Con đang độ tuổi mới lớn, vụng về, thờ ơ việc nhà cửa, bếp núc, không màng thế sự... là những câu chuyện đầy trăn trở của các bậc phụ huynh. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc được người thân nuông chiều từ nhỏ. Ðể con cái trưởng thành, phụ huynh cần kịp thời tìm cách giúp con trang bị kiến thức, kỹ năng để sống chan hòa hơn…
Yêu thương quá mức
Chị Ngọc Vân (quận Ninh Kiều) kết hôn hơn 5 năm mới sinh được cô con gái Thúy Ái. Ái thực sự là cô “công chúa nhỏ” khi bên nội vốn toàn cháu trai. Từ bé, các cô thay nhau “mượn” Ái về nhà vài hôm để hôn hít, nựng nịu. Vợ chồng chị Vân chuyên tâm khuếch trương kinh doanh, khỏi bận bịu chăm sóc con. Ðến tuổi đi học, Thúy Ái được các cô “săn đón” đưa rước, mua toàn đồ dùng, quần áo đẹp. Suốt thời học sinh, Ái chẳng biết làm gì ngoài học, ăn, ngủ và đi chơi đó đây. Chị Vân “nóng ruột” mọi người “làm hư” con gái, trong khi chồng chị tỉnh rụi, bảo chị đừng làm buồn lòng nội và các cô. Chị Vân tâm sự: “Hễ mỗi khi tôi định kéo con gái vào phụ bếp, tiện thể hướng dẫn nhặt rau, gọt củ hay vo gạo nấu cơm, nấu vài món đơn giản, má chồng lập tức phản đối. Tôi giải thích thế nào, má cũng không chấp nhận”. Lúc nào, má chồng cũng một câu muôn thuở, sao cứ phải bắt cháu nội má làm, trong khi việc bếp núc có gì phức tạp, từ từ dạy thôi, vội gì. Mấy cô em chồng còn nói chị Vân kiếm người giúp việc để khỏi sai con gái phụ bếp. Vì muốn giữ hòa khí gia đình chị Vân đành chấp nhận trong “ấm ức”.
Em gái lâm bạo bệnh qua đời, chẳng bao lâu em rể lấy vợ khác, chị Linh Phượng ở quận Cái Răng, chủ động đón cháu gái Tú Thanh về nuôi dạy, dự định sau này hủ hỉ tuổi già. Chị Phượng không lập gia đình, lại giỏi mua bán nên kinh tế thoải mái, những gì tốt đẹp nhất chị đều dành cho Thanh với mong muốn bù đắp phần nào nỗi đau sớm mồ côi mẹ của cháu. Chị Phượng dành phần lớn thời gian quan tâm chăm sóc Thanh, từ ăn uống, ngủ, nghỉ đến làm thay mọi việc dù Thanh đã là sinh viên đại học. Dần dà, Thanh quen hưởng thụ với nếp suy nghĩ mình đáng và phải được như vậy. Thanh muốn gì được nấy, tiêu xài thoải mái, sẵn sàng bỏ đồ dùng, quần áo mua về nếu thấy không hài lòng. Thanh đã “chấm” vật dụng gì, chị Phượng đáp ứng ngay dù bản thân chưa dám “rớ”. Mỗi lần Thanh hí hửng nhận quà, “quên” nói cảm ơn, chị vẫn thản nhiên cho qua, xuê xoa tự nhủ “Mình yêu thương, an ủi đứa cháu bất hạnh, có gì sai…”.
Và... sửa sai
Mỗi lần, mẹ và mấy em góp ý đừng quá nuông chiều làm Thanh ỷ lại, thiếu kỹ năng, sống ích kỷ, vô cảm với mọi việc, chị Phượng cho rằng mọi người quá khắt khe. Khi lớn, Thanh hiểu chuyện và sẽ tự điều chỉnh, sửa đổi. Một dịp tham gia đoàn từ thiện đến các tỉnh miền Tây, chứng kiến cảnh các cháu gái trạc tuổi Thanh sau giờ học về nhà phải dang nắng, làm lụng vất vả phụ giúp cha mẹ mưu sinh; mâm cơm đạm bạc, sơ sài với 6 người quây quần, nhường nhau từng miếng cá, mẩu trứng… chị Phượng chạnh lòng và giật mình nhận ra sai lầm trong cách chiều chuộng Thanh. Chị Phượng hạ quyết tâm điều chỉnh cách yêu thương, dạy dỗ cháu gái. Trước tiên, chị Phượng dành thời gian kể Thanh nghe và cho xem những clip ngắn về các chuyến đi từ thiện với nhiều câu chuyện, hình ảnh cảm động về cuộc sống cơ cực của người nghèo khó khắp nơi, trong đó, có các em nhỏ và bạn cùng trang lứa Thanh. Tuy chưa hết lo lắng nhưng chị Phượng thấy an ủi phần nào trước những thay đổi nho nhỏ trong nhận thức, suy nghĩ chan hòa của Thanh. Thanh không còn đòi hỏi những đồ vật đắt tiền và biết đắn đo, cân nhắc trong chi tiêu, mua sắm. Dịp Tết vừa qua, Thanh tự nguyện ra tiệm cơm chay của dì phụ giúp bưng bê, lau rửa. Mới đây, chị Phượng vui mừng khi Thanh xin tháp tùng đoàn từ thiện. “Ðây quả thật tín hiệu đáng mừng. Tôi sẽ uốn nắn cháu dần và hy vọng Thanh sẽ tiến bộ, thật sự trưởng thành sau tốt nghiệp, đi làm và tự lo bản thân” - chị Phượng nói với vẻ phấn khởi…
Sau khi quyết định trao đổi với má chồng việc dạy dỗ con vén khéo bếp núc, hòa đồng giao tiếp với mọi người, chị Ngọc Vân đăng ký mẹ con cùng học khóa kỹ thuật nấu ăn, làm bánh tại trung tâm dạy nghề vào buổi tối. Lúc đầu, nội và các cô cũng “không vui” nhưng vì chị Vân kiên quyết và thấy học nghề này cũng thú vị nên đồng ý. Về phần Ái, cũng dùng dằng, ngúng nguẩy nhưng do muốn mẹ vui nên cố gắng hòa đồng, chuyên cần. Qua khoảng 10 buổi, trải qua những vụng về, lọng cọng, Ái tỏ vẻ thích thú, hoạt bát với mọi người, còn được cô giáo khen chuyên cần, cầu tiến, nấu ăn ngon, trang trí khéo. Kỳ thi cuối khóa, Ái được xếp loại Giỏi, cô giáo còn khích lệ học tiếp khóa nấu ăn nâng cao để có thể khởi sự kinh doanh. Ái biết mình không “mặn” kinh doanh nên đăng ký học thêm khóa nghề pha chế để có thể tự tay làm những món ngon đãi người thân. Người hạnh phúc nhất là chị Vân trước thái độ cầu tiến, hòa nhã của Ái. Lúc đó, chị Vân mới thật sự hiểu con gái có khả năng làm nhiều việc, chỉ cần được khơi gợi, định hướng đúng.
Theo chị Vân, chị Phượng, đừng “đổ thừa” con cái “không chịu” lớn mà chính phụ huynh mắc sai lầm trong cách yêu chiều, bảo bọc thái quá, khiến các con ỷ lại, chỉ quen hưởng thụ. Chỉ khi con cái lớn khôn, trưởng thành đúng nghĩa, các bậc phụ huynh mới thật sự trọn vui…
ANH PHƯƠNG