Chị Nguyễn Thị Thanh Đào, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Ba Láng, quận Cái Răng, cho biết: “Để giúp hội viên vươn lên thoát nghèo, các năm qua, cùng với đáp ứng nhu cầu vay vốn làm ăn, Hội LHPN quan tâm phối hợp mở các lớp nghề ngắn hạn. Qua đó, giúp chị em học nghề, có việc làm, cải thiện cuộc sống”.
Nhanh tay thu xếp gọn gàng số nguyên liệu ráp ba lô, cặp học sinh vừa nhận, chị Nguyễn Thị Phèn, thành viên Tổ Phụ nữ may gia công khu vực 5, vui mừng khoe bộ bàn ghế gỗ mới mua 7 triệu đồng trưng bày giữa nhà. Chị Phèn nói: “Mỗi đợt giao hàng, nhận nguyên liệu mới, chị em trong Tổ rất vui và cố gắng ráp hàng nhanh, đẹp, giao hàng đúng hẹn, để “giữ mối” làm ăn lâu dài”.
Nhờ được học nghề, nhận may hàng gia công, chị Phèn (người ngồi) thêm thu nhập, thoát nghèo.
Mấy năm qua, chị Phèn có thói quen dậy sớm, quét dọn nhà cửa, nấu bữa trưa cho cả nhà, rồi bắt tay ráp hàng gia công. Lúc trước, gia cảnh khó khăn, chồng chạy xe ôm, chị Phèn làm mướn lặt vặt trong xóm, kiếm tiền nuôi 2 con ăn học, cuộc sống thiếu trước hụt sau. Năm 2013, chị Phèn được tham gia lớp nghề may gia dụng do Hội LHPN phường phối hợp tổ chức tại khu vực. Kết thúc khóa học, chị em được nhận máy may về nhà để trau dồi tay nghề và có điều kiện nhận hàng may, thêm thu nhập. Dịp này, Chi hội Phụ nữ khu vực 5 thành lập Tổ Phụ nữ may gia công gồm 12 thành viên. Chị Phèn cho biết: “Từ khi tôi nhận may gia công, kinh tế từng bước ổn định, cuộc sống gia đình thoải mái hơn trước. Mỗi ngày, tôi ráp bình quân 15-20 sản phẩm, giá 5.000 đồng/cái. Nguồn hàng có quanh năm, giao đợt hàng này, nhận nguyên liệu khác; có sức khỏe, tôi không lo thiếu việc làm”. Với thu nhập từ việc may gia công, chị Phèn dành dụm mua sắm vật dụng sinh hoạt trong nhà; vay vốn ưu đãi 10 triệu đồng góp thêm sửa nhà, ổn định chỗ ở, an tâm làm ăn. Năm 2016, chị Phèn được khu vực xét thoát nghèo.
Là hàng xóm của chị Phèn, học nghề xong, chị Nguyễn Ngọc Phượng cũng nhận may hàng gia công. Hằng ngày, chị Phượng đi giúp việc nhà vài giờ buổi sáng (1,5 triệu đồng/tháng), tranh thủ thu xếp việc nhà, chiều ráp khoảng 10 ba lô, kiếm thêm 50.000 đồng. Chị Phượng được Chi hội Phụ nữ giới thiệu vay vốn ưu đãi trang bị máy may công nghiệp để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm công lao động. Chị Phượng bộc bạch: “Lúc trước, tôi phụ bán căn tin, rồi chuyển sang giúp việc nhà buổi sáng, rảnh rỗi suốt buổi chiều. Giờ bận rộn cả ngày nhưng tôi thấy vui vì có thêm khoản thu nhập chi tiêu trong nhà”. Chồng chị Phượng làm phụ hồ, con gái lớn lập gia đình, con trai út làm công nhân. Tổng thu nhập cả nhà góp phần phát triển kinh tế và chị Phượng thoát nghèo năm 2017.
Chị Tăng Thị Diệu Hiền, Tổ trưởng Tổ Phụ nữ may gia công, cho biết, thời gian đầu, chị chịu trách nhiệm quản lý, làm đầu mối nhận nguyên liệu phân phối cho chị em, thu gom sản phẩm cho cơ sở may. Về sau, chị em quen việc, chủ động trao đổi, thỏa thuận với chủ cơ sở may về nguồn hàng, giá gia công. Sắp tới, Tổ tập trung may đợt hàng phục vụ thị trường Tết. Tuy bận rộn nhưng chị em rất phấn khởi vì thêm khoản tiền sửa sang nhà cửa, mua sắm dịp Tết.
Chị Nguyễn Kim Loan, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực 5, cho biết: “Duy trì hoạt động đến nay, mô hình Tổ Phụ nữ may gia công giúp nhiều hội viên phụ nữ khu vực 5 ổn định việc làm, thu nhập, thoát nghèo. Bên cạnh vay vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, mua bán nhỏ, chị em có điều kiện gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm làm ăn, phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái. Chị em có nhu cầu nhận hàng gia công, các thành viên trong tổ nhiệt tình truyền nghề”. Hiện Chi hội quản lý nguồn vốn 830 triệu đồng giúp 35 chị có nhu cầu vay sản xuất, mua bán nhỏ. Chi hội đang tập trung giúp 2 hội viên nghèo là Châu Thị Lượm và Nguyễn Thị Ba về vốn vay, việc làm để ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Theo chị Nguyễn Thị Thanh Đào, đáp ứng nhu cầu chị em, từ năm 2013 đến nay, Hội LHPN phường Ba Láng phối hợp mở các lớp nghề: may gia dụng, đan lục bình, nấu ăn… Trong đó, nghề may gia dụng phát huy hiệu quả, giúp chị em ổn định việc làm, thu nhập. Bên cạnh một số chị trung niên nhận may gia công tại nhà, các chị trong độ tuổi lao động làm công nhân các công ty may như: Lạc Tỷ, Phú Ngọc…, với mức lương ổn định. Còn học viên lớp nghề nấu ăn tham gia dịch vụ nấu ăn lưu động hay mở quán ăn bình dân tại nhà. Hội LHPN phường phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý trên 3,691 tỉ đồng vốn giúp trên 140 hộ hội viên nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo phát triển mô hình sản xuất, mua bán nhỏ… Qua đó, không chỉ giúp chị em thoát nghèo bền vững mà còn vững tin vươn lên khấm khá.
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG