Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề báo động và là trở ngại lớn nhất trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới. Thời gian qua, các cấp, các ngành trong TP Cần Thơ nỗ lực tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bạo lực trên cơ sở giới và mua bán người, góp phần giảm dần vấn nạn này qua từng năm.
Cán bộ Hội LHPN xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh dự buổi truyền thông về bình đẳng giới
do Trung tâm Phát triển phụ nữ thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Năm 2016, bà L.Th.H. (ngụ xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh) đến trình báo với các ngành chức năng và Công an huyện Vĩnh Thạnh cũng như các ngành chức năng tỉnh Bình Dương, nhờ giúp con gái bà tên L.Th.Th.K. (15 tuổi) bị mất tích từ năm 2013. Theo bà H., năm 2012, K. làm thuê ở tỉnh Bình Dương. Chị Bùi Thị Hồng Mai (SN 1975, ngụ cùng xã) nhiều lần dụ dỗ K. đến nơi khác làm với mức lương cao hơn rất nhiều, nhưng K. không chịu đi. Khoảng tháng 12-2013, K. mất tích, gia đình tìm kiếm khắp nơi nhưng không có tin tức. Mãi đến tháng 6-2016, K. gọi điện báo, bị chị Mai dụ dỗ, lừa bán sang Trung Quốc. Sau đó, K. bị người đàn ông Trung Quốc chuộc về, ép làm vợ, làm việc nhà, chưa một lần được ra khỏi nhà... K. xin về thăm cha mẹ ở Việt Nam nhưng chồng không đồng ý.
Xét thấy vụ việc liên quan mua bán người sang Trung Quốc, các ngành chức năng huyện Vĩnh Thạnh và xã Thạnh Mỹ tiến hành điều tra, xác minh làm rõ. Công an huyện Vĩnh Thạnh hướng dẫn gia đình bà H. tiếp tục gởi hồ sơ trình báo Công an tỉnh Bình Dương để giải quyết theo thẩm quyền. Đồng thời, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Vĩnh Thạnh kết hợp với ban, ngành huyện và xã Thạnh Mỹ tích cực tuyên truyền, vận động gia đình bà H. và người dân địa phương không nên nhẹ dạ cả tin lời bọn mua bán người để rơi vào cạm bẫy.
Theo Công an TP Cần Thơ, từ năm 2011 đến tháng 6-2017, ngành chức năng phát hiện và thụ lý 12 vụ, 34 đối tượng mua bán người, với 134 nạn nhân; điều tra, làm rõ 12 vụ, 34 đối tượng, với 134 nạn nhân, trong đó, có 29 nạn nhân là người thành phố (3 trường hợp vừa là nạn nhân, vừa là đối tượng); 105 trường hợp còn lại là nạn nhân các địa phương khác. Các nạn nhân từ 18 đến 35 tuổi, hạn chế trình độ học vấn, hiểu biết pháp luật, gia cảnh khó khăn. Một số trường hợp lười lao động, thích hưởng thụ; đua đòi lấy chồng ngoại quốc để đổi đời...
Theo chị Võ Thị Lài, Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, qua khảo sát, phần lớn gia đình rơi vào tình trạng bạo lực do gia cảnh khó khăn. Cùng với tổ chức truyền thông về BLGĐ; hành vi BLGĐ là vi phạm pháp luật và giúp nạn nhân mạnh dạn lên tiếng trước BLGĐ, Hội LHPN xã phối hợp tổ chức 4 lớp nghề: chằm nón, kết cườm, may công nghiệp cho 120 phụ nữ nghèo, phụ nữ là nạn nhân BLGĐ. Trong đó, khoảng 70% phụ nữ có việc làm, thu nhập từ 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng; đồng thời, hỗ trợ vốn vay ưu đãi để các chị phát triển nghề, tăng thu nhập. Xã hiện có 8 địa chỉ tin cậy, tiếp nhận 25 nạn nhân và 45 đối tượng có nguy cơ đến tư vấn.
2 năm trước, chị Đ.Th.K.Kh (SN 1990, ở xã Thạnh Lộc) xin ly hôn do chồng hay ghen tuông vô cớ, rồi đánh đập, hành hung chị. Chị Kh. bồng chống 3 con thơ đến tỉnh Bình Dương làm thuê kiếm sống, nhưng do không người trông giúp các con nên chị Kh. trở về, che chòi sống tạm phía sau nhà cha mẹ chồng. Chồng chị thường tới lui thăm con, rồi tiếp tục chung sống và nảy sinh mâu thuẫn như trước. Tại buổi truyền thông về BLGĐ của Trung tâm phát triển phụ nữ thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam vừa qua, chị Kh. trình bày nguyện vọng có nơi ở ổn định; được học nghề để có tiền lo các con ăn học. Qua trao đổi, Trung tâm Phát triển phụ nữ ĐBSCL trực thuộc Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ dạy nghề cho chị Kh. Mọi người đang động viên chị Kh. sắp xếp công việc gia đình để theo học nghề, dần ổn định cuộc sống mới.
Từ đầu năm đến nay, huyện Vĩnh Thạnh xảy ra 5 vụ BLGĐ ở các xã, thị trấn, đa phần do bất hòa, vợ chồng mâu thuẫn, kinh tế khó khăn... Tuy nhiên, nhờ địa phương nỗ lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BLGĐ; tham gia vận động, hòa giải tại cơ sở, tình trạng BLGĐ giảm dần từng năm. Nếu từ năm 2015 trở về trước, bình quân mỗi năm huyện Vĩnh Thạnh xảy ra 12 vụ BLGĐ, nay còn 5 vụ. Bà Lê Thanh Dung, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Toàn huyện hiện có 56 địa chỉ tin cậy, 12 câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, 17 câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật và duy trì hoạt động mô hình phòng, chống BLGĐ tại 5 xã gồm: Vĩnh Trinh, Thạnh Lộc, Vĩnh Bình, Thạnh Mỹ và Thạnh Quới. Các cấp Hội LHPN trong huyện kết hợp ngành chức năng cùng cấp nỗ lực tuyên truyền, giáo dục, tư vấn và hòa giải góp phần hạn chế BLGĐ.
Để ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về BLGĐ và mua bán phụ nữ, trẻ em, thành phố rất cần các cấp, các ngành chung tay đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống của người dân; chọn lựa giải pháp tuyên truyền về BLGĐ và phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em phù hợp từng đối tượng.
Bài, ảnh: X.Đào