Đầu tháng 8, Đoàn giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) TP Cần Thơ giám sát công tác phòng, chống, hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) trên địa bàn huyện Cờ Đỏ và quận Thốt Nốt. Hiện tại, chính quyền địa phương và người dân chăn nuôi heo vẫn còn nỗi lo về tình trạng bệnh DTHCP kéo dài, trong khi công tác phòng chống, dập dịch còn nhiều khó khăn...
Vẫn còn bệnh dịch...
Huyện Cờ Đỏ có tổng đàn gia súc, gia cầm với trên 248.800 con, trong đó đàn heo trên 20.500 con. Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh DTHCP huyện Cờ Đỏ, từ ngày 14-6-2019 đến hết ngày 31-7-2019, bệnh DTHCP xuất hiện trên địa bàn huyện tại đàn heo của 95 hộ, thuộc 9 xã, thị trấn. Tổng số heo mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là 3.258 con, trong đó có 417 con heo nái và heo đực giống, 2.841 con heo thịt, với tổng trọng lượng trên 173,3 tấn.
Ở quận Thốt Nốt, hiện có tổng số đàn heo 10.811 con. Tính đến ngày 31-7-2019, bệnh DTHCP xuất hiện trên tất cả 9 phường của quận Thốt Nốt, tại 147 hộ chăn nuôi heo, với tổng số heo đã tiêu hủy 2.899 con, khối lượng trên 198,4 tấn, chiếm gần 30% tổng đàn heo nuôi trên địa bàn. Mặc dù, ngành chức năng nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng tránh, hạn chế lây lan, như: 100% hộ chăn nuôi, cơ sở nuôi tập trung ký cam kết thực hiện "5 không" trong phòng, chống bệnh dịch; thành lập 3 trạm kiểm soát vận chuyển, giết mổ trên địa bàn; tổ chức tiêu độc, khử trùng, phối hợp và hướng dẫn 100% hộ chăn nuôi vệ sinh môi trường tại khu vực chăn nuôi; tổ chức tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng trên đàn heo, trâu, bò... Ông Nguyễn Hữu Tặng, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, cho biết: "Nỗ lực phòng tránh, hạn chế lây lan, nhưng bệnh DTHCP trên địa bàn quận Thốt Nốt vẫn còn tái diễn, gây thiệt hại kinh tế trong chăn nuôi nhiều nhất từ trước đến nay".
Đàn heo nuôi tại hộ gia đình trên địa bàn huyện Cờ Đỏ được chăm sóc tốt, an toàn trước bệnh dịch...
Tập trung hỗ trợ hộ chăn nuôi
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, tính đến nay, công tác hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi ảnh hưởng bệnh DTHCP được thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, các địa phương công khai chính sách, mức hỗ trợ chủ vật nuôi có heo bệnh, nghi bệnh buộc phải tiêu hủy theo Công văn số 1708/UBND-KT ngày 31-5-2019 của UBND TP Cần Thơ (áp dụng trước ngày 27-6-2019), trong đó quy định mức hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy được thực hiện theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP, quy định mức hỗ trợ 57.000 đồng/kg đối với heo đực giống, heo nái (đã khai thác) và 38.000 đồng/kg đối với heo thịt. Công văn số 2028/UBND-KT ngày 28-6-2019 của UBND thành phố và Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ, kinh phí trong phòng, chống bệnh DTHCP (áp dụng từ ngày 27-6-2019), với mức 30.000 đồng/kg cho heo giống, neo nái và 25.000 đồng/kg cho heo thịt, heo con…
Huyện Cờ Đỏ đã hỗ trợ hộ dân bị thiệt hại do bệnh DTHCP với tổng kinh phí 2,25 tỉ đồng, trong đó đã chi hỗ trợ trực tiếp cho hộ chăn nuôi trên 1,510 tỉ đồng (45 hộ); chi cho các xã, thị trấn tạm ứng 157 triệu đồng để thực hiện công tác tiêu hủy… Ngoài ra, huyện đang hoàn thành hồ sơ tiếp tục chi hỗ trợ cho các hộ bị ảnh hưởng còn lại, với số tiền trên 558 triệu đồng. Ông Bùi Văn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Với nguồn kinh phí này đã giúp bà con ổn định cuộc sống, tháo gỡ khó khăn trong chăn nuôi và có điều kiện tái đàn khi ngành chức năng công bố bệnh dịch chấm dứt. Ngoài nguồn hỗ trợ trên, UBND huyện còn chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chủ động nguồn kinh phí dự phòng của địa phương và tạm ứng kinh phí của huyện để mua vật tư, hóa chất, thuê mướn phương tiện, nhân công chuyên chở, đào hố tiêu hủy, đảm bảo kịp thời phục vụ cho công tác dập dịch theo quy định".
Tại quận Thốt Nốt, tính đến ngày 30-7-2019, cũng đã hỗ trợ trên 1,8 tỉ đồng cho 29 hộ chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTHCP. Đồng thời, quận cũng đang lập thủ tục tiếp tục hỗ trợ cho hộ dân bị ảnh hưởng DTHCP còn lại. Tuy nhiên, hiện nay, quận Thốt Nốt và cả huyện Cờ Đỏ đang gặp khó trong việc xử lý tiêu hủy heo bệnh, cần sự hỗ trợ của thành phố. Cụ thể: quận Thốt Nốt đang gặp khó khăn về quỹ đất công chôn hủy heo, đặc biệt đối với các phường có quá trình đô thị hóa nhanh, như: Thốt Nốt, Thuận An, Trung Nhứt và Trung Kiên; huyện Cờ Đỏ cần có quy định cụ thể hơn mức chi đối với một số danh mục về chi kinh phí mua vôi, bạt nhựa và tiền thuê phương tiện đào hố chôn hủy heo nhiễm bệnh…
Bài, ảnh: HÀ VĂN