Giàu kinh nghiệm, tâm huyết với công tác Hội Phụ nữ là ấn tượng khi chúng tôi tiếp chuyện với chị Nguyễn Thị Kim Phượng - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ (CHPN) khu vực Thới Trinh, phường Phước Thới, quận Ô Môn. Những nỗ lực của chị đã góp phần xây dựng các phong trào, nổi bật là phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, ngày càng khởi sắc.
Chị Kim Phượng (bên trái) thăm mô hình “Tổ phụ nữ trồng rau an toàn”, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp hội viên tăng thu nhập.
Chúng tôi cùng chị Phượng đến thăm, tìm hiểu mô hình “Tổ phụ nữ trồng rau an toàn” do CHPN khu vực Thới Trinh thành lập năm 2017 và hiện có 12 thành viên. Ðây là mô hình “Dân vận khéo” mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, được UBND quận Ô Môn tặng giấy khen 2 năm liền (2019, 2020). Vừa thu hoạch cải xanh, cải ngọt, chị Nguyễn Thị Ngọc Thẫn, thành viên của Tổ phấn khởi nói: “Mấy ngày nay, thương lái mua cải các loại được giá 9.000 đồng/kg. Vụ này, trừ chi phí, tôi lãi hơn 6 triệu đồng sau 1 tháng trồng và chăm sóc cải. Mỗi năm, tôi trồng khoảng 10 vụ cải”. Vợ chồng chị Thẫn có 4 công đất, chủ yếu làm ruộng. Năm 2018, chị được vận động tham gia mô hình trồng rau an toàn. Chị Thẫn kể: “Cô Phượng vận động tôi cùng các chị em trong xóm tận dụng diện tích đất trống xung quanh nhà, cập sông để trồng các loại rau màu. Với khoảng 500m2 đất quanh nhà, tôi trồng cải xanh, cải ngọt. Tôi cũng được tập huấn khoa học, kỹ thuật chăm sóc rau màu, đặc biệt là sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn”. Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Lắm cũng nhờ trồng rau mà thu nhập ổn định, có điều kiện lo cho con ăn học. Chị Lắm kể: “Gia đình tôi ít đất sản xuất. Chồng là bảo vệ, còn tôi làm công nhân ở khu công nghiệp. Cô Phượng vận động gia đình tôi tận dụng đất trống xung quanh nhà chừng 400m2 để trồng rau màu, có thêm thu nhập. Hôm nào vợ chồng tôi bận tăng ca, cô Phượng phụ giúp tưới rau. Nhờ trồng rau màu, gia đình tôi có thêm khoản thu nhập 3 triệu đồng/tháng, phụ lo cho 2 con ăn học”.
Chị Kim Phượng tham gia công tác và làm Chi hội trưởng CHPN nhiều năm, am hiểu từng hoàn cảnh hội viên khó khăn. Chị Phượng kể: “Ðầu nhiệm kỳ 2016-2021, khu vực có 10 hộ hội viên phụ nữ nghèo. Ða số do chị em ít đất, thiếu vốn và kinh nghiệm sản xuất…”. Ðể giải quyết bài toán này, một mặt chị Phượng xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp điều kiện của chị em, mặt khác, chị thành lập tổ hùn vốn xoay vòng không tính lãi với 20 thành viên; duy trì, quản lý hiệu quả tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ 25 hội viên vay vốn chăn nuôi, mua bán nhỏ... Từ đó, nhiều chị vươn lên thoát nghèo, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Ðiển hình là trường hợp của chị Lê Thị Thu An. Chị An có nghề may nên sau khi lập gia đình, chị mở tiệm may. Tuy nhiên, do thiếu vốn, chị không có điều kiện đầu tư, chủ yếu phục vụ bà con lối xóm và sửa quần áo, thu nhập khá khiêm tốn. Năm 2017, chị được hỗ trợ vay 30 triệu đồng, cùng với việc may quần áo, chị An kinh doanh vải. Từ đó, đời sống được cải thiện. Hiện nay, chị An có thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Từ nỗ lực của chị Kim Phượng và CHPN, đến nay, khu vực không còn hội viên phụ nữ nghèo. Trong công tác, chị Kim Phượng được tặng nhiều giấy khen các cấp. Nhiều năm liền, tập thể CHPN khu vực Thới Trinh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác Hội và phong trào phụ nữ. Chia sẻ kinh nghiệm giúp thành công trong công tác, được hội viên tín nhiệm, chị Kim Phượng bộc bạch: “Cán bộ phải nêu gương, trước hết là nhiệt tình trong công tác; cư xử chuẩn mực trong gia đình, với bà con lối xóm; luôn gần gũi, hiểu được hoàn cảnh chị em hội viên. Tôi dành nhiều thời gian đến thăm hỏi gia đình hội viên; gặp gỡ, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của chị em, để có hướng giúp đỡ, đáp ứng nhu cầu, mong muốn chính đáng của hội viên…”. Chị Lê Diễm Thúy, Chủ tịch LHPN phường Phước Thới, quận Ô Môn nhận xét: “Chị Kim Phượng là cán bộ Hội có năng lực, tâm huyết, gắn bó với hội viên và được chị em tín nhiệm, yêu quý. CHPN khu vực Thới Trinh đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liền”.
Bài, ảnh: TÂM KHOA