Trong tài liệu công bố hôm 14-11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo dư lượng từ hàng tỉ liều thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và chống trầm cảm sẽ tạo ra mối nguy hại lớn đối với hệ sinh thái nước ngọt và chuỗi thức ăn trên toàn cầu.
Ảnh: deccanherald
Ngày càng nhiều người lo sợ việc sử dụng thuốc kháng sinh một cách tùy tiện trong y học và nông nghiệp sẽ ảnh hưởng xấu đối với môi trường và sức khỏe con người. Dư lượng thuốc xâm nhập vào môi trường- nguồn nước, không khí và thức ăn- ở tất cả các giai đoạn, bắt đầu từ sản xuất, sử dụng đến tiêu hủy. Khi động vật và con người tiêu thụ thuốc, có tới 90% các hoạt chất theo phân và nước tiểu thải ra trở lại môi trường. Thuốc hết hạn hoặc không sử dụng cũng được ném vào các bãi rác. Ví dụ, chỉ riêng ở Mỹ ước tính 33% trong số 4 tỉ viên thuốc được kê mỗi năm trở thành chất thải.
OECD đã so sánh dữ liệu dựa trên nồng độ dư lượng thuốc trong các mẫu nước trên khắp thế giới cũng như mô tả xu hướng và những quy định lọc nước tại nhiều quốc gia khác nhau. Trong đó, một tài liệu đề cập đến nồng độ dược phẩm “cực kỳ cao” được phát hiện trên các con sông tại Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Hàn Quốc và Mỹ. Tại Ấn Độ, 31-100 loại dư lượng được tìm thấy ở nhiều nguồn nước khác nhau. Tính riêng ở Anh, các chất ethinyloestradiol, diclofenac, ibuprofen, propranolol và thuốc kháng sinh đều có trong nước thải của 890 nhà máy xử lý nước thải với nồng độ đủ cao để gây ra “những tác động xấu cho môi trường”.
Một nghiên cứu khác ước tính 10% trong tổng số dược phẩm có nguy cơ gây hại cho môi trường, bao gồm hormone, thuốc giảm đau và chống trầm cảm. Tổ chức này phát hiện phần lớn trong số 2.000 hoạt chất sử dụng trong thuốc điều trị bệnh cho người và động vật đều không được kiểm soát. Chúng chưa được đánh giá về nguy cơ một khi lọt ra môi trường. Đáng lo là ngày càng nhiều hoạt chất như thế được cấp phép sử dụng. Vì thế, nó cũng đẩy cao dư lượng thuốc không được kiểm soát trong môi trường. Các hệ thống thoát nước hiện nay cũng không được thiết kế để có thể xử lý những hoạt chất trong thuốc.
Báo cáo giải thích rằng do thuốc được bào chế để phản ứng với các cơ thể sống ở liều lượng thấp, nên nồng độ thấp cũng có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái nước ngọt. Điều đó có nghĩa dư lượng của một loại thuốc mà người này sử dụng để trị bệnh lại xâm nhập vào cơ thể người khác vốn không bị vấn đề sức khỏe tương tự.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc được dự báo sẽ tăng hơn 2/3 trong thập niên tới, dấy lên lo ngại về tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Hiện mỗi năm có hơn 700.000 người chết do các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc. Trong bối cảnh dân số trên toàn cầu đang gia tăng và ngày càng lão hóa, còn việc kê đơn thuốc diễn ra tràn lan, đến năm 2050 số người chết do kháng thuốc kháng sinh có thể lên tới 10 triệu ca (nhất là ở những nước đang phát triển), cao hơn cả số trường hợp tử vong do ung thư. Được biết Ấn Độ hiện là quốc gia tiêu thụ thuốc kháng sinh nhiều nhất trên thế giới.
HẠNH NGUYÊN (Theo AFP)