Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

12:13 - 27/11/2017

Từ năm 2000 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam liên tục tăng và tốc độ khó kiểm soát. Đây là một vấn đề nóng của ngành dân số, như Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6, khóa XII (Nghị quyết số 21-NQ/TW) về công tác dân số trong tình hình mới khẳng định mất cân bằng giới tính (MCBGTKS) tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Vì vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái thì bên cạnh các giải pháp của cơ quan chuyên môn thì cũng rất cần có sự chung tay giải quyết của toàn xã hội.

Cán bộ Trạm y tế xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) hướng dẫn người dân các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.

Tại Việt Nam, MCBGTKS tuy diễn ra muộn hơn các nước châu Á, nhưng tốc độ gia tăng rất nhanh. Tỷ số giới tính khi sinh tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái (năm 2000) lên 112,2 bé trai/100 bé gái (năm 2014); năm 2015, tỷ số này là 112,8 bé trai/100 bé gái, và năm 2016 là 112,2 bé trai/100 bé gái. Theo các chuyên gia lĩnh vực dân số, nếu tình trạng này vẫn tiếp tục gia tăng, dự tính đến năm 2050 Việt Nam sẽ có khoảng từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ.

Tình trạng MCBGTKS đang diễn ra khá nghiêm trọng, không chỉ ở thành thị và cả khu vực nông thôn. MCBGTKS ở nước ta có nguồn gốc sâu xa là tình trạng bất bình đẳng giới, quan niệm cũ "trọng nam, khinh nữ" tồn tại và chi phối nếp nghĩ, nếp sống của người Việt cả nghìn năm qua. Tư tưởng lạc hậu này ảnh hưởng nghiêm trọng xã hội và chống lại vấn đề bình đẳng giới. Hậu quả, nam giới sẽ bị dư thừa so với nữ giới trong cùng một thế hệ. Họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời; sẽ diễn ra tình trạng trì hoãn hôn nhân trong nam giới hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân. Việc thiếu hụt phụ nữ sẽ tạo ra những hậu quả không nhỏ về mặt xã hội và nhân khẩu học như: Gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm, gia tăng nạn buôn bán phụ nữ và các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Trẻ em gái gặp các nguy cơ phải kết hôn sớm. Di cư trong nước và quốc tế nhằm mục đích kết hôn cũng có thể gia tăng, dẫn đến bất ổn xã hội.

Nguy cơ MCBGTKS đã được cảnh báo, nhưng thực tế, chúng ta chưa có các biện pháp để giải quyết thỏa đáng vấn đề này. Đáng nói là 50% số tỉnh, thành phố trong cả nước có tỷ số (GTKS) năm sau cao hơn năm trước. Năm 2014, có 15 tỉnh, thành phố có tỷ số GTKS là 115 trẻ nam/100 trẻ nữ; sang năm 2016 con số này đã tăng lên 22 tỉnh, thành phố. Xu hướng này diễn ra không giống nhau tại các vùng trên cả nước. Vì vậy, giải quyết tình trạng MCBGTKS là vấn đề cấp bách, quan trọng, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Vấn đề này được Đảng và Nhà nước chỉ đạo cụ thể trong Chiến lược quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020; Chương trình hành động quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 và các văn bản chính sách, hướng dẫn triển khai thực hiện khác. Mặc dù, đã được chú trọng chỉ đạo, tăng cường về truyền thông, vận động và can thiệp, song tình trạng MCBGTKS vẫn có dấu hiệu gia tăng cả về tỷ số cũng như địa bàn, khu vực... Chính vì vậy, Nghị quyết T.Ư 6, khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu: Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên... Như vậy, giảm dần tình trạng MCBGTKS là việc làm cấp bách để đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh ở mức dưới 109 bé trai/100 bé gái.

Thực tế thời gian vừa qua, những biện pháp nhằm giảm tỷ lệ MCBGTKS chưa đáp ứng được yêu cầu, bởi phần lớn mới chú trọng về kỹ thuật, cấm siêu âm, chẩn đoán giới tính, cấm phá thai lựa chọn giới tính... Trong khi đó, biện pháp căn bản, cốt lõi cần tiếp tục kiên trì thực hiện là thay đổi tư duy người dân. Đưa tỷ số giới tính khi sinh trở về mức sinh học bình thường là một việc khó và không thể đạt được trong ngày một, ngày hai. Hơn lúc nào hết, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi, tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân nhận thức nguy cơ của MCBGTKS để mọi người tự giác thực hiện, không tham gia vào quá trình lựa chọn giới tính trước sinh. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các trung tâm y tế công lập, các phòng khám y tế tư nhân nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi, có các chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật...

Mới đây, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã chính thức phát động các hoạt động truyền thông về giảm thiểu MCBGTKS với chủ đề Hãy tạo mọi điều kiện thuận lợi để trẻ em gái tạo dựng và phát huy vị thế xứng đáng trong xã hội. Ban tổ chức đã chuyển đi những thông điệp rõ ràng về tình trạng MCBGTKS tại Việt Nam và hệ lụy đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, thái độ và hành động của từng cá nhân, cộng đồng trong việc chấp hành chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính khi sinh. Nhân dịp này, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế, chi cục Dân số -
Kế hoạch hóa gia đình các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phối hợp các ban, ngành liên quan, huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng đẩy mạnh thực thi và giám sát nghiêm minh pháp luật về giải quyết MCBGTKS; tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, thay đổi nhận thức của mỗi người dân, quan tâm hơn nữa đến công tác bình đẳng giới..., phấn đấu đạt mục tiêu về tỷ số giới tính khi sinh vào năm 2030.

Theo Báo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

68918

Hôm nay:
29
Tháng này:
328
Tổng lượt truy cập:
68918