Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Hiệu quả hoạt động của Tổ Phụ nữ liên kết sản xuất gắn với du lịch cộng đồng

00:00 - 28/02/2020

Hiệu quả hoạt động của Tổ Phụ nữ liên kết sản xuất gắn với du lịch cộng đồng

Thực hiện định hướng phát triển du lịch của thành phố, tận dụng ưu thế sẵn có về sản xuất nông nghiệp và các sản phẩm đặc sản tại địa phương, Hội LHPN TP Cần Thơ cùng Hội LHPN quận Thốt Nốt và chính quyền, đoàn thể phường Tân Lộc phối hợp xây dựng mô hình Tổ Phụ nữ liên kết sản xuất gắn với du lịch cộng đồng (sau đây gọi tắt là Tổ Liên kết). Sau 5 tháng thành lập, với sự Chỉ đạo và sự hỗ trợ từ Trung tâm Phụ nữ phát triển Việt Nam, Tổ Liên kết bắt đầu phát huy hiệu quả hoạt động qua lượng khách du lịch và thu nhập từng thành viên tăng lên.

Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, bà Lê Hồng Điệp, Tổ trưởng Tổ liên kết, chuyên trồng bán ổi sạch, nay kinh doanh thêm dịch vụ tham quan vườn ổi và phục vụ các món ăn dân dã địa phương, liên tục nhận điện thoại đặt hẹn của khách du lịch. Bà Điệp phấn khởi cho biết: “Các món ăn khách ưa chuộng nhất chổ tôi có bánh khọt, bánh xèo với rau đồng tự nhiên. Ngoài ra còn có các món: gà hấp xả, lẩu mắm, cá lóc chiên giòn, gỏi ổi, ổi chiên giòn… Khách đến vườn nhà tôi vừa được tham qua vườn ổi, ăn ổi sạch vừa được thưởng thức nhiều món ăn dân dã. Nhưng cũng có nhiều đoàn khách tham quan các vườn khác, có nhu cầu đặt món ăn cũng được thành viên trong Tổ Liên kết giới thiệu qua cho tôi. Tính riêng từ Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, tôi phục vụ khoảng từ 500-700 lượt khách. Tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch, thu nhập của gia đình tôi tăng lên khoảng 40% so với trước”. Theo bà Điệp, Tổ Liên kết hiện có 36 thành viên, chủ yếu kinh doanh các lĩnh vực: vườn cây ăn trái, phục vụ khách tham quan ăn uống và một số món quà, bánh đặc sản, truyền thống. Với mô hình liên kết, các thành viên cũng giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhau, sẵn sàng giới thiệu dịch vụ của các thành viên bạn để cùng nhau phục vụ khách du lịch thật chu đáo. Qua đó, giúp nhau tăng thu nhập, góp phần phát triển du lịch địa phương thêm bền vững.

Ghé nhà bà Nguyễn Thị Ngọt, 72 tuổi, ngụ khu vực Long Châu, chúng tôi cũng vui lây với niềm vui giữ và phát triển nghề làm bánh dân gian của gia đình bà. Bà Ngọt cho biết: “Tôi làm bánh truyền thống hơn 30 năm nay, gồm nhiều loại như: bánh gai, bánh dăm bào, bánh bột đậu dầu, bánh kẹp,... Trước đây, tôi chỉ làm bánh bỏ mối cho các cửa tiệm trên địa bàn phường và nhận đặt hàng của bà con địa phương mỗi khi có đám tiệc. Mấy tháng nay, từ khi tham gia Tổ liên kết, chúng tôi có thêm kênh bán bánh nữa cho khách du lịch. Nhờ đó, con trai thứ ba kế thừa nghề làm bánh của tôi chắc chắn sẽ có thêm điều kiện phát triển quy mô sản xuất, tăng thu nhập”. Theo anh Nguyễn Thanh Tú, con trai của bà Ngọt, từ khi tham gia Tổ liên kết, số lượng khách hàng tăng lên đáng kể. Trong đó có nhiều khách hàng đến từ các tỉnh, thành phố xa như: TP Hồ Chí Minh, Việt kiều hoặc kể cả khách du lịch nước ngoài. Lợi thế, bà Ngọt từng đạt huy chương vàng tại Hội thi bánh dân gian tại Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ 8, năm 2019, nên chất lượng bánh của gia đình càng được nhiều thực khách tin dùng. Được thấy món bánh truyền thống của gia đình được khách du lịch khắp nơi thưởng thức, khen ngon, với anh Tú, bao nhiêu đó đã đủ khiến anh hạnh phúc với nghề.

