Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Giúp cô dâu Việt xây dựng hôn nhân hạnh phúc bền vững

00:00 - 06/01/2019

Chương trình Giáo dục định hướng dành cho phụ nữ Việt Nam di cư theo diện kết hôn với nam giới Hàn Quốc được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Cần Thơ và Trung tâm Chính sách Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Hàn Quốc (KOCUN) triển khai 4 giai đoạn trong 8 năm (10/2011-12/2018). Mới đây, 2 đơn vị đã ký kết bản ghi nhớ thực hiện chương trình giai đoạn 5 (1-1-2019 đến 31-12-2021), tiếp tục trở thành địa chỉ tin cậy, sẵn sàng hỗ trợ để các cô dâu Việt thêm hạnh phúc sau khi kết hôn.

Bà Chong Chin Song và bà Diệp Thị Thu Hồng đại diện 2 đơn vị ký kết và công bố bản ghi nhớ thực hiện chương trình giai đoạn V. Ảnh: MỸ TÚ

Chỉ diễn ra trong 2 ngày nhưng chương trình đã mang đến cho tôi rất nhiều kiến thức thực tế về văn hóa, con người, đất nước và luật pháp Hàn Quốc. Chương trình đã trang bị cho chúng tôi hành trang để an tâm hơn khi về sống bên chồng” -  đó là nhận xét chung của rất nhiều chị em từng tham dự khóa học giáo dục định hướng này. Với những nội dung dành riêng cho đối tượng phụ nữ di cư theo diện kết hôn với nam giới Hàn Quốc như: pháp luật, phong tục tập quán, tình dục, mang thai, việc làm,… và đặc biệt là thông tin về các tổ chức có thể hỗ trợ các chị em khi gặp khó khăn, chương trình hướng đến mục tiêu lớn nhất là hỗ trợ các cô dâu Việt được an toàn và sớm ổn định cuộc sống tại Hàn Quốc.

Chị Quách Ý Nh., quê ở tỉnh Cà Mau, đã kết hôn và di cư sang Hàn Quốc gần 2 năm và hiện chị đang sống chung với gia đình chồng ở thành phố Busan. Chị Nh. cho biết: “Trước khi bay sang Hàn Quốc, tôi có đến dự khóa giáo dục định hướng cho cô dâu Việt ở Văn phòng KOCUN tại TP Cần Thơ. Trong 2 ngày, tôi được các giảng viên giới thiệu rất chi tiết về văn hóa, lễ nghi và cách sống, sinh hoạt của người Hàn Quốc. Có thể nói, chương trình đã giúp tôi được đi thực tế từ xa với những kiến thức rất bổ ích và thú vị, giúp tôi an tâm hơn rất nhiều. Chứ trước đó, tôi rất mơ hồ, không hình dung được cuộc sống, con người và cách sinh hoạt của nơi mà tôi chuẩn bị tới và gắn bó cả đời như thế nào nên rất lo lắng”.

Các học viên của chương trình là những phụ nữ thuộc các tỉnh ĐBSCL đã được Phòng Tư pháp các quận, huyện cấp giấy đăng ký kết hôn hoặc ở các tỉnh, thành khác được Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh giới thiệu tới. Tính đến hết tháng 11-2018, giai đoạn 4 của Chương trình đã tổ chức được 144 lớp học với tổng số 4.284 học viên (TP Cần Thơ có 2.066 học viên, Hậu Giang: 787 học viên và Kiên Giang: 509 học viên). Khi bắt đầu và kết thúc, chương trình có thu thập phiếu khảo sát và đánh giá từ các học viên để phân tích nội dung. Trong đó có các số liệu quan trọng như: độ tuổi chênh lệch của các cặp vợ chồng; tình trạng quen biết, tìm hiểu trước kết hôn; tỷ lệ môi giới hôn nhân nước ngoài;… Các kết quả phân tích đã được sử dụng để cải tiến chất lượng giảng dạy, đặc biệt đã đóng góp rất nhiều cho việc xây dựng chính sách cho phụ nữ Việt di cư theo diện kết hôn sang Hàn Quốc. Ngoài ra, các phân tích của chương trình cũng giúp ngành chức năng nhìn nhận, đánh giá và có những đề xuất cải thiện hệ thống pháp lý liên quan đến lĩnh vực hôn nhân với người nước ngoài của cả 2 nước Việt, Hàn. Sau khi tham gia chương trình, có 99,9% học viên cho rằng nội dung giảng dạy rất hữu ích và rất hài lòng với các hoạt động của giảng viên.

Chị Nguyễn Thị L. quê ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ được Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc giới thiệu đến học khóa học này trước khi theo chồng sang Hàn Quốc. Chị chia sẻ: “Nhờ những kiến thức từ khóa học mà tôi bớt bỡ ngỡ khi sang đất nước mới, xa lạ cả về văn hóa lẫn ngôn ngữ. Đặc biệt, nhờ thông tin từ khóa học mà tôi biết được nếu không may gặp bất trắc thì tôi có thể liên lạc với số điện nào của tổ chức nào. Tôi mong KOCUN vẫn duy trì chương trình giáo dục định hướng này lâu dài để hỗ trợ các cô dâu Việt di trú sang Hàn Quốc diện kết hôn như tôi”.

Không chỉ hiểu rõ về khóa học định hướng, chị Nh. Và chị L. còn biết rất rõ những chương trình hỗ trợ cho các cô dâu Việt sau khi hồi hương tại Trung tâm KOCUN. Chị Nh. cho rằng, những hoạt động này của KOCUN thật sự mang lại niềm tin, hạnh phúc và sự an tâm cho các cô dâu Việt khi quyết định kết hôn với người Hàn Quốc, từ đó, giúp họ thêm quyết tâm tạo dựng cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc với gia đình chồng.

Từ giai đoạn 4, chương trình đã được tổ chức tại Trung tâm Việt-Hàn chung tay chăm sóc, tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ, với phòng học khang trang và bổ sung thêm nhiều chương trình trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc (tiếng Hàn, kiến thức nấu ăn). Tuy nhiên, theo bà Chong Chin Song, đại diện Trung tâm KOCUN, nguồn tài trợ cho chương trình từ Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc đang bị hạn chế, trong khi số lượng học viên liên tục tăng qua mỗi năm đã khiến chương trình gặp nhiều khó khăn. Trước hết là việc tổ chức tập huấn dành cho giảng viên và cải tiến tài liệu giảng dạy bị hạn chế. Xuất phát từ nhu cầu thực tế và quy định của pháp luật, những người thực hiện chương trình giáo dục định hướng đã đề xuất KOCUN và Hội LHPN TP Cần Thơ phát triển chương trình dạy tiếng Hàn thực tế và chuyên biệt dành cho phụ nữ kết hôn di trú. Điều này sẽ góp thêm điều kiện để các cặp vợ chồng Việt- Hàn xây dựng hôn nhân hạnh phúc bền vững hơn.

MỸ TÚ

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69080

Hôm nay:
39
Tháng này:
490
Tổng lượt truy cập:
69080