Hội LHPN phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, rất quan tâm tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Trong đó, mô hình ủ phân từ rác thải hữu cơ bằng thùng compost đang được nhiều chị em hội viên phụ nữ hưởng ứng rất tích cực.
Biến rác hữu cơ thành phân trồng rau sạch
Cô Cánh (trái) giới thiệu thùng compost dùng ủ phân hữu cơ của gia đình.
Chúng tôi ghé nhà cô Dương Thị Cánh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực 2, phường Trà Nóc, chủ nhiệm mô hình ủ phân từ rác thải hữu cơ bằng thùng compost. Cô giới thiệu khoảnh đất gần 30m2 ngay cạnh nhà, đã được xới kỹ với phân hữu cơ do cô tự ủ và lên liếp chuẩn bị trồng rau xanh... Cô Cánh cho biết: "Tôi cáng đáng việc nội trợ, cân đối chi tiêu trong gia đình nên lâu nay, tôi tự trồng rau ăn. Hồi chưa biết cách ủ phân hữu cơ, tôi trộn đất với tro, trấu hoặc mua phân bên ngoài về bổ sung thêm cho đất. Khoảng 1 năm nay, tôi học kinh nghiệm ủ phân hữu cơ qua một chương trình trên tivi. Cùng lúc đó, Hội LHPN phường hướng dẫn cách phân loại rác tại nguồn; trong đó, rác hữu cơ có nguồn gốc từ thực vật được thải ra hằng ngày từ nhà bếp như vỏ trái cây, gốc, lá rau... đều có thể đem ủ thành phân để trồng rau, tôi rất tâm đắc".
Mới đầu, cô Cánh ủ phân trong thùng xốp cũ. Các loại rau, củ, trái cây bị dập hay lá rụng trong vườn đều được cô tận dụng đem ủ làm phân, dùng trồng cải bó xôi, cải xanh, bắp cải, rau dền, rau muống. Phân không đủ dùng, cô đi xin xác mía ở các điểm bán nước giải khát gần nhà đem về ủ thêm. Dần dần cô có đủ phân hữu cơ để bón khoảnh vườn hơn 400m2 gồm nhiều loại cây ăn trái và các loại rau xanh.
Cách đó không xa, cô Đỗ Thị Hoài mượn đất chưa sử dụng của hộ giáp ranh để trồng rau. Cô Hoài cũng tự ủ phân, bón cho cây, đảm bảo rau sạch, không dùng thuốc hay phân bón hóa học. Nhìn đám rau đay, đọt lang, rau muống, mướp, đu đủ, bồ ngót xanh mướt của cô, nhiều chị em không khỏi trầm trồ. Trên khoảnh vườn nhỏ, cô Hoài dành riêng một góc tách biệt với khu vực trồng rau để thùng ủ phân. Bên cạnh các loại rác hữu cơ nhà bếp, cô Hoài gom cả gốc rau hoặc những lá, cành già bỏ đi cho vào thùng ủ. Đợi hơn 2 tháng, khi rác đã mục hoàn toàn, cô mới đem bón cho vườn rau.
Hiệu quả bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe
Cô Cánh tự tin: "Hiện nay, nhiều người có dịp ghé ngang nhà cứ khen nhà tôi luôn sạch sẽ, tươm tất. Không có gì khó, thực hiện phân loại rác tại nguồn, bao nhiêu rác hữu cơ tôi đã tận dụng đem đi ủ phân hết, còn lại bọc ni lông thì để riêng một chỗ theo quy định cho xe rác đến gom mỗi ngày. Những loại rác tái chế được thì đem bán phế liệu. Do vậy, xung quanh nhà tôi lúc nào cũng sạch, không hề có rác".
Hiện nay, mô hình ủ phân từ rác thải hữu cơ bằng thùng compost do cô Cánh làm chủ nhiệm có 21 thành viên ở khu vực 2 và khu vực 6 của phường. Theo cô Cánh, xuất phát từ nhu cầu bảo vệ sức khỏe, được cung cấp kiến thức, được tài trợ thêm thùng compost để ủ rác hữu cơ, giúp các chị em thực hiện phân loại rác rất thuận lợi. Cô Lê Thị Thanh Nam, ngụ khu vực 2, là một trong những thành viên "mát tay" trồng rau. Nhờ tự ủ phân trồng rau sạch tại nhà, vừa lao động nhẹ nhàng, vừa có rau sạch để dùng, sức khỏe của cô cũng dần cải thiện hơn trước; gia đình, bạn bè rất phấn khởi. Theo chi sẻ của cô Cánh, thùng compost do Công ty TNHH MTV Proconco Cần Thơ tài trợ. Thời gian tới, Chi hội sẽ tiếp tục nhận đăng ký của chị em, sau đó liên hệ với Công ty để tài trợ thùng cho chị em ủ phân trồng rau. Song song đó, Chi hội khuyến khích chị em sử dụng giỏ nhựa để đi chợ, hạn chế sử dụng túi ni lông. Từ cách làm này, dần dà, giúp chị em hình thành thói quen hạn chế rác thải nhựa hiệu quả.
Chị Nguyễn Thị Nhung, Chủ tịch Hội LHPN phường Trà Nóc, cho biết: "Liên quan hoạt động bảo vệ môi trường, Hội LHPNVN phường thực hiện và duy trì một số mô hình: ủ phân từ rác thải hữu cơ bằng thùng compost, hạn chế sử dụng túi ni lông, phân loại rác tại nguồn. Các mô hình được đông đảo chị em hội viên, phụ nữ hưởng ứng rất nhiệt tình. Tại trụ sở UBND phường, lãnh đạo Đảng ủy, UBND cũng chỉ đạo cán bộ, công chức không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, thay thế tất cả bình, ly uống nước nhựa sang chất liệu thủy tinh".
Bài, ảnh: MỸ TÚ