Sản xuất và xuất khẩu nông sản là thế mạnh của các tỉnh, thành ĐBSCL, tuy nhiên tình trạng “tới mùa, rớt giá, khó tiêu thụ” cứ lặp đi lặp lại khiến hàng loạt nông dân trong vùng khốn đốn. Làm thế nào để sản xuất nông sản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, không bị dư thừa đang là vấn đề cấp bách đặt ra.
Giá thấp, nông dân lỗ
Diện tích trồng mít Thái ở ĐBSCL tăng cao, trong khi thiếu liên kết trong tiêu thụ.
Những ngày qua, hàng loạt nông dân trồng mít Thái ở ĐBSCL rơi vào cảnh khốn khó khi giá rớt thê thảm. Tại Tiền Giang, một trong những nơi trồng mít Thái phục vụ xuất khẩu nhiều nhất ở ĐBSCL, nông dân dở khóc dở cười vì giá thấp dẫn đến thua lỗ. Ông Nguyễn Văn Minh, ở xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Gia đình tôi canh tác 8 công mít Thái, đây cũng là nguồn thu nhập chính của cả nhà. Thế nhưng vụ này giá mít thấp quá nên chẳng được gì”.
Đưa chúng tôi ra thăm vườn mít Thái đang cho trái sum suê, ông Minh tiết lộ hiện nay mít Thái loại 1 (từ 10kg/trái trở lên) thương lái thu mua chỉ còn 11.000-12.000 đồng/kg, trong khi mít Thái mua sô chỉ 3.000-4.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với các năm trước, trong đó thời điểm như tháng 9-2020 giá mít Thái loại 1 lên đến 50.000-60.000 đồng/kg, bởi lúc đó thị trường Trung Quốc “ăn mạnh”. Còn thời điểm sau Tết Nguyên đán 2021 thì mít Thái loại 1 cũng được giá khoảng 30.000-40.000 đồng/kg.
Cùng cảnh ngộ trên, bà Trần Thị Mai, ở xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, cho hay đợt này nông dân trồng mít gặp khó trăm bề bởi vừa bị rớt giá, vừa bị thương lái “dạt hàng” từ loại 1, loại 2… rơi xuống hàng sô rất nhiều. Nguyên nhân do tiêu thụ khó khăn, nhất là xuất khẩu sang Trung Quốc rất chậm do ảnh hưởng dịch COVID-19, nên nguồn cung vượt cầu. “Nông dân cần bán do mít đầy vườn, trong khi thương lái chậm mua, vì vậy họ mạnh tay đưa mít xuống hàng sô để mua giá thấp…”- bà Mai than thở.
Tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, một số nông dân cũng thở dài vì thua lỗ. Nhiều nông dân cho biết: “Chi phí giá thành để sản xuất mít Thái từ 6.000-7.000 đồng/kg trở lên, trong khi bán hàng sô cho thương lái chỉ 3.000-4.000 đồng/kg, tính ra nông dân lỗ trắng tay…”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) các tỉnh ĐBSCL, những lúc mít Thái xuất khẩu thuận lợi, hút hàng, được giá thì nông dân có thu nhập khoảng 400-600 triệu đồng/ha/năm trở lên. Đây được xem là loại cây triển vọng nên mấy năm nay diện tích tăng rất nhanh, hiện toàn vùng ĐBSCL có hơn 30.000ha mít Thái. Tuy nhiên, cái khó là giá mít Thái lên xuống thất thường, không ổn định, bởi phụ thuộc lớn vào sức “ăn hàng” của thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, đa phần nông dân trồng mít Thái chưa có sự liên kết nhiều về đầu ra với doanh nghiệp, nên việc tiêu thụ thiếu ổn định…
Không chỉ mít Thái rớt giá mà hiện nay nhiều hộ trồng khóm ở ĐBSCL cũng gặp khó khi giá rớt xuống mức có 5.000 đồng/trái (1 trái từ 1kg trở lên), trong khi khoảng 2 tuần trước giá khóm từ 10.000-12.000 đồng/trái. Đối với nhiều nông dân trồng xoài năm nay cũng gặp khó; đặc biệt là xoài Đài Loan giá giảm chỉ còn 3.000-5.000 đồng/kg, bởi xuất khẩu gặp khó khăn, nhất là thị trường Trung Quốc…
Hợp tác, liên kết tìm lối ra
Nông dân ĐBSCL đang gặp khó khăn vì giá mít Thái sụt giảm.
