tháng. Trồng rau dưới sông, hoàn toàn nhờ nước nên rau ngổ được xem là một trong những loại rau sạch, bà con yên tâm sử dụng. Thêm nữa, sông rộng, nước nhiều nên rau ngổ trồng được quanh năm, cho thu nhập đều đặn.
Với số lượng rau cân bán của mỗi gia đình khá nhiều, vì thế, các chị luân phiên nhau, đến lượt thành viên nào cắt rau bán thì những thành viên còn lại trong tổ tranh thủ đến bó vần công. Dù vậy, các chị cũng được trả công 500 đồng/bó rau (1kg). Chị Lê Thị Hồng Mai không ruộng đất canh tác, nhận bó rau thuê cho các chị trong ấp bên cạnh việc gia công vành nón lá. Nhờ ngày nào cũng có thành viên cắt rau bán nên thu nhập của chị Mai rất đều đặn, không lo thiếu việc. Mỗi ngày chị bó từ 60-70 kg rau, kiếm 30.000-35.000 đồng.
Rau ngổ vị nhẫn, tính mát, mùi thơm, làm được nhiều món ngon như: um lươn, nấu canh chua, bóp gỏi hay ăn với lẩu mắm, còn là một trong những cây thuốc nam chữa được nhiều loại bệnh. Vì thế, rau ngổ tuy là một loài rau bình dân nhưng không kém phần hấp dẫn. Với nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của người dân, từ gia đình bình dân đến nhà hàng sang trọng, mô hình trồng rau ngổ trên sông của chị em phường Tân Phú còn tiếp tục phát triển. Theo chị Lê Thị Ngọc Mai, Tổ trưởng tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội khu vực Phú Lễ, hiện tổ có 36 chị vay vốn, trong đó có hơn 20 chị vay từ 10-30 triệu đồng với mục đích giải quyết việc làm, trong đó có đầu tư trồng rau sạch trên sông. Ngoài rau ngổ, hiện các chị đang thử trồng thêm rau muống, làm phong phú thêm sản phẩm của tổ, mang lại thu nhập nhiều hơn.
Bài, ảnh: MỸ TÚ