Đề nghị phía Hàn Quốc áp dụng các biện pháp cần thiết để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đồng thời bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân và con trai. Đây là một trong những nội dung cơ bản trong thư của Hội LHPN Việt Nam gửi Bộ trưởng Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc.
Trao đổi với Báo PNVN xung quanh vụ việc một cô dâu Việt Nam bị người chồng Hàn Quốc đánh gãy xương sườn, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tuyên giáo - Trung ương Hội LHPN Việt Nam, cho biết: "Ngay khi biết thông tin về việc một phụ nữ Việt Nam bị người chồng Hàn Quốc bạo hành tàn nhẫn tại Yeongam, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã liên hệ với Hội Phụ nữ Việt Nam ở Hàn Quốc để nắm thông tin vụ việc. Ngày 8/7/2019, Hội đã gửi thư tới Bộ trưởng Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, trong đó đánh giá cao phản ứng kịp thời của các cơ quan chức năng Hàn Quốc khi xử lý vụ việc. Trong thư khẳng định: “Với ưu tiên hàng đầu của hai tổ chức là bảo đảm phụ nữ không bị bạo lực, chúng tôi mong đợi sự ủng hộ và phối hợp của quý Bộ trong việc theo dõi vụ việc và thúc đẩy các cơ quan hữu quan của Hàn Quốc áp dụng các biện pháp cần thiết để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đồng thời bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân và con trai”. Hội LHPN Việt Nam cũng đề nghị phía bạn sẽ tiếp tục nỗ lực để kiểm soát bạo lực đối với phụ nữ đang sống ở Hàn Quốc. Chúng tôi được biết là bà Bộ trưởng cũng đã trực tiếp đến thăm nạn nhân tại bệnh viện".
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tuyên giáo - Trung ương Hội LHPN Việt Nam
- Theo thông tin từ báo chí Hàn Quốc thì nguyên nhân của vụ bạo hành này chỉ vì cô dâu không nói rành tiếng Hàn. Trên thực tế cũng từng xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc đối với phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc mà nguyên nhân xuất phát từ bất đồng ngôn ngữ. Điều này đặt ra những vấn đề gì đối với không chỉ cô dâu mà cả chú rể người nước ngoài khi kết hôn với phụ nữ Việt Nam?
Nghi phạm đến trình diện Toà án thành phố Gwangju hôm 8/7. Ảnh: Yonhap.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương: Thực tế hiện nay, nhiều cuộc hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam với nam giới nước ngoài là hôn nhân “4 không” (không biết văn hoá, ngôn ngữ, pháp luật nước định sang lấy chồng/vợ; không biết người dự định kết hôn; không biết hoàn cảnh gia đình người dự định kết hôn; không tình yêu). Từ đó phát sinh nhiều hệ lụy trong cuộc sống hôn nhân và xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc. Để giải quyết được vấn đề, quan trọng là các cặp vợ chồng kết hôn cần dựa trên nền tảng của tình yêu, có đủ thời gian tìm hiểu nhau, hiểu được hoàn cảnh của nhau và có thể sử dụng được ngôn ngữ của nhau. Chính vì vậy, trong thời gian qua, các cấp Hội có nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn, cung cấp thông tin để phụ nữ khi quyết định lấy chồng người nước ngoài nói chung và người Hàn Quốc nói riêng được dựa trên cơ sở “5 biết” (biết văn hóa, ngôn ngữ, pháp luật nước định sang lấy chồng/vợ; hiểu biết người dự định kết hôn; biết hoàn cảnh gia đình của người dự định kết hôn; biết các trường hợp điển hình thành công, thất bại của những người đã kết hôn với người nước ngoài; biết các quy định của Việt Nam về kết hôn với người nước ngoài và cơ quan giúp đỡ mình khi ra nước ngoài).
