Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Hội LHPN Việt Nam và ILO tăng cường hợp tác vì lợi ích của lao động nữ tại Việt Nam

23:39 - 29/03/2021

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong buổi làm việc giữa Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga và TS. Chang - Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam sáng ngày 25/3.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga và TS. Chang - Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hà Thị Nga thông tin, Hội LHPN Việt Nam đang phát huy vai trò chủ động, tích cực tham gia công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Hội cũng đang tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án lớn như hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số, xây dựng nông thôn mới… 

Đánh giá những hoạt động hợp tác chặt chẽ của ILO Việt Nam với tổ chức Hội trong thời gian vừa qua là hết sức hiệu quả, Chủ tịch Hà Thị Nga cho biết, vấn đề việc làm cho phụ nữ, an sinh xã hội và bình đẳng dựa trên cơ sở giới hiện đang là một vấn đề nóng hổi, bức thiết, mối quan tâm lớn của xã hội Việt Nam trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 và biến đổi khí hậu hiện nay.  Năm 2020, Hội LHPN Việt Nam và ILO đã kết hợp với UN Women tổ chức các hội thảo tham vấn về dự thảo sửa đổi luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kết quả của các hội thảo đã giúp Hội tham gia chất lượng vào hoạt động phản biện, đề xuất chính sách với Đảng, Nhà nước, trong đó có 6/9 nội dung Hội tham gia về bổ sung, sửa đổi luật được tiếp thu.

Chủ tịch Hà Thị Nga trao đổi với Giám đốc ILO Chang – Hee Lee về vấn đề nữ lao động tại Việt Nam

Chủ tịch Hà Thị Nga nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, hiện tượng phụ nữ di cư lao động không chính thức qua biên giới có dấu hiệu gia tăng, trở thành vấn đề mới, nhiều phức tạp cho chính quyền trong xử lý. Hàng năm, có đến hàng chục ngàn phụ nữ nhập cư và di cư để tìm việc làm do điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, điều này dẫn đến nhiều hệ lụy và nguy cơ cho xã hội. Theo Chủ tịch Hội, những đối tượng này cần nhận được sự quan tâm cụ thể để có những đảm bảo về quyền lao động, ổn định cuộc sống và thu nhập kinh tế gia đình; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành phối hợp của ILO hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong giải quyết các vấn đề trên.

Chủ tịch Hà Thị Nga cũng đề xuất trong năm 2021, với những kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý thị trường lao động, ILO sẽ tiếp tục hỗ trợ Hội, đưa ra những cơ hội, giải pháp cụ thể hơn nữa trong phát triển bền vững các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và các vấn đề liên quan đến nữ lao động tại Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm của Chủ tịch Hà Thị Nga, ông Chang - Hee Lee khẳng định, phụ nữ Việt Nam đóng góp vô cùng to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội, thể hiện rõ ở tỷ lệ nữ tham gia lao động cao hơn nhiều so với không chỉ các nước ở khu vực Châu Á mà còn ở các nước khác trên thế giới.

Tuy nhiên, ông cũng nhận thấy phụ nữ Việt Nam đang gặp phải nhiều rào cản, khó khăn trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Phụ nữ Việt Nam thường được trả tiền công với mức lương thấp hơn mặc dù có thể trình độ năng lực, bằng cấp của họ tương đương hoặc thậm chí cao hơn nam giới; công việc thiếu sự ổn định và được hưởng lợi ít hơn từ hệ thống Bảo hiểm xã hội. Một số vấn đề do liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật, quan niệm của xã hội hay cách làm của các doanh nghiệp. Do đó, Giám đốc ILO mong rằng hai bên cùng dành thời gian tìm hiểu các cơ hội để giải quyết những vấn đề liên quan đến phụ nữ trong và ngoài nơi làm việc của họ.

TS. Chang - Hee Lee cho biết, ILO có một nhóm chuyên gia về Bảo hiểm xã hội, theo đó ông mong muốn có sự kết hợp chặt chẽ để tăng cường khả năng tiếp cận Bảo hiểm xã hội cho chị em phụ nữ; thay đổi cách làm việc, cách thức quản lý, vận hành của các doanh nghiệp để phụ nữ được thăng tiến với đúng năng lực và đồng thời nhận mức lương đúng với vị trí việc làm. Ông khẳng định, ILO sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế và các cơ quan ở Việt Nam như các Tổ chức đại diện cho người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động… nhằm tăng cường đẩy mạnh công tác Bình đẳng giới.

Về vấn đề nữ lao động di cư vùng biên giới, TS. Chang - Hee Lee chia sẻ, ILO đã có nhiều chương trình hành động liên quan đến người di cư lao động là nữ giới và đặc biệt quan tâm đến vai trò của doanh nhân nữ, cùng chung tay để phụ nữ có cơ hội việc làm hiện nay; triển khai nhiều dự án với các ngành nghề khác nhau như: dệt may, điện tử, chế biến thủy sản… để từ đó tìm hiểu, thúc đẩy hơn nữa các Doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Với những chia sẻ thẳng thắn, hợp tác, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga và ông Chang - Hee Lee đều khẳng định thiện chí hai bên sẽ tiếp tục tăng cường sự hợp tác mang tính chặt chẽ và hệ thống hơn nhằm nâng cao chất lượng lao động nữ cũng như góp phần mang lại những lợi ích thiết thực, rõ nét cho lao động nữ tại Việt Nam.

Chủ tịch Hà Thị Nga tặng ông Chang - Hee Lee quà kỷ niệm bức tranh gạo 

Theo http://www.hoilhpn.org.vn/

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

61083

Hôm nay:
0
Tháng này:
367
Tổng lượt truy cập:
61083