Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Giúp vốn, cách thức làm ăn cho các thành viên Tổ hợp tác Trồng rau an toàn do Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thới An thành lập và nhân rộng

00:00 - 30/03/2020

Giúp vốn, cách thức làm ăn cho các thành viên Tổ hợp tác Trồng rau an toàn do Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thới An thành lập và nhân rộng 

Bà Phan Thị Liềm, 62 tuổi, ngụ khu vực Thới Thuận A, phường Thới An, quận Ô Môn, cho biết: “Với 1 công đất trồng rau màu, trung bình mỗi tháng tôi có thu nhập hơn 7 triệu đồng. So với trồng lúa, mức thu nhập của tôi tăng đáng kể, từ đó giúp tôi ngày càng có cuộc sống ổn định”. Bà Liềm là 1 trong 32 thành viên Tổ hợp tác Trồng rau an toàn do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Thới An thành lập và nhân rộng 3 năm qua.

 

 

Các thành viên Tổ hợp tác Trồng rau an toàn chuẩn bị giao hàng cho thương lái.
Hằng ngày, cứ khoảng 8 giờ sáng, các thành viên trong Tổ hợp tác Trồng rau an toàn mang số rau màu thu hoạch được đến tập kết tại nhà chị Võ Thanh Rớt, thành viên của Tổ. Vợ chồng chị Rớt phân loại và mang đi giao cho các mối đã đặt hàng sẵn tại TP Cần Thơ. Chị Rớt cho biết, trước đây, kinh tế gia đình chị rất khó khăn, thuộc diện hộ cận nghèo. 3 năm nay, chị tham gia mô hình Tổ hợp tác Trồng rau an toàn. Đồng thời, chị thu mua sản phẩm của một số chị em trong Tổ, mang giao cho các mối đặt hàng sẵn. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình chị tăng đáng kể, vươn lên khấm khá. Chị Rớt nói: “Khi tham gia mô hình, tôi được Hội hỗ trợ vay 50 triệu đồng để đầu tư đất đai, giống rau, phân thuốc. Hiện tại, tôi trồng húng quế, ngò gai, rau lang. Tính chung, 1,5 công rau màu mang về cho gia đình thu nhập mỗi tháng hơn 10 triệu đồng. Riêng tiền lời hằng tháng từ việc mua bán rau hơn 15 triệu đồng thì tôi tích lũy”. Giới thiệu với chúng tôi căn nhà tường bề thế đang xây, chị Rớt khoe, tiền xây nhà ước hơn 800 triệu đồng, nhờ vào việc trồng và mua bán rau.

Theo chị Phan Thị Nho, Tổ trưởng Tổ hợp tác, rất nhiều chị em hội viên trong tổ đã vượt khó, có cuộc sống no ấm, khấm khá nhờ rau màu.  Bản thân chị Nho cũng là một điển hình. Trước kia với 1,5 công đất, gia đình chị canh tác mè và đậu các loại nhưng không hiệu quả, do thổ nhưỡng không thích hợp. 3 năm nay, chị chuyển sang trồng rau ăn lá và thấy đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, chị mạnh dạn vận động thành lập Tổ hợp tác, thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia. Từ 15 hội viên ban đầu, nay đã có 35 hộ tham gia với diện tích 2ha. Chị Nho cho biết: “Từ cuối năm 2019, chúng tôi trồng thêm rau mơ quanh các bờ liếp. Riêng gia đình tôi trồng 3 giàn với khoảng 200m. Trung bình mỗi ngày tôi cắt được 10kg, giá bán mỗi ký 15.000 đồng. Thấy hiệu quả, tôi hướng dẫn 5 hộ khác trồng và cũng có thu nhập tương đương”.

Khi chúng tôi đến thăm, vườn rau nhà bà Phan Thị Liềm, thành viên Tổ hợp tác, đang phát triển xanh tốt. Bà Liềm kể, bà sống neo đơn, chỉ có vỏn vẹn 1 công đất. Trước kia, bà làm ruộng nhưng hiệu quả không cao do đất gò, không phù hợp để sản xuất lúa. 3 năm trở lại đây, bà chuyển sang trồng quế và gần đây có trồng thêm rau mơ. Bà Liềm phấn khởi cho biết thu nhập từ 1 công đất trồng rau đạt khoảng 70-80 triệu đồng/năm.  

Cùng với mô hình trồng rau an toàn, mô hình nhóm phụ nữ mua bán nhỏ cũng phát huy hiệu quả. Riêng tại khu vực chợ Thới An, Hội LHPN phường thành lập Tổ Phụ nữ mua bán nhỏ với 21 thành viên. Trước kia, kinh tế gia đình của bà Nguyễn Thị Ngọc Cúc khó khăn, do không đất đai sản xuất, lại đông con. Chồng bà Cúc chạy xe ôm. Khoảng 5 năm nay, bà Cúc được vay vốn và nâng dần lên 50 triệu đồng để mua bán thức ăn sáng. Hiện nay, thu nhập của bà hơn 300.000 đồng/ngày, đủ trang trải chi phí sinh hoạt gia đình. Bà Cúc nói: “Nhờ vốn vay lãi suất thấp mà tôi có điều kiện sửa sang mặt bằng trước nhà, đầu tư bàn ghế, mở rộng việc mua bán và có thu nhập ngày càng ổn định”.

Chị Nguyễn Thị Kim Hoa, Chủ tịch Hội LHPN phường Thới An, cho biết: “Năm 2019, toàn phường có 36 hội viên phụ nữ thoát nghèo. Năm 2020, chúng tôi giao chỉ tiêu cho mỗi chi hội nhận đỡ đầu, giúp đỡ 2 hội viên nghèo (18 khu vực đăng ký giúp 36 chị) thoát nghèo. Bên cạnh việc xây dựng mô hình hiệu quả, hướng dẫn cách thức làm ăn, để các chị thực hiện, Hội còn bảo lãnh, làm hồ sơ vay vốn kịp thời để các chị có điều kiện đầu tư sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ. Cụ thể, hiện nay Hội quản lý 19 tổ vay vốn, giúp 909 hộ vay, với số dư nợ hơn 22 tỉ đồng…”

 Đồng Tâm

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

61225

Hôm nay:
10
Tháng này:
509
Tổng lượt truy cập:
61225