Sáng ngày 23/4, tại Uỷ ban Nhân dân xã Trường Long, huyện Phong Điền, Hội LHPN thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động của Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp năm 2019 do Hội LHPN thành phố phát động.
Tham dự có đồng chí Diệp Thị Thu Hồng, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN thành phố, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và hơn 200 cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn thành phố.
Quang cảnh hội thảo
Hội thảo nhằm tiếp tục khơi dậy tinh thần khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, truyền cảm hứng cho cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn và tiếp tục phát huy nội lực của Phụ nữ trong lĩnh vực phát triển kinh tế; giúp nhau giảm nghèo bền vững, đặc biệt thúc đẩy, hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, đẩy mạnh sự phát triển của các tổ hợp tác, tổ liên kết, hộ kinh doanh cá thể. Tham gia chương trình hội thảo, các đại biểu được gặp gỡ và giao lưu với một số chị em, là những người có nhiều nỗ lực, mạnh dạn và tự tin thực hiện những sáng kiến của mình trong lao động, sản xuất. Đây là dịp để chị em tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn các quy định về sở hữu trí tuệ, thủ tục công nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, điều kiện để các sản phẩm khởi nghiệp tiếp cận vào các thị trường khó tính; đặc biệt là được chia sẻ những kinh nghiệm quý báu để thành công, những khó khăn, rào cản khi phụ nữ khởi nghiệp.
Chia sẻ kinh nghiệm về “Vai trò của Hội LHPN huyện trong vận động và quản lý có hiệu quả các tổ hợp tác, hợp tác xã”, đồng chí Bùi Thị Uyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phong Điền cho biết: “Với đặc thù là huyện nông thôn, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, cây ăn trái... Hội tập trung xây dựng các tổ hợp tác và hợp tác xã gắn liền với cây ăn trái, với các làng nghề truyền thống. Với nhiều hoạt động như: Tập huấn và đưa đi tập huấn, tranh thủ từ nhiều nguồn hỗ trợ vốn vay, giống, khoa học kỹ thuật… để các chị em an tâm trong phát triển kinh tế, đến nay đã thành lập 03 tổ liên kết hợp tác được thành lập với 86 thành viên bao gồm như: đan sọt, đan dây nhựa, trồng trường sanh; 04 hợp tác xã đang hoạt động có hiệu quả với 135 thành viên như: vú sữa, hạnh, chanh không hạt, xoài đài loan,… .”
Nói về công tác hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của huyện Phong Điền, đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Ái, Phó phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Từ năm 2017 đến nay, toàn huyện thành lập mới được 07 HTX nông nghiệp, với 64 thành viên, trong đó nữ chiếm 89% (57 thành viên) tập trung chủ yếu lĩnh vực cây ăn trái, đã tạo việc làm cho nhiều lao động thường xuyên và lao động thời vụ như phối hợp với Hội LHPN huyện chuyển giao khoa học kỹ thuật, trợ giá giống cây, con và hỗ trợ tư vấn lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX sản xuất theo hướng VietGAP, bảo đảm đầu ra ổn định; phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn thành phố tổ chức 10 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện chủ yếu về lĩnh vực cây ăn trái với 341 học viên tham dự, trong đó có 61 học viên là nữ”.
Một số gian hàng trưng bày:
Khách tham quan được trải nghiệm cắt tóc miễn phí tại Hội thảo
Tham gia trưng bày sản phẩm tại Hội thảo có 15 gian hàng đến từ Hội LHPN các quận, huyện và các đơn vị do Hội LHPN thành phố phối hợp Công ty L’Oreal, … với gần 50 sản phẩm tiêu biểu trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm nghề truyền thống của hội viên, phụ nữ trong toàn thành phố và các đơn vị phối hợp các sản phẩm do chị em phụ nữ trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Nhiều sản phẩm mang hương vị đặc trưng gắn với từng địa phương như: Cơm Rượu Cờ Đỏ, Bánh đa Vĩnh Thạnh, Bánh tráng Thuận Hưng , Chiếu, thúng nia Cái Răng, và các sản phẩm đan đát, kết cườm …
“Đ/c Diệp Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN TPCT tham quan gian hàng rau an toàn và mô hình nữ tiểu thương “Nói không với túi ni – lông trong mua bán”
Phát biểu tổng kết Hội thảo, đồng chí Diệp Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN thành phố, ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đại biểu đã trao đổi, chia sẻ về khó khăn, thuận lợi và bài học kinh nghiệm từ phía các ngành, các chị đang khởi sự kinh doanh, sáng tạo khởi nghiệp. Về phía Hội LHPN thành phố sẽ tranh thủ các nguồn vốn vay để hỗ trợ chị em phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp trong các lĩnh vực mua bán, chăn nuôi, cải tạo vườn tạp kết hợp phát triển du lịch cộng đồng. Để tạo nên làn sóng khởi nghiệp trong cộng đồng hội viên phụ nữ, góp phần vào mục tiêu phát triển chung của thành phố, đồng chí đề nghị: Các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp, về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến khởi nghiệp; Chủ động phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức tập huấn để trang bị kiến thức, kinh nghiệm, ý tưởng kinh doanh, định hướng nghề nghiệp cho phụ nữ có khả năng, điều kiện khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; tổ chức kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay,... hỗ trợ hợp tác xã/tổ hợp tác mới thành lập do phụ nữ quản lý. Đối với hội viên, phụ nữ hãy tự tin, chủ động tích cực học hỏi đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời bảo vệ môi trường và an toàn sức khỏe cho cộng đồng.
Dịp này, các đại biểu được tham quan thực tế hợp tác xã Chanh không hạt tại ấp Trường Khương, do chị Nguyễn Thị Huệ làm Giám đốc, chị cũng là người được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2017 trong việc thực hiện hiệu quả Hợp tác xã Chanh không hạt.
Thông qua hoạt động, là môi trường thuận lợi, cơ hội để các đơn vị và hội viên, phụ nữ có dịp giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển kinh tế và đặc biệt là dịp để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm an toàn do chị em phụ nữ trực tiếp sản xuất, kinh doanh, đã thu hút trên 200 người tham quan và mua sắm, góp phần cụ thể hóa đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2017 - 2025”./.
KN