Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Giữ gìn nghề bánh truyền thống

13:37 - 11/09/2017

Ẩm thực dân gian dù qua nhiều thăng trầm, có lúc chịu ảnh hưởng bởi sự du nhập của các món ăn ngoại, nhưng vẫn được người dân giữ gìn và phát huy. Nhiều món bánh ngon “nhà quê” còn lan tỏa hương vị truyền thống khắp mọi miền, đem về nguồn thu nhập cho nhiều gia đình. Tại phường Long Hòa (Bình Thủy) hiện có trên chục hộ chuyên sống với nghề làm các loại bánh dân gian: bánh tét, bánh ít, bánh ú, bánh phu thê, bánh lá dừa, bánh bò…

Ghé nhà cô Đinh Thị Đậm ở khu vực Bình Trung, phường Long Hòa (gần cầu Rạch Súc, đường Võ Văn Kiệt), chúng tôi không khỏi tấm tắc trước sự đồng lòng của gia đình cô dành cho món bánh tét lá cẩm. Mỗi sáng sớm, con gái, con dâu của cô đảm trách khâu nạo dừa, nấu đậu; chồng cô xào nếp, còn cô Đậm chuẩn bị sẵn sàng các vật liệu gói, nấu bánh. Cô Đậm cho biết, đã thành thói quen, sáng nào cả nhà cũng quây quần gói bánh, sau đó, ai làm việc nấy. Khoảng 11 giờ trưa, bánh được mang ra bày bán cho khách.

Cô Đậm trưng bày bánh bán cho khách. Ảnh: Mỹ Tú

24 năm qua, cô Đậm kế thừa nghề làm bánh từ cha. Hiện có 2 người trong 5 anh chị em cô theo nghề. Trong đó, chị thứ ba Đinh Thị Hoa Xuân chuyên làm bánh ú, bánh lá dừa. Còn cô Đậm chuyên làm bánh tét lá cẩm với màu tím đặc trưng, thơm béo nước cốt dừa với nhiều loại nhân: đậu mỡ, đậu ngọt, chuối, thập cẩm.

Bên cạnh đó, cô Đậm còn làm thêm một số loại bánh ít, bánh ú, bánh tét nước tro… được rất nhiều khách hàng ưa chuộng. Hằng ngày, ngoài nhận làm bánh theo đơn đặt hàng, cô làm thêm để phục vụ khách vãng lai. Cô Đậm vui vẻ cho biết: “Nhiều khách vãng lai nếm thử bánh tét của tôi rồi thành “mối”.

Hiện tôi có mối đặt bánh thường xuyên mang đi Sài Gòn, Hà Nội, Trà Vinh, Cà Mau và ra nước ngoài”. Nhờ vậy, thu nhập từ nghề bánh của gia đình cô Đậm tương đối ổn định. Sau khi trừ các chi phí, cô Đậm lời 300.000 đồng/ngày. Riêng dịp Tết Nguyên đán, mỗi ngày, số lượng bánh tăng gấp 10 lần, đem lại nguồn thu đáng kể.

Chị Linh chuẩn bị vớt bánh tét. Ảnh: Mỹ Tú

Cô Đậm rất yêu và tự hào với nghề đã chọn. Phần vì bánh là nguồn kinh tế nuôi sống gia đình, phần khác, đây là một trong những món bánh truyền thống quê hương. Cô Đậm phấn khởi cho biết: “Tôi được địa phương quan tâm, tạo điều kiện tham gia các cuộc thi trưng bày, giới thiệu sản phẩm bánh dân gian. Tôi cố gắng giữ gìn hương vị và hy vọng nghề bánh truyền thống của gia đình sẽ ngày càng phát triển”.

Chị Trần Thị Linh, con dâu cô Đậm, chia sẻ mong muốn có điều kiện trình diễn mô hình gói bánh và bán cho khách. Ngoài ra, có thể thêm kênh quảng bá bánh qua mạng internet để đưa hương vị bánh đi xa hơn, đến với nhiều khách hàng hơn.

Theo bà La Thanh Thúy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Long Hòa, địa phương rất quan tâm, tạo điều kiện để nhiều hộ làm bánh có tay nghề tốt tham gia trưng bày, bán bánh các dịp lễ hội, hội chợ cấp quận và thành phố. Các dịp họp mặt, hội nghị, địa phương cũng ưu tiên đặt bánh dân gian đãi khách. Ngoài ra, phường còn tạo điều kiện để các hộ có nhu cầu, tiếp cận nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư, phát triển nghề bánh.

Ngoài các loại bánh truyền thống bản địa, món bánh phu thê của cô Trương Thị Luyến, khu vực Bình Yên A, ngày càng được nhiều người quan tâm. Đây là món bánh miền Trung, qua bàn tay người thợ biến tấu để phù hợp khẩu vị người miền Nam. Cô Luyến gắn bó món bánh này đến nay trên 30 năm, hiện chỉ làm theo đơn đặt hàng của khách gần xa.

Cô Gọn với món bánh lá dừa gắn bó gần 20 năm. Ảnh: Mỹ Tú

Còn cô Nguyễn Thị Gọn, cùng ngụ khu vực Bình Yên A, rất “mát tay” với món bánh lá dừa. Lúc đầu, chỉ học lóm người khác nhưng cô Gọn khéo léo làm ra những chiếc bánh thơm ngon, hấp dẫn. Nhờ bánh lá dừa, cô Gọn nuôi dạy 5 người con ăn học thành tài, có nghề nghiệp ổn định, sau khi ông xã qua đời (gần 20 năm). Cô Gọn chia sẻ: “Bây giờ có tuổi rồi, con cái khuyên nghỉ làm bánh nhưng tôi thương nghề lắm, bỏ sao đành. Ngày nào không khỏe, nghỉ làm bánh là tôi thấy buồn, thấy nhớ”.

Nhịp sống hiện đại hối hả, không còn nhiều gia đình tự làm các loại bánh đòi hỏi sự công phu, khéo léo. Nhờ có những người thợ lành nghề, các loại bánh dân gian vẫn giữ hương vị đậm đà vốn có, kịp thời đáp ứng nhu cầu xã hội. Và nghề làm bánh dân gian cũng đã mang đến cho người thợ cuộc sống khấm khá hơn. 

MỸ TÚ

 

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69231

Hôm nay:
9
Tháng này:
641
Tổng lượt truy cập:
69231