"Nhờ được Hội hỗ trợ vay vốn và vận động, tôi tham gia vào các mô hình tiết kiệm, làm ăn kinh tế nên cuộc sống gia đình dần ổn định" - lời chia sẻ của chị Trần Thị Hồng Trúc (ngụ tại ấp Trường Hòa, xã Trường Thắng) cũng là suy nghĩ chung của phần đông chị em nơi đây. Thời gian qua, nhằm hỗ trợ cho nhiều chị em ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Trường Thắng đã triển khai nhiều hoạt động, như: hỗ trợ vốn vay, dạy nghề, duy trì các mô hình kinh tế,…
Theo chị Dương Thị Bé Trang, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Thắng, trên địa bàn xã, đa phần hội viên đều sống bằng nghề nông nên mức sống không cao. Xác định việc vận động, giúp đỡ chị em phát triển kinh tế gia đình là nhiệm vụ trọng tâm, Hội LHPN xã đã xây dựng nhiều mô hình phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Mô hình đan dây nhựa giúp cho nhiều hội viên kiếm thêm thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình
Cuối năm 2016, Hội LHPN xã Trường Thắng phối hợp với Trường Trung cấp nghề Thới Lai mở lớp đào tạo đan dây nhựa cho 30 hội viên phụ nữ. Sau khóa học, Hội xây dựng mô hình đan dây nhựa (đan giỏ xách). 30 thành viên từng tham gia lớp học hướng dẫn cho các thành viên khác. Tuy mới thành lập nhưng bước đầu mô hình đã đi vào hoạt động hiệu quả. Hiện nay, mô hình này được triển khai 7/12 ấp, thu hút 78 hội viên tham gia. Đối tượng tham gia mô hình là những hội viên phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi ngày, tận dụng thời gian nhàn rỗi, mỗi chị có thể đan từ 2 – 3 sản phẩm; thu nhập bình quân hằng tháng khoảng 1 triệu đồng. Nhằm hỗ trợ vốn giúp chị em phát triển mô hình, Hội đã tín chấp, giúp hội viên vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội. Chị Trần Thị Hồng Trúc, thành viên mô hình đan dây nhựa, bộc bạch: "Tôi là một trong những thành viên đầu tiên tham gia mô hình này. Đan giỏ nhựa không khó nhưng cần sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Mỗi ngày, tận dụng thời gian rảnh rỗi, tôi đan từ 2 – 3 cái giỏ, thu nhập hằng tháng gần 1 triệu đồng, đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình. Tôi thấy việc tập hợp chị em vào mô hình này rất thiết thực. Song song với nghề đan giỏ, tôi còn được vay 12 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để thu mua lúa. Nhờ vậy, kinh tế gia đình dần ổn định". Tương tự, chị Trần Thị Liễu, thành viên mô hình, cũng cho biết: "Tôi đã lớn tuổi nên không thể làm việc nặng nhọc. Nhờ tham gia mô hình này mà tôi có thêm nguồn thu nhập cho gia đình".
Nhằm hỗ trợ chị em phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, Hội LHPN xã Trường Thắng thường xuyên chỉ đạo các Chi hội rà soát, nắm danh sách các hội viên gặp khó khăn để có biện pháp giúp đỡ kịp thời; chú trọng việc phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay. Toàn xã hiện có 17 tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội. Hiện nay, Hội đã giúp 855 hộ vay vốn với tổng số dư nợ trên 14 tỉ đồng, gửi tiết kiệm trên 646 triệu đồng. Ngoài ra, Hội còn duy trì hoạt động của 3 tổ hùn vốn và 17 tổ tiết kiệm theo lời kêu gọi thi đua ái quốc. Trong năm 2016, Hội tư vấn, giới thiệu việc làm cho 161 hội viên phụ nữ… Từ những giải pháp thiết thực, năm 2016, có 7 hộ thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh việc chăm lo, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, Hội LHPN xã Trường Thắng còn chú trọng hoạt động tuyên truyền, triển khai hiệu quả các đề án, phong trào thi đua của Hội thông qua các mô hình, câu lạc bộ, như: mô hình không đánh bài, số đề; mô hình phân loại rác thải ở hộ gia đình; câu lạc bộ 5 không, 3 sạch…Với những thành tích đạt được, nhiều năm liền, tập thể Hội LHPN xã Trường Thắng nhận được nhiều Giấy khen các cấp. Năm 2016, tập thể Hội là 1 trong 8 đơn vị xuất sắc cấp xã, phường được Hội LHPN TP Cần Thơ tuyên dương, khen thưởng.l
Bài, ảnh: Hồng Vân