Ngày 23/9, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi UBND quận, huyện hướng dẫn, thống nhất hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP thuộc trách nhiệm trình duyệt của UBND quận, huyện.
Các chính sách hỗ trợ do UBND quận, huyện trình duyệt
Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương quy định tại điểm 4 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP (gọi tắt là Chính sách 4)
Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc quy định tại điểm 5 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP (gọi tắt là Chính sách 5)
Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em quy định tại điểm 7 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP (gọi tắt là Chính sách 7, trong đó chính sách hỗ trợ trẻ em gọi tắt là chính sách 7b)
Chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0), người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm 8 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP (gọi tắt là Chính sách 8)
Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh quy định tại điểm 10 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP (gọi tắt là Chính sách 10)
Tổng hợp quy định thực hiện các chính sách hỗ trợ do UBND quận, huyện trình duyệt (Phụ lục 1 kèm theo).
* Lưu ý trong thực hiện các chính sách hỗ trợ do UBND quận, huyện trình duyệt
Về xác định đối tượng được xét hỗ trợ:
Các trường hợp doanh nghiệp, đơn vị, hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động, dừng hoạt động sau ngày 01/5/2021 thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được coi là “bị tạm dừng hoạt động” hay “phải dừng hoạt động” “theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19” ở Chính sách 4 và Chính sách 10:
- Tạm dừng hoạt động hay phải dừng hoạt động theo quyết định phong tỏa, quyết định tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19 của Ủy ban nhân dân các cấp đối với doanh nghiệp, đơn vị, hộ kinh doanh hay đối với khu vực, địa bàn nơi doanh nghiệp, đơn vị, hộ kinh doanh có trụ sở, cơ sở, địa điểm hoạt động.
- Tạm dừng hoạt động hay phải dừng hoạt động do doanh nghiệp, đơn vị, hộ kinh doanh không đủ điều kiện để tiếp tục sản xuất kinh doanh theo phương án “03 tại chỗ”, theo phương thức “Vừa cách ly - Vừa sản xuất” theo kết luận, văn bản của đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công Thương tổ chức hay của Ban quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố Cần Thơ.
Người là đối tượng được hỗ trợ theo Chính sách 8 (F0, F1) không chỉ là người lao động (có giao kết hợp đồng lao động, có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) hay phải thực hiện cách ly y tế (F1) mà còn bao gồm cả những đối tượng khác là F0 hay F1.
Về thủ tục tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương
Hiện nay, do pháp luật không quy định mẫu thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương với người lao động, nên các doanh nghiệp, đơn vị lựa chọn và thực hiện thủ tục thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo một trong các cách như sau:
- Bản thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương của người sử dụng lao động ký với từng người lao động (có chữ ký của mỗi bên);
- Danh sách thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương của người sử dụng lao động ký với một số người lao động và ở cột cuối của danh sách là ký và ghi rõ họ và tên tương ứng với từng dòng họ và tên của từng người lao động.
- Ở cuối danh sách này chia làm 02 bên: Bên trái là chữ ký, họ và tên, đóng dấu (nếu có) của đại diện tổ chức công đoàn ở doanh nghiệp; bên phải là chữ ký, họ và tên, đóng dấu của đại diện doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Trong bối cảnh thành phố Cần Thơ và một số tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nên có một số trường hợp đơn vị sử dụng lao động không thể liên hệ được với người lao động để ký tên vào danh sách thỏa thuận chung như đã nêu. Đối với những trường hợp này, đơn vị sử dụng lao động nhắn tin trên điện thoại và đề nghị người lao động trả lời bằng tin nhắn về việc thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với người sử dụng lao động; sau đó in bản chụp màn hình các tin nhắn này để tạm thời thay cho thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với người sử dụng lao động; đồng thời ghi rõ “Thỏa thuận bằng tin nhắn” vào cột cuối của danh sách tương ứng với dòng họ và tên của người lao động.
