Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

11:13 - 28/09/2021

Nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, phát triển các mô hình kinh tế, thời gian qua, các cấp Hội LHPN huyện Cờ Ðỏ luôn quan tâm, triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, vận động hội viên mạnh dạn khởi nghiệp từ chính các mô hình nghề truyền thống. Các mô hình phụ nữ khởi nghiệp, làm kinh tế giỏi ra đời ngày càng nhiều thông qua sự tiếp sức của Hội.

Chị Trần Thị Kẽm, ngụ tại ấp Ðông Mỹ, xã Ðông Thắng, huyện Cờ Ðỏ, khởi nghiệp với nghề làm bánh dân gian truyền thống.

Đến ấp Ðông Mỹ, xã Ðông Thắng, huyện Cờ Ðỏ, hỏi thăm nhà chị Kẽm “bánh dân gian” phần lớn người dân địa phương đều biết. Chị Trần Thị Kẽm là một trong những hội viên phụ nữ tiêu biểu khởi nghiệp thành công với nghề làm bánh truyền thống của gia đình. Hôm chúng tôi đến, căn nhà nhỏ của chị Kẽm dậy mùi thơm ngọt ngào của các loại bánh dân gian. Thấy khách hỏi thăm nghề gia truyền, chị Kẽm say sưa kể về quá trình khởi nghiệp.

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, trước đây, chị Kẽm làm ruộng và làm mướn kiếm sống. Yêu thích hương vị truyền thống của các loại bánh dân gian mà bà nội và bà ngoại chế biến, chị Kẽm quyết định tiếp nối nghề sau khi đã lập gia đình. Ngót hơn 7 năm “bám trụ” theo nghề, chị Kẽm bày tỏ, cũng nhờ làm bánh dân gian đã giúp cả gia đình chị ổn định đời sống. Ban đầu, chị Kẽm chỉ bán vài loại bánh học được từ bà nội và bà ngoại. Lâu dần, chị mày mò tìm hiểu thêm nhiều loại bánh như bánh ú lá tre, bánh bông lan, bánh kẹp, bánh bò rễ tre… được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Chị Kẽm chia sẻ: “Ðể tạo ra được những chiếc bánh thơm ngon, tôi luôn tỉ mỉ từ việc chọn nguyên liệu cho đến từng công đoạn, các bước chế biến. Chẳng hạn như để làm bánh ú lá tre thì thời gian ngâm nước tro phải đúng 1 đêm, dừa phải được sên kỹ lưỡng, bánh phải hấp khoảng 6 giờ…”. Theo chị Kẽm, nghề làm bánh dân gian chủ yếu lấy công làm lời nên khá vất vả. Ðể có bánh kịp bán, mỗi ngày, chị phải thức từ 3-4 giờ sáng để chuẩn bị, gói, hấp… Công việc kéo dài đến tận giữa trưa chị mới có thời gian nghỉ ngơi. Ngoài việc làm bánh bán hằng ngày, chị Kẽm còn nhận làm bánh cho các đám tiệc. Vất vả là vậy nhưng nghề này cũng mang đến cho gia đình chị nguồn thu nhập khá ổn định. Ở thời điểm trước dịch bệnh, trung bình mỗi tháng, chị làm cả 1.000 chiếc bánh ú lá tre, 20-30kg bánh kẹp, hơn 30kg bánh bò… Với giá bán bình dân, một chục chiếc bánh ú lá tre chỉ có 30.000 đồng, giá bánh bò 35.000 đồng/kg, bánh kẹp 80.000 đồng/kg nên các loại bánh của chị Kẽm là sự chọn lựa yêu thích của học sinh, người dân lao động. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng, chị Kẽm có thu nhập hơn 3 triệu đồng. Ðặc biệt, Tết là thời điểm tất bật hơn cả khi nguồn đơn đặt hàng tăng gấp đôi so với ngày thường. Trung bình mỗi dịp Tết, chị nhận làm hơn 1.000 cái bánh bông lan và khoảng 200kg bánh kẹp mới đủ cung ứng cho thị trường. Với mô hình này, không chỉ giúp gia đình Kẽm ổn định cuộc sống, mà đây còn là niềm vui tinh thần lớn lao khi chị lưu giữ được nghề truyền thống của gia đình.

Ðể hỗ trợ chị Kẽm phát triển mô hình, Hội LHPN xã Ðông Thắng cùng các tổ chức đoàn thể xã luôn quan tâm, giúp đỡ bằng nhiều hình thức, như hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm…

Thời gian qua, các cấp Hội LHPN huyện Cờ Ðỏ đã hỗ trợ, giúp đỡ cho nhiều hội viên phát triển các ý tưởng kinh doanh và tự tin khởi nghiệp; nhân rộng các tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho lao động nữ... Thực hiện Ðề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp phát triển kinh tế, giai đoạn 2017-2025”, Hội đã chủ động, tích cực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp phát triển kinh tế bằng nhiều phương thức, như hỗ trợ vốn, kiến thức, giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ thủ tục đăng ký nhãn hiệu, thành lập hợp tác xã; tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm; tạo điều kiện cho chị em tham gia trưng bày sản phẩm tại các ngày hội “Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp”, hội thi “phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm sản phẩm OCOP”… Trong nhiệm kỳ 2012-2021, các cấp Hội LHPN huyện Cờ Ðỏ đã phối hợp, giới thiệu đào tạo nghề cho 6.459 lao động nữ, vận động thành lập mới 1 hợp tác xã; 4 tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất; hỗ trợ 2.036 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Ðặc biệt, Hội LHPN huyện còn duy trì hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã “Làng nghề Cờ Ðỏ” với nhiều sản phẩm: cơm rượu ngũ sắc, các sản phẩm dưa muối chua, các loại kẹo mứt, mắm, khô,… do chính tay hội viên chế biến. Qua đó, tạo điều kiện cho chị em sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm, phát triển mô hình nghề truyền thống.

Thông qua nhiều hoạt động thiết thực, các cấp Hội LHPN huyện Cờ Ðỏ đã và đang từng bước phát huy vai trò đồng hành, giúp chị em vươn lên, nâng cao mức sống, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bài, ảnh: HỒNG VÂN

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

67250

Hôm nay:
19
Tháng này:
709
Tổng lượt truy cập:
67250