Cuối năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố tổ chức ra mắt mô hình Câu lạc bộ (CLB) Nữ doanh nhân huyện Thới Lai. Đây là mô hình mới của Sở phối hợp triển khai nhằm mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực lao động việc làm, góp phần thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Dự án “Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020 của thành phố Cần Thơ”.
Lễ ra mắt mô hình CLB Nữ doanh nhân huyện Thới Lