Trong cả nước có 325 khu công nghiệp với 2,9 triệu lao động; trong đó có khoảng 1,2 triệu lao động nữ. Tại các khu công nghiệp, có tới 52,6% nữ công nhân có con nhỏ dưới 6 tháng tuổi và nhu cầu gửi trẻ là rất lớn, nhưng đây lại là một trong những vấn đề bí bách nhất hiện nay của nữ công nhân.
Bà Trịnh Thanh Hằng, Trưởng ban Nữ công, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: tính đến hết năm 2016, cả nước có 325 khu công nghiệp với hơn 2,9 triệu lao động. Trong đó có gần 1,2 triệu lao động nữ. Một số ngành như da giày, dệt may, chế biến thủy sản có doanh nghiệp tỷ lệ nữ chiếm 80 đến 90%. Tuy nhiên, đại bộ phần người lao động vẫn còn nhiều khó khăn, một số vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân nổi lên là về nhà ở tại các khu công nghiệp, tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội, cơ sở nuôi dạy trẻ…
Theo bà Trịnh Thanh Hằng, tính đến hết năm học 2016 – 2017, cả nước có gần 15 ngàn trường mầm non, hơn 192 ngàn nhóm lớp. Tại các khu công nghiệp tập trung nhiều công nhân, đặc biệt là công nhân nữ trẻ, nhu cầu gửi con là rất lớn.
Khảo sát năm 2017 cho thấy, có khoảng 52,6% lao động nữ tại các khu công nghiệp có con nhỏ dưới 6 tháng tuổi và có nhu cầu gửi trẻ. Chỉ có khoảng 19% gia đình công nhân tại các khu công nghiệp và lân cận “có được sự may mắn” là gửi con vào các cơ sở mầm non công lập. Còn lại phải gửi con ở các nhà trẻ tư nhân, nhóm trẻ, cơ sở mầm non tư thục.
Trong khi đó, việc quản lý nhà trẻ, nhà mẫu giáo dành cho con công nhân còn nhiều bất cập. Hầu hết các khu công nghiệp chưa có quy hoạch về xây dựng nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa, xã hội phục vụ người lao động.
Một thực tế đáng lo ngại hiện nay, theo bà Trịnh Thanh Hằng, các trường mầm non công lập đang quá tải, lại ít khi nhận trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi vì thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên. Còn các trường mầm non tư thục có chất lượng thì mức thu học phí cao, trong khi lương công nhân thấp, không đủ chi trả học phí cho con.
Có khoảng 52,6% lao động nữ tại các khu công nghiệp có con nhỏ dưới 6 tháng tuổi và có nhu cầu gửi trẻ
Không chỉ vậy, theo bà Hằng, các trường này cũng rất hạn chế nhận trẻ dưới 36 tháng tuổi, đặc biệt ít nhận trông trẻ dưới 18 tháng tuổi vì lợi nhuận thấp, yêu cầu cao về kỹ năng chăm sóc, rủi ro lại cao. Mặt khác, các trường mầm non có thời gian đón trả trẻ không phù hợp với thời gian làm việc theo ca kíp của công nhân ở khu công nghiệp.
Đáng lo ngại hơn, các nhóm lớp tư thục thường có quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, thường tận dụng nhà dân làm phòng giữ trẻ, nên chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu sân chơi, không đảm bảo diện tích cho trẻ sinh hoạt…
Một số vụ bạo hành trẻ xảy ra đều nằm ở nhóm lớp chưa được cấp phép và nạn nhân là con của các công nhân, người lao đọng làm việc tại các khu công nghiệp, gây bức xúc trong dư luận và bất an cho phụ huynh.
Ngày 25/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trong đó, Thủ tướng nêu một loạt các vấn đề khó khăn đời sống công nhân như: Lương chưa đảm bảo, có nơi lương chỉ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng. Tình trạng nợ lương vẫn xảy ra tại một số ngành, địa phương. Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra. Tai nạn lao động vẫn gây thiệt hại lớn về con người và tài sản (gần 9.000 vụ tai nạn lao động làm khoảng 9.000 người bị nạn, trong đó có 928 người chết). Khó khăn về nhà ở, thiếu nhà trẻ, trường học ở các khu công nghiệp đã làm cuộc sống của công nhân, người lao động thêm khó khăn. Qua đó, Thủ tướng yêu cầu: Cần phối hợp làm tốt, nhanh hơn các thiết chế công đoàn, trước là nhà ở cho công nhân. Tiếp tục tích cực tham gia hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động, xã hội. Thúc đẩy phát triển thị trường lao động, phòng ngừa tai nạn lao động. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động... |
Theo http://phunuvietnam.vn