Về giấy tờ thể hiện người lao động mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi, chăm sóc thay thế trẻ em dưới 6 tuổi
Do thành phố Cần Thơ và một số tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nên đối với các giấy tờ thể hiện việc người lao động đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, chăm sóc thay thế trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định ở khoản 3 Điều 15 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; người lao động có thể nộp bản sao không có chứng thực (bản in ảnh chụp bằng điện thoại di động hoặc bản camera scan hoặc bản photocopy) khi làm thủ tục đề nghị hưởng Chính sách 4, nhưng người lao động phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và trung thực của bản sao này và phải nhanh chóng nộp bản sao có chứng thực hay bản chính để đối chiếu các bản sao nêu trên vào hồ sơ lưu tại đơn vị sử dụng lao động sau khi địa phương đã gỡ bỏ giãn cách xã hội và cho phép đi lại bình thường.
Về trường hợp người lao động không có tài khoản cá nhân để nhận tiền hỗ trợ
Trường hợp người lao động không có tài khoản cá nhân để tiếp nhận tiền được hỗ trợ thì người lao động có thể nhờ tài khoản của đơn vị sử dụng lao động, tài khoản người khác hay đề nghị chi trả qua bưu điện, nhưng việc này phải xuất phát từ đề nghị của người lao động (thể hiện qua tin nhắn, e-mail), ghi rõ nội dung đề nghị này của người lao động vào cột "Ghi chú" của Danh sách đề nghị hỗ trợ và đảm bảo không phát sinh khiếu kiện về sau.
Hồ sơ của UBND quận, huyện trình UBND thành phố phê duyệt danh sách và mức hỗ trợ
Hồ sơ của UBND quận, huyện trình UBND thành phố phê duyệt danh sách và mức hỗ trợ đối với các chính sách hỗ trợ do UBND quận, huyện trình duyệt bao gồm:
a) Tờ trình phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với chính sách hỗ trợ theo gợi ý tại Phụ lục số 2 kèm theo Công văn này;
b) Hồ sơ đề nghị phê duyệt cần phù hợp với thành phần hồ sơ nêu tại điểm 3 Mục 3 của từng Chính sách nêu ở Phụ lục số 1 kèm theo Công văn này;
Đối với từng Chính sách hỗ trợ, hồ sơ này gồm có thủ tục như sau:
- Chính sách 4: Danh sách người lao động có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội theo Mẫu số 05 tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg;
- Chính sách 5: Danh sách người lao động có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội theo Mẫu số 06 tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg;
- Chính sách 7, 8: Danh sách F0, F1 đủ điều kiện hưởng chính sách theo Mẫu số 8a hay 8b tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
- Chính sách 10: Danh sách tổng hợp các hộ kinh doanh đề nghị hỗ trợ trên địa bàn quận, huyện có xác nhận của Chi cục Thuế phụ trách địa bàn, quận, huyện theo gợi ý tại Phụ lục số 3 kèm theo Công văn này.
c) Dự thảo Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ của UBND thành phố.
d) Dự thảo danh sách đính kèm Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ của UBND thành phố.
Về giải ngân kinh phí hỗ trợ đã phê duyệt
Sau khi nhận được quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ của UBND thành phố; UBND quận, huyện chủ động bố trí kinh phí từ các nguồn: 50% nguồn dự phòng ngân sách (nếu còn), ưu tiên sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư trước và nguồn tài chính hợp pháp khác (kết dư ngân sách, nguồn huy động...) của ngân sách quận, huyện để giải ngân cho người được duyệt hỗ trợ; đồng thời báo cáo Sở Tài chính về việc bố trí kinh phí để giải ngân này.
Trường hợp ngân sách không đủ để giải ngân kinh phí hỗ trợ được UBND thành phố phê duyệt; UBND quận, huyện kịp thời báo cáo UBND thành phố (qua Sở Tài chính) để bổ sung kinh phí thực hiện.
Theo CTTĐT Cần Thơ