Chị Đồng Ngọc Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thốt Nốt, cho biết: “Đây là mô hình Liên kết sản xuất gắn với du lịch cộng đồng đầu tiên của hội viên phụ nữ được thành lập. Mô hình có sự hỗ trợ tập huấn kiến thức kinh doanh, sản xuất an toàn, về cách thức xây dựng, vận hành và quản lý mô hình liên kết du lịch cộng đồng, kỹ năng phục vụ khách du lịch, khảo sát, hỗ trợ cơ sở vật chất phục vụ trưng bày sản phẩm của các thành viên Tổ Liên kết,… của Trung tâm Phụ nữ phát triển Việt Nam. Bên cạnh đó, mô hình nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất nhiều của chính quyền địa phương. Cụ thể, trước đây, mỗi thành viên Tổ Liên kết được vay tín chấp tối đa 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội thì nay, mỗi thành viên có thể vay được tối đa 100 triệu đồng, đầu tư phát triển mô hình du lịch. Với những quan tâm này, các mô hình du lịch của Tổ Liên kết hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, đem lại thu nhập ngày càng cao cho các thành viên. Tính riêng dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, các điểm tham quan vườn cây ăn trái, phục vụ dịch vụ ẩm thực và đặc sản địa phương của các thành viên Tổ Liên kết đã tiếp đón 179 đoàn khách, với khoảng 2.800 lượt khách”.

Cách vườn ổi bà Điệp không xa là vườn nho thân gỗ của vợ chồng cô giáo Võ Kim Nớt. Bắt đầu phát triển mô hình dịch vụ du lịch khoảng 9 tháng nay, gia đình cô Nớt đã xây dựng hoàn thiện gian nhà kinh doanh quán giải khát khá khang trang dưới tán cây rợp bóng. Cạnh đó là con đường trải đá phục vụ khách tham quan vòng quanh khu vườn có hàng trăm cây nho thân gỗ đang tuổi cho trái cùng nhiều loài cây quý vô cùng đặc biệt khác. Hàng ngày, vợ chồng cô Nớt sản xuất siro và nước ép từ nho thân gỗ, được khách hàng và khách du lịch nhiều nơi ưa chuộng. Với lợi thế nhà cách bến phà Tân Lộc-Thốt Nốt chỉ 6km và bến phà Lai Vung (Đồng Tháp)-Tân Lộc chỉ khoảng 800m; có không gian quán rộng rãi, thu hút khách thường xuyên, vợ chồng cô Nớt hỗ trợ vị trí để tủ trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm của các thành viên Tổ liên kết. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các sản phẩm tiếp cận với nhiều khách hàng hơn, giúp các thành viên tăng thu nhập. Thầy giáo Huỳnh Công Thống, ông xã của cô Nớt chia sẻ: “Với mô hình Tổ liên kết cùng sự nỗ lực, xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh, thu nhập từng thành viên tăng lên sẽ kéo theo sự phát triển của cả tập thể. Tôi đang nghiên cứu, đề xuất tạo lối đi chung, kết nối mô hình kinh doanh của các hộ liền kề để tạo nên sự mới mẻ, phong phú trong mô hình kinh doanh, cùng giúp tạo ra mô hình dịch vụ du lịch mới mẻ, chuyên nghiệp để thu hút khách nhiều hơn, qua đó giúp tăng thu nhập của các thành viên nhiều hơn nữa”.

Theo chị Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, Tổ liên kết khi mới thành lập có 30 thành viên, tới nay đã phát triển thêm 6 thành viên nữa. Hội định hướng các thành viên đoàn kết, sản xuất kinh doanh an toàn. Theo đó, vườn cây ăn trái áp dụng kỹ thuật theo theo chuẩn VietGap, các cơ sở kinh doanh thực phẩm có chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đúng quy định. Ngoài ra, các thành viên sản xuất, kinh doanh, buôn bán các sản phẩm đều có niêm yết giá rõ ràng, hợp lý; Tổ hoạt động có quy chế cụ thể;…Với mô hình Tổ Liên kết, các chị em hội viên phát huy tốt việc giúp nhau cùng phát triển kinh tế và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của địa phương. Hiện Tổ Liên kết đang góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 100 lao động, chưa kể lực lượng lao động thời vụ.

Với phương châm hoạt động đoàn kết cùng giúp nhau phát triển, Tổ liên kết đang phát huy vai trò tạo việc làm, tăng thu nhập cho tất cả các thành viên và góp phần quảng bá văn hóa, sản phẩm du lịch địa phương hiệu quả. Mong rằng thời gian tới, Tổ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa để các mô hình sản xuất kinh doanh của các thành viên Tổ được phát triển bền vững.

Bài; ảnh: Mỹ Tú

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

61136

Hôm nay:
5
Tháng này:
420
Tổng lượt truy cập:
61136