Cùng với sự phát triển chung của TP Cần Thơ, hoạt động bình đẳng giới (BĐG) giai đoạn 2007-2017 trên địa bàn thành phố được Ban vì sự tiến bộ (VSTB) của phụ nữ TP Cần Thơ thực hiện có hiệu quả. Qua đó, góp phần ổn định và phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự và trật tự xã hội tại địa phương.
Hội LHPN phường Thới An Đông triển khai Luật BĐG và Luật phòng, chống bạo lực gia đình đến tận hội viên và phụ nữ trên địa bàn phường.
Theo đánh giá của Ban VSTB của phụ nữ TP Cần Thơ, qua 10 năm thi hành Luật BĐG (từ ngày 1-7-2007 đến nay), các cấp, các ngành, địa phương đã quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực tham gia quản lý, lãnh đạo của cán bộ nữ; nhận thức của xã hội về BĐG. Qua đó, nam giới ngày càng biết quan tâm và chia sẻ công việc trong gia đình, nuôi dạy con cái, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia công tác xã hội. Đội ngũ cán bộ nữ đã từng bước phát huy vai trò, không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện trau dồi kiến thức, kỹ năng, tự khẳng định mình trên các lĩnh vực hoạt động, công tác, lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống gia đình… Bên cạnh đó, các ban, ngành của thành phố cũng có cơ chế phối hợp phát huy hiệu quả, thay đổi cơ bản nhận thức của đội ngũ lãnh đạo các cấp đối với công tác BĐG và VSTB của phụ nữ.
Ban VSTB của phụ nữ TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến BĐG như: tập huấn nâng cao năng lực cho nữ ứng cử đại biểu HĐND các cấp, nữ đại biểu HĐND các cấp và nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tổ chức kiểm tra, khảo sát thực trạng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, nữ quản lý các cấp nhằm đánh giá tình hình đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ quản lý các cấp. Qua đó, tham mưu Thành ủy, UBND thành phố thực hiện quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ nữ. Bên cạnh đó, trong chính sách thu hút nhân tài của thành phố cũng có yếu tố thúc đẩy BĐG: hỗ trợ kinh phí cho cán bộ nữ được đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ cao hơn nam là 5 triệu đồng/người. Giai đoạn 2007- 2017, toàn thành phố có 188 cán bộ nữ tham gia nghiên cứu các đề tài, dự án khoa học, công nghệ cấp thành phố trên các lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học y dược, khoa học nông nghiệp. Ngoài ra, Ban VSTB của phụ nữ thành phố triển khai thực hiện Dự án “Năng lực tài chính nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình TP Cần Thơ.
Theo Ban VSTB của phụ nữ huyện Thới Lai, toàn huyện xây dựng được 66 CLB phòng, chống bạo lực gia đình, mỗi CLB có từ 25-30 thành viên được duy trì sinh hoạt đều đặn hằng quý. Ban Chủ nhiệm CLB xây dựng quy chế hoạt động, có biện pháp phát hiện, xử lý, can thiệp, hòa giải kịp thời các vấn đề xung đột, mâu thuẫn trong gia đình. Các CLB tuyên truyền về truyền thống văn hóa của dân tộc, giáo dục lối ứng xử tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình, kiến thức gia đình, kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình; giới thiệu các văn bản pháp luật có liên quan đến gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình… Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: “Huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BĐG trong tất cả đảng viên, cán bộ công chức và người dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer. Sau 10 năm thực hiện Luật BĐG trên địa bàn huyện Thới Lai đã góp phần thu hẹp khoảng cách giới tính, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức và lao động nữ được phát huy khả năng và phát triển bản thân”.
Theo bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, qua thời gian tổ chức thực hiện Luật BĐG trên địa bàn thành phố đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo được duy trì và tăng lên cả về số lượng và chất lượng; nhận thức của xã hội về BĐG, vị trí, vai trò của phụ nữ được nâng lên... Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật BĐG còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Theo Điều 17 Luật BĐG thì nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và dịch vụ y tế. Nhưng tại Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định “Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 3 tuổi; tối đa 15 ngày làm việc, nếu con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi”. Việc khống chế thời gian chăm sóc con 15-20 ngày như vậy chỉ phù hợp với các loại bệnh đơn giản. Đối với các bệnh cần thời gian chăm sóc dài ngày thì hầu như chưa có quy định. Độ tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ về cơ bản đã thể hiện sự ưu đãi nhất định của Nhà nước. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này còn có nhiều quan điểm khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, độ tuổi nghỉ hưu của nữ sớm hơn nam 5 tuổi cho tất cả các loại lao động kể cả cán bộ, công chức, viên chức là chưa hợp lý. Quy định này ảnh hưởng đến quyền lao động của lao động nữ, làm mất cơ hội đào tạo và thăng tiến của lao động nữ làm công tác quản lý và làm tăng khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, đồng đời ảnh hưởng đến mức lương của chị em khi nghỉ hưu.
Bài, ảnh: XUÂN ĐÀO