Thời gian gần đây, chính sách về nhập cư của Hàn Quốc đã yêu cầu phụ nữ khi muốn nhập cảnh phải có trình độ tiếng Hàn ở mức độ nhất định. Mặc dù vậy, khi đã sang Hàn Quốc, hòa nhập với cuộc sống mới ở Hàn Quốc, người phụ nữ vẫn cần chủ động học hỏi, nâng cao trình độ tiếng Hàn của mình nhằm thích ứng tốt hơn với cuộc sống. Đồng thời, người chồng và gia đình Hàn cũng cần thực sự cảm thông, chia sẻ với các cô dâu Việt trong thời gian này, cùng hỗ trợ để người phụ nữ có thể hòa nhập tốt với cuộc sống tại Hàn Quốc. Chúng tôi nghĩ rằng không chỉ cô dâu Việt Nam cần biết ngôn ngữ, văn hóa nước mình đến mà ngay cả chú rể cũng rất cần biết ngôn ngữ và văn hóa quê hương của vợ, có như vậy sự giao tiếp, thấu hiểu mới thực sự bình đẳng và sâu sắc.
- Được biết, ngay khi vụ việc được phát hiện, các cơ quan chức năng Hàn Quốc đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, xử lý. Trong cuộc tiếp Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Thủ tướng Hàn Quốc “lấy làm tiếc” và lên tiếng xin lỗi, đồng thời hứa sẽ tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn cho người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc. Bà có thể chia sẻ một số giải pháp Hội đã triển khai để góp phần bảo vệ danh dự, nhân phẩm và quyền lợi của phụ nữ Việt Nam khi lấy chồng tại Hàn Quốc?
Bà Nguyễn Thị Minh Hương: Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, nhiều phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài (chủ yếu là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục) là vì mục đích kinh tế, nên thiếu hiểu biết giữa hai bên nam, nữ trước khi kết hôn. Chính vì vậy, để bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, thời gian qua, Hội đã tập trung thực hiện một số giải pháp:
+ Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, nhất là tại các địa phương có đông phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc; biên soạn các tài liệu tuyên truyền dưới nhiều hình thức để phụ nữ và người dân có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng;
+ Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, học nghề, tạo việc làm... để người phụ nữ tự tin hơn và có khả năng độc lập hơn về kinh tế và xã hội;
+ Hướng dẫn hoạt động của Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thuộc Hội LHPN các tỉnh/thành phố; lồng ghép với các hoạt động phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; qua tư vấn giúp phụ nữ nhận thức được các khó khăn, thách thức trong hôn nhân có yếu tố nước ngoài để có được các giải pháp và quyết định phù hợp;
+ Phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, tư vấn, giáo dục định hướng cho phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc về văn hóa, pháp luật, ngôn ngữ. Ở phía Nam hiện đang có chương trình giáo dục cho phụ nữ di cư trước khi đến Hàn Quốc được thực hiện từ tháng 10/2011 do Hội LHPN Tp Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Chính sách và nhân quyền Liên hiệp quốc của Hàn Quốc (KOCUN) thực hiện. Chương trình nhằm trang bị cho phụ nữ khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc những kiến thức về đất nước, con người, văn hóa, phong tục tập quán, chính sách, pháp luật của Việt Nam và Hàn Quốc, nhằm giúp họ tự tin hơn với quyết định hôn nhân của mình. Ở phía Bắc, chúng tôi đang triển khai Dự án thí điểm tư vấn, hỗ trợ, kết nối dành cho phụ nữ kết hôn với người Hàn Quốc tại tỉnh Hải Dương do Hội phối hợp với Trung tâm văn hóa phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc thực hiện;
+ Tham gia, phối hợp với Trung tâm gia đình đa văn hóa của Hàn Quốc thực hiện chương trình dự án “Hỗ trợ con các gia đình Việt – Hàn về thăm quê ngoại” nhằm tăng cường sự gắn bó, chia sẻ với gia đình bên vợ của nam giới Hàn Quốc cũng như con các gia đình đa văn hóa được tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa Việt;
+ Thông qua các chuyến công tác, Hội cũng tăng cường kết nối, thông tin, gặp gỡ phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc để hỗ trợ kịp thời đối với các khó khăn của phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc;
+ Từ năm 2018, Hội phối hợp chặt chẽ và họp định kỳ hàng quý với Lãnh sự Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam về vấn đề cô dâu Việt và hỗ trợ gia đình Việt – Hàn.
- Xin cảm ơn bà!
Theo PNVN