Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Giúp đồng bào dân tộc Khmer phát triển kinh tế

13:25 - 18/03/2019

Thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực giúp đồng bào dân tộc Khmer phát triển kinh tế. Đến nay, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer giảm xuống còn 1,87%.

Được Hội LHPN xã hỗ trợ vay vốn, chị Thạch Thị Sa Vết (bìa phải) xây dựng mô hình nuôi bò, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: ANH DŨNG 

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Võ Thuận Minh Tâm, Thới Đông có 213 hộ, 1.002 người dân tộc Khmer sinh sống. Mặc dù cần cù lao động, nhưng do thiếu tư liệu sản xuất, thiếu việc làm, thiếu vốn làm ăn nên năm 2015 xã có 60 hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo, chiếm 28% tổng số hộ Khmer. Nhằm giúp đồng bào thoát nghèo, nâng cao đời sống, Đảng ủy xã chỉ đạo UBND và các đoàn thể xã quan tâm thực hiện nhiều giải pháp cụ thể.

Một trong những giải pháp hiệu quả là hỗ trợ đồng bào vay vốn làm ăn. Theo chị Lê Thị Phương Dung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, 3 năm qua, Hội LHPN xã đã hỗ trợ 160 chị em đồng bào dân tộc Khmer vay gần 3 tỉ đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội. Nhờ có vốn, nhiều chị em phát triển chăn nuôi, mua bán nhỏ, mướn đất để sản xuất nên đã thoát nghèo. Điển hình như chị Mai Thị Kha Sẻn ở ấp Thới Thạnh, được vay 40 triệu đồng, chị đầu tư trồng nấm rơm trên diện tích 200m2. Mỗi năm, trừ chi phí, chị còn lời 50 triệu đồng nên cuối năm 2017 đã thoát nghèo. Hướng dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi bò thịt của mình, chị Thạch Thị Sa Vết, hội viên ấp Thới Thạnh, phấn khởi khoe: “Lúc đầu, được Hội LHPN xã hỗ trợ vay 20 triệu đồng, tui mua 4 con bò nuôi. Nay đàn bò của tôi đã phát triển lên 12 con. Hai năm nay, mỗi năm bán từ 3-4 con bò thịt, thu lời 50-60 triệu đồng nên không còn nghèo khó như trước”. Cùng với Hội LHPN xã, Hội Nông dân xã cũng hỗ trợ hàng chục hội viên nông dân người dân tộc Khmer vay hơn 1 tỉ đồng để làm ăn, mang lại hiệu quả tích cực.

Cùng với hỗ trợ về vốn, 3 năm qua, theo chỉ đạo của Đảng ủy, các ngành, đoàn thể xã quan tâm đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer. Điển hình như tổ chức được 1 lớp đan dây nhựa cho 35 lao động trong đồng bào, giúp mỗi lao động tranh thủ thời gian nhàn rỗi, đan kiếm thêm thu nhập mỗi ngày từ 40.000- 50.000 đồng. Xã đã liên hệ với Công ty Cafatex tổ chức xe đưa đón hơn 30 lao động là đồng bào dân tộc Khmer đi làm việc ở khu công nghiệp. Chị Thạch Thị Hậu, ấp Thới Thạnh, nói: “Được xe công ty đưa đón đi làm công nhân, được hỗ trợ tiền ăn giữa ca nên mỗi tháng lương tôi còn được 5 triệu đồng để lo cuộc sống gia đình. Nhờ vậy, hơn năm nay, gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Đến các ấp Thới Thạnh và Thới Hưng  - nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống - hôm nay không còn thấy cảnh những căn nhà lá xiêu vẹo, dột nát như trước đây. Thay vào đó là những căn nhà xây tường, mái lợp tôn, nền lót gạch men khang trang, sạch đẹp. Ông Thạch Sanh, ấp Thới Thạnh, phấn khởi nói: “Được địa phương hỗ trợ 40 triệu đồng, tôi mượn thêm gần 10 triệu đồng để cất căn nhà Đại đoàn kết. Bây giờ có chỗ ở tươm tất, gia đình tôi đã thoát nghèo”. Ngồi trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới hơn 40m2 của mình, bà Đào Thị Yên, ấp Thới Hưng, cho biết: “Nhà không có ruộng đất, vợ chồng làm mướn kiếm sống, không có tiền xây nhà tường. Năm rồi được địa phương hỗ trợ 47 triệu đồng xây nhà Đại đoàn kết, tui mừng không sao kể xiết...”. Tính chung, 3 năm qua, từ nguồn ngân sách và nguồn vận động xã hội hóa, xã Thới Đông đã hỗ trợ 50 hộ đồng bào dân tộc Khmer xây nhà Đại đoàn kết, nhà theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Chính phủ. Đến nay, xã không còn gia đình người dân tộc Khmer khó khăn về nhà ở.

Ông Võ Thuận Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: Nhờ thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể địa phương và sự chí thú làm ăn, cần cù lao động, cố gắng vươn lên của người dân, từ năm 2015 đến nay, xã có 56 hộ đồng bào dân tộc Khmer vươn lên thoát nghèo, hạ số hộ nghèo trong đồng bào xuống chỉ còn 4 hộ (chiếm 1,87%). Thời gian tới, xã tiếp tục quan tâm hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả nhằm giúp bà con vươn lên trong cuộc sống, phấn đấu đến năm 2020 xã không còn hộ người dân tộc Khmer nghèo.

ANH DŨNG

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

67407

Hôm nay:
18
Tháng này:
866
Tổng lượt truy cập:
67407