Từ đầu tháng 9 đến nay, Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ liên tiếp tiếp nhận bệnh nhi bị rắn cắn ở các quận, huyện tại TP Cần Thơ đến điều trị. Phần lớn các em bị rắn cắn ở đô thị và bị cắn ngay trong nhà...
"Bóng dáng" rắn lục đuôi đỏ
Điều dưỡng Trưởng Khoa Cấp cứu Trần Văn Do cho biết, từ đầu mùa nước nổi đến nay, Khoa tiếp nhận cấp cứu nhiều trẻ bị rắn cắn. Riêng Khoa Nội tổng hợp, chỉ từ đầu tháng 9 đến ngày 11-9, tiếp nhận 6 cháu bị rắn cắn.
Bé Hậu được điều trị và theo dõi tại bệnh viện.
Cháu Dương Bảo Nghi, 11 tuổi, nhập viện ngày 8-9, điều trị ở Khoa Nội tổng hợp, kể: "Con sang hàng xóm xin ớt ăn. Đang đi trên đường, trời tối, hình như con đạp trúng rắn, bị cắn vào mắt cá chân trái. Con la lên, chạy vào nhà người quen, sau đó người quen buộc dây trên chỗ cắn và lấy cây thuốc nhai đắp lên, rồi đưa con đi BV. Khi bị cắn xong, con rất đau nhức".
Nằm cạnh giường Nghi, là bệnh nhân N.T.L, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, nhập viện ngày 11-9. Sau khi bị rắn cắn 10 giờ mới nhập viện. L. đi chơi, rắn trong bụi rậm phóng ra cắn vô đầu gối. L. giấu không dám cho gia đình hay, tự quấn băng keo chỗ cắn. Khi gia đình phát hiện mới đưa vào BV điều trị.
Trong 3 ca đang điều trị tại Khoa Nội tổng hợp, có trường hợp bé Lê Hữu Hậu, 34 tháng tuổi, ở khu vực 1, phường Ba Láng, quận Cái Răng, bị nặng nhất do bị rắn độc cắn sưng to cả hai cánh tay. Mẹ bé cho biết, bé đang ngủ trong mùng thì bị rắn nằm ngoài mùng cắn vào 2 tay. Nghe con la khóc, mẹ ngủ cùng choàng dậy, nhìn thấy rắn lục đuôi đỏ, vội ẳm con, la lên, người nhà chạy lại đập chết rắn. Sau đó, gia đình nhanh chóng đưa bé đi BV. Sau khi bị cắn, tay bé sưng to, lan dần sưng cả người. Từ Khoa Cấp cứu, các bác sĩ tiên lượng bé bị nặng nên chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, sau đó chuyển về Khoa Nội tổng hợp theo dõi, điều trị. Mẹ bé Hậu cho biết, trước nay ở khu vực xung quanh nhà không thấy có rắn.
Theo bác sĩ Trần Hương Giang, Khoa Nội tổng hợp, bé Hậu còn nhỏ, bị rắn cắn cả hai tay nên nọc độc nhiều. Hai tay sưng nhanh qua khớp lớn, nên quyết định truyền 5 lọ huyết thanh. Sau đó, do tiếp tục sưng lan qua vai, nên truyền huyết thanh lần 2, thêm 5 lọ. Hai trường hợp bé Nghi và L., không sưng to qua khớp lớn, không có rối loạn đông máu nên chỉ điều trị giảm đau, theo dõi.
Thực tế điều trị tại BV, phần lớn trẻ bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Rắn lục đuôi đỏ thuộc họ Rắn lục (Viperidae). Đây là loại rắn có nhiều nọc độc, với hơn 20 thành phần khác nhau. Vết cắn của loài rắn này thường bị chảy nhiều máu và sưng rất nhanh. Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, bệnh nhân có thể gặp các hiện tượng như tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch. Nếu không được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị sốc tâm lý, chất độc di chuyển nhanh đến tim, rối loạn đông máu và nguy hiểm đến tính mạng.
Gần đây, bệnh nhi bị rắn cắn ở đô thị nhiều hơn nông thôn, đa phần bị rắn cắn trong nhà, có trường hợp bé bị rắn nấp trong xe nôi, xe đẩy, dưới gầm giường, bàn, ghế... cắn.
Cần nhanh chóng đến cơ sở y tế
Bác sĩ Trần Hương Giang cho biết, kinh nghiệm thực tế điều trị, nhìn vết cắn, nếu chỉ có 2 dấu răng, ít vết cắn thường là rắn độc; nhiều dấu cắn thường là rắn không có độc (rắn lành). Khi nhập viện, bệnh nhi làm các xét nghiệm cơ bản, theo dõi rối loạn đông máu, tình trạng vết cắn. Nếu vết cắn sưng lan nhanh qua khớp lớn, rối loạn đông máu, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định truyền huyết thanh. Trước khi truyền, thử huyết thanh, xem có phản ứng sốc phản vệ, mẫn cảm, mới tiến hành truyền. Với những bệnh nhi sau khi rắn cắn, không có rối loạn đông máu, sưng to qua khớp lớn, bác sĩ theo dõi, điều trị giảm đau.
Khi bị rắn độc cắn, có thể bị nguy hiểm tính mạng, tàn phế nếu không được điều trị kịp thời. Vì thế, bác sĩ Trần Hương Giang khuyến cáo, khi bị rắn cắn, cần động viên bệnh nhân bình tĩnh; không để bệnh nhân tự đi lại; rửa sạch vết thương, bất động chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp (vì vận động sẽ làm cho nọc độc xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn), cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề; băng ép vết thương (trên một khớp) và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế.
Không may bị rắn cắn, không nên cố đi tìm thầy lang thuốc lá làm lãng phí “thời gian vàng” đi đến BV để được cứu chữa kịp thời. Vì nếu là rắn độc cắn, bệnh nhân cần dùng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu càng sớm càng tốt. Nếu chậm trễ có thể dẫn đến tử vong hoặc biến chứng nặng, điều trị lâu dài gây tốn kém và để lại di chứng như phải tháo khớp chi bị cắn...
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân cần phát quang bờ cây bụi rậm quanh nhà, không bắc giàn hoa, dây leo… ở sân trước nhà; trồng sả hoặc rắc bột lưu huỳnh quanh nhà là những biện pháp xua đuổi rắn nên áp dụng nhất là ở những vùng có nhiều rắn. Khi vào những nơi nghi có rắn, phải đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài, đi giày cao cổ...
Bài, ảnh: H.HOA