Sự kiện #globalguytalk tại Việt Nam ("Đàn ông toàn cầu lên tiếng") vừa được ra mắt tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vào chiều tối 8/3. Sự kiện nhằm bắt đầu các cuộc trò chuyện giữa những người đàn ông có thể ảnh hưởng đến thái độ và gia tăng bình đẳng giới.
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (bìa phải) và các đại biểu tham quan triển lãm ở sự kiện #globalguytalk Việt Nam
Tới dự sự kiện có Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga; Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương; bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam; Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; và các đại biểu từ các Bộ, ban ngành, các tổ chức…
Phát biểu khai mạc sự kiện, Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe cho biết: Với sự hợp tác giữa Make Equal,"bữa tối của đàn ông" được Viện Thụy Điển khởi xướng giờ đã vươn ra tầm quốc tế và trở thành #globalguytalk. Chương trình với mục đích để nam giới có cơ hội tham gia vào các cuộc trò chuyện về các chuẩn mực và cách thức họ có thể đóng góp để tạo ra một xã hội bình đẳng hơn.
“Mục tiêu tổng thể của bình đẳng giới là một xã hội trong đó phụ nữ và nam giới được hưởng các cơ hội, quyền và nghĩa vụ như nhau trong mọi lĩnh vực của cuộc sống” – Đại sứ Ann Måwe nhấn mạnh
Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Hải Vân cho rằng: Triển lãm "Đàn ông toàn cầu lên tiếng" là một trong những hoạt động góp phần tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về vấn đề bình đẳng giới.
Các đại biểu tham dự sự kiện
Hiện nay, Việt Nam chưa có nhiều diễn đàn để nam giới có cơ hội được nói lên suy nghĩ tâm tư của mình liên quan tới vấn đề bình đẳng giới. Chính điều đó cho chúng ta thấy rằng bình đẳng đôi khi không đến từ những gì to tát, mà nó bắt nguồn từ sự hòa hợp, lắng nghe để thấu hiểu tâm tư, tình cảm và mong muốn từ hai phía… Từ đó, cùng chung tay, cam kết và nỗ lực để xây dựng một xã hội bình đẳng hơn.
Chia sẻ tại sự kiện #globalguytalk, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH, cho biết: Một trong những yếu tố làm giảm sự tự tin của nam giới khi tham gia vào quá trình bình đẳng giới là việc chúng ta thiếu các hình mẫu tích cực của nam giới trong xã hội, cũng như trên các phương tiện truyền thông. "Để đạt được sự bình đẳng trong xã hội, tôi tin rằng chúng ta sẽ chỉ thành công khi có sự tham gia của cả nữ giới và nam giới", ông Hoa Nam nói.
Sự kiện #globalguytalk do Viện Thụy Điển và Tổ chức phi lợi nhuận Make Equal, Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội tổ chức. Tại sự kiện sẽ có triển lãm trưng bày 21 pano với 5 chủ đề là những câu trích về cảm nhận, suy nghĩ của đàn ông Thụy Điển về cuộc sống của họ được trích từ những cuộc trò chuyện của họ với nhau. Nam giới cũng có những tâm tư và rào cản của riêng. Việc được giãi bày và lắng nghe giúp chính họ và những người xung quanh họ thêm thấu hiểu về những suy nghĩ, mong muốn từ phía nam giới, để cùng nỗ lực vì mục tiêu chung là một xã hội bình đẳng. Triển lãm diễn ra trong vòng 1 tuần.
#globalguytalk có thể được xem là phần tiếp theo của triển lãm ảnh "Những ông bố Thụy Điển" được đánh giá cao của nhiếp ảnh gia Johan Bävman - được trình chiếu tại hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Điều này đã truyền cảm hứng cho khá nhiều sáng kiến tương tự ở Việt Nam trong vài năm gần đây, bao gồm Những ông bố Việt Nam và Những gia đình bình đẳng Việt Nam.
Với #globalguytalk, các nhà tổ chức mong muốn xây dựng dựa trên kinh nghiệm từ các ông bố Thụy Điển - thúc đẩy công việc với nam giới và trẻ em trai để ủng hộ một xã hội bình đẳng giới.
Một số hình ảnh tại sự kiện:
https://phunuvietnam.vn/