Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Giúp chị em khởi sự kinh doanh

09:13 - 22/02/2021

Nhằm hỗ trợ nhiều chị em phát triển kinh doanh, khởi nghiệp thuận lợi, thời gian qua, các cấp Hội LHPN quận Bình Thủy đã quan tâm, triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực. Nhờ đó, nhiều mô hình khởi nghiệp đã được hiện thực hóa, cuộc sống của chị em có bước phát triển đáng kể.

Chị Lê Thị Tuyết Vân, (bên phải) vươn lên ổn định cuộc sống với nghề làm bánh.

Tọa lạc tại khu vực 4, phường An Thới, quận Bình Thủy, tiệm bánh Ngọc Vân tuy nhỏ nhưng khá đông khách. Chia sẻ niềm đam mê nghề làm bánh, chị Lê Thị Tuyết Vân, chủ tiệm bánh bộc bạch: “Làm bánh vốn là nghề truyền thống của gia đình chồng tôi. Cuối năm 2019, vợ chồng tôi mạnh dạn khởi nghiệp. Ban đầu, với số vốn liếng ít ỏi, tôi chỉ làm bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ và bán tại nhà. Dần dần, chúng tôi mở rộng mô hình”. Hiện nay, tiệm bánh của chị Vân có hơn 30 loại bánh các loại. Hướng đến lượng khách hàng chủ lực là công nhân và học sinh nên giá bán các loại bánh rất bình dân. Theo chị Vân, bình quân mỗi loại bánh có giá từ 7.000-30.000 đồng, chủ yếu lấy công làm lời. Nhận thấy nhu cầu cần mở rộng kinh doanh của chị Vân, năm 2020, Hội LHPN phường đã hỗ trợ cho chị Vân vay vốn 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Với số tiền này, chị Vân đầu tư mua tủ đựng bánh kem và nguyên phụ liệu làm bánh… Nhờ đó, giúp cho việc kinh doanh của chị thêm thuận lợi. Với tiệm bánh nhỏ của mình, mỗi ngày, chị Vân thu nhập khoảng 1 triệu đồng, giúp kinh tế gia đình ngày càng ổn định, khấm khá.

Tương tự, chị Lâm Quới Thanh, ngụ tại khu vực 1, phường An Thới, quận Bình Thủy cũng là một trong những cá nhân điển hình trong phong trào khởi nghiệp tại địa phương. Chị Thanh hiện đang công tác tại địa phương, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội LHPN phường An Thới. Tranh thủ thời gian sau giờ làm việc, năm 2020, chị Thanh đã khởi nghiệp với mô hình trồng hoa lan. Hướng dẫn chúng tôi tham quan giàn lan vừa được đầu tư lắp đặt, chị Thanh kể: “Vừa qua, nhờ món vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi có điều kiện đầu tư làm giàn lan. Do mới khởi nghiệp nên vườn lan của tôi còn khiêm tốn, chỉ có khoảng 500 gốc. Tôi chọn trồng chủ lực các giống lan Denro do dễ trồng, dễ chăm sóc và được rất nhiều người ưa chuộng bởi màu sắc đa dạng, đẹp mắt”. Với giá bán chỉ từ 500.000 đồng đến 2-3 triệu đồng/gốc lan, bình quân mỗi tháng, chị Thanh bán ít nhất 20-30 gốc. Riêng dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chị bán được cả trăm gốc lan, thu nhập gần 100 triệu đồng.

Quá trình khởi nghiệp của chị Vân, chị Thanh minh chứng cho con đường hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp của nhiều chị em, hội viên trên địa bàn quận Bình Thủy. Toàn quận Bình Thủy hiện có 13.615 hội viên phụ nữ đang sinh hoạt tại 46 chi hội cơ sở trực thuộc. Thời gian qua, các cấp Hội LHPN quận đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích chị em phát triển các ý tưởng kinh doanh và tự tin khởi nghiệp; nhân rộng các tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho lao động nữ... Thực hiện Đề án 938, 939 theo hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, Hội LHPN quận Bình Thủy đã thành lập Câu lạc bộ “Phụ nữ khởi sự kinh doanh” tại 8/8 phường. Đồng thời, Hội cũng tập trung nâng chất các mô hình giảm nghèo, giúp nhau thoát nghèo bền vững, duy trì và nâng chất các mô hình tổ liên kết sản xuất như: mô hình trồng màu (phường Long Hòa), mô hình tổ hợp tác làm khô cá lóc, mô hình may công nghiệp (phường Thới An Đông), mô hình phụ nữ làm du lịch, bảo vệ môi trường (phường Bùi Hữu Nghĩa). Trong năm 2020, Hội đã giúp 22 chị khởi nghiệp bằng các hình thức: hỗ trợ vay vốn, tư vấn khởi nghiệp, giới thiệu học nghề... 

Theo chị Nguyễn Thị Hồng Diễm, Chủ tịch Hội LHPN quận Bình Thủy, việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp luôn được Hội xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ phát huy nội lực, tạo điều kiện giúp hội viên thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp, như: giới thiệu, tư vấn, kết nối cho các phụ nữ có ý tưởng kinh doanh tham gia các lớp đào tạo nghề; tập huấn khoa học kỹ thuật; hỗ trợ hội viên tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất… Tính đến cuối năm 2020, tổng dư nợ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội quản lý là hơn 117 tỉ đồng, hỗ trợ trên 2.700 hộ vay vốn sản xuất kinh doanh, thực hiện các mô hình khởi nghiệp. Hội cũng duy trì 566 tổ hùn vốn xoay vòng; 560 tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm, giúp cho hàng ngàn lượt chị vay xoay vòng không tính lãi để kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình. Các cấp Hội cũng đã phối hợp tư vấn và giới thiệu cho 195 chị học nghề, giới thiệu việc làm cho 1.235 chị em làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài địa bàn… 

Để tiếp sức cho chị em trong phong trào khởi nghiệp, thời gian tới, các cấp Hội LHPN quận Bình Thủy tiếp tục là cầu nối giúp phụ nữ tiếp cận thông tin thị trường, triển khai các hoạt động hỗ trợ phù hợp nhằm khuyến khích chị em tự tin hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, mạnh dạn đầu tư kinh doanh, từng bước khẳng định vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Bài, ảnh: HỒNG VÂN

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69248

Hôm nay:
26
Tháng này:
658
Tổng lượt truy cập:
69248