Ông La Văn Hùng, Chủ nhiệm Hội quán Duy Tân, ở xã Hòa An (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), nhìn nhận: “Do tác động của dịch bệnh COVID-19 làm cho vùng trồng xoài của Cao Lãnh bị rớt giá giống như các nơi khác và nông dân chịu thiệt. Khó khăn chung là vậy, nhưng một số hộ sản xuất có liên kết đầu ra với doanh nghiệp thì tình hình dễ thở hơn. Vì vậy, mục tiêu chung của Hội quán Duy Tân là đẩy mạnh sản xuất có liên kết đầu ra, giảm dần việc trồng tự phát sẽ dễ gặp rủi ro…”.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho hay: “Để phát triển nông sản một cách bền vững, trong đó có trái xoài là thế mạnh của tỉnh thì phải thay đổi tập quán sản xuất, tăng cường liên kết. Cụ thể thời gian qua, Đồng Tháp đã thành lập 8 hợp tác xã (HTX), 37 tổ hợp tác và 23 hội quán nông dân trồng xoài. Qua đó, đã liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài dài hạn cho gần 1.073ha với trên 10 doanh nghiệp; có 5 sản phẩm của 3 cơ sở, đơn vị sản xuất đạt chuẩn OCOP 3-4 sao và tiêu thụ trong siêu thị…”.
Trước thực trạng một số mặt hàng nông sản cứ “tới mùa rớt giá”, Bộ NN&PTNT cho rằng sẽ có một kế hoạch trong dài hạn. Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ cùng với Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam làm chương trình kết nối cung cầu nông sản. Trong dài hạn thiết lập được kênh thông tin 2 chiều, không thể để đợi đến nông sản thu hoạch rồi mới biết nó thừa hay thiếu, mà trước khi thu hoạch 15-20 ngày các cơ sở tại địa phương phải chủ động thông tin về Bộ NN&PTNT để Bộ thông tin với hệ thống phân phối.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị mỗi Sở NN&PTNT địa phương cần xác định trách nhiệm là không chỉ giúp bà con sản xuất sản lượng nhiều, mà phải hỗ trợ nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, làm sao kết nối được thị trường. Không kết nối được thị trường trong nước và thị trường nước ngoài thì sẽ bị động trong tiêu thụ nông sản. Phải thiết lập hệ thống chuyển đổi số để nắm bắt được thông tin thị trường giữa các HTX với các đơn vị phân phối. Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng kho dữ liệu, cập nhật thường xuyên thông tin để các hệ thống phân phối biết rằng ở tỉnh đó đang chuẩn bị thu hoạch lượng nông sản lớn. Có như vậy, các hệ thống phân phối mới chủ động được kho bãi, vận chuyển... để tiêu thụ nông sản.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nền nông nghiệp “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” là “lời nguyền” mà chúng ta phải có giải pháp khắc phục, để hướng đến một nền nông nghiệp giàu sức cạnh tranh hơn. Nhất quán quan điểm phát triển bền vững, nền nông nghiệp cần đặt trọng tâm vào kinh tế tập thể, với nòng cốt là HTX nông nghiệp, chỗ dựa vững chắc cho tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Các HTX nông nghiệp, sẽ cùng với cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp đảm trách vai trò định hướng, dẫn dắt thị trường; đây là 2 thành phần quan trọng trong hệ sinh thái nông nghiệp, đưa nông nghiệp phát triển trong tình hình mới…
Theo Báo Cần Thơ