Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Long Hưng thiết thực giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình

16:54 - 19/09/2016

Nhằm tạo điều kiện giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững…thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Long Hưng, quận Ô Môn đã xây dựng nhiều mô hình hay, thiết thực. Song song đó, Hội đã thành lập và duy trì có hiệu quả các tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, tạo điều kiện để các chị em đầu tư sản xuất, chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập. Từ những việc làm thiết thực, 5 năm qua, Hội đã giúp 56 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chúng tôi cùng cán bộ Hội LHPN phường Long Hưng đến thăm hỏi, tìm hiểu đời sống một số gia đình hội viên được Hội hỗ trợ vay vốn để mua bán nhỏ, đầu tư sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả. Khi chúng tôi đến thăm, chị Lê Thị Miền, thành viên tổ phụ nữ bán hàng lưu động vừa về tới. Lau vội những giọt mồ hôi trên trán, chị Miền phấn khởi khoe, hôm nay chị bán gần hết số hàng, lời hơn 200 ngàn đồng. Chị Miền bảo, để kiếm được số tiền hơn 200 ngàn đồng này, chị phải thức dậy từ 3 giờ sáng, ra chợ thu mua các loại rau củ quả, thịt cá rồi chịu khó chạy xe máy chở hàng đi bán ở các xã, ấp xa xôi. Trước kia, hoàn cảnh kinh tế của gia đình chị Miền gặp nhiều khó khăn do ít đất sản xuất. Nhờ số vốn vay giải quyết việc làm của Hội, chị Miền và ông xã có điều kiện mua bán nhỏ. Ông xã chị Miền thì bán đồ gia dụng, chị thì mua bán đồ rẫy lưu động. Tính chung thu nhập của hai vợ chồng hằng tháng khoảng 12 triệu đồng, đảm bảo lo cho 2 đứa con học hành. Theo chị Thái Thị Hồng Phương, Chủ tịch Hội LHPN phường Long Hưng, mô hình tổ phụ nữ bán hàng lưu động được Hội xây dựng từ năm 2015 tại khu vực Long Định với 7 thành viên, thu nhập trung bình của các thành viên đạt từ 100 đến 200 ngàn đồng/ngày.

Cán bộ Hội LHPN phường Long Hưng thăm hỏi, tìm hiểu tình hình mua bán

của hội viên trong tổ phụ nữ bán hàng lưu động.

Cùng với việc xây dựng các mô hình, thời gian qua, Hội cũng thành lập và duy trì có hiệu quả các tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, tạo điều kiện giúp chị em mua bán nhỏ, đầu tư chăn nuôi, cải tạo vườn tạp. Nhờ số vốn vay của Hội mà chị Nguyễn Thị Thủy, chi hội khu vực Phú Luông có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, lo cho con ăn học. Chồng mất khi chị Thủy còn khá trẻ, một mình chị tảo tần nuôi 5 người con. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Năm 2011, từ số vốn vay của Hội, chị Thủy có điều kiện mua bán đồ rẫy. Nhờ chịu khó, tính tình hiền lành, vui vẻ, chị được bà con gần xa ủng hộ, thu nhập rất khá. Đến năm 2013, chị Thủy được xét thoát nghèo. Hiện nay, 5 người con của chị Thủy đều có công ăn việc làm ổn định, trong đó, có 3 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

Chia tay gia đình chị Thủy, chúng tôi đến nhà chị Lê Thị Ngọc Hương, Chi hội Trưởng chi hội phụ nữ khu vực Phú Luông, tham quan mô hình chăn nuôi heo. Đàn heo nhà chị có hơn 20 con, vừa heo thịt vừa heo nái, con nào cũng mập mạp. Chị Hương kể, ngày trước, kinh tế gia đình chị khó khăn, vợ chồng chỉ có vỏn vẹn 1 công đất vườn tạp, huê lợi không bao nhiêu. Năm 2013, nhờ số vốn vay của Hội, chị đầu tư chăn nuôi heo. Chịu khó học hỏi kinh nghiệm, chị Hương nuôi đạt hiệu quả ngoài mong đợi. Hiện thu nhập trung bình của gia đình chị Hương là khoảng 80 triệu đồng/năm. Sau mấy năm tích lũy, chị Hương dự định cuối năm nay sẽ cất lại căn nhà khang trang trị giá hơn 200 triệu đồng. Tương tự, nhờ chăn nuôi heo mà cuộc sống của chị Huỳnh Thị Liếng đã bớt khó khăn hơn trước. Chị Liếng thuộc diện hộ nghèo, gia đình không đất đai canh tác, vợ chồng làm mướn kiếm sống. Năm 2013, chị Liếng được Hội hỗ trợ vay 7 triệu đồng để làm chuồng và nuôi 2 con heo. Sau khi bán được lứa heo đầu, chị lời khoảng 1 triệu đồng/con. Chị Liếng bộc bạch: "Trước kia, 2 vợ chồng chỉ làm mướn, làm ngày nào, ăn ngày đó, nên cứ nghèo hoài. Từ lúc chăn nuôi, cả nhà tôi xem như đang bỏ ống tiết kiệm, ngày ngày cố gắng làm lụng để có tiền đầu tư vào bầy heo. Bán xong lứa này heo này tôi lời khoảng 5 triệu đồng, xem như có chút đỉnh tiền tiết kiệm, cuộc sống bớt khó khăn".

Chị Thái Thị Hồng Phương, Chủ tịch Hội LHPN phường Long Hưng, cho biết thêm: bên cạnh hỗ trợ vay vốn, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, Hội còn tổ chức 5 lớp dạy nghề may thu hút hơn 140 học viên tham gia, góp phần giải quyết việc làm cho chị em hội viên…Bên cạnh đó, Hội cũng vận động gạo, tặng quà cho các hộ hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo với tổng số tiền hơn 32 triệu đồng, 330kg gạo; tặng 35 suất học bổng Nguyễn Thị Định cho con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn và quà cho con em dịp năm học mới với tổng số tiền hơn 12 triệu đồng; tổ chức thăm hỏi hội viên khi đau ốm, nhà hữu sự;…

Chị Võ Thị Thúy Đoan, Chủ tịch Hội LHPN quận Ô Môn, ghi nhận: "Thời gian qua, Hội LHPN phường Long Hưng đã nỗ lực triển khai có hiệu quả các giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững. Trong nhiệm kỳ 2011-2016, Hội đã giúp 56 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, vượt chỉ tiêu được giao. Những năm qua, Hội LHPN phường Long Hưng đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp".

Bài, ảnh: Tâm Khoa

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

61123

Hôm nay:
5
Tháng này:
407
Tổng lượt truy cập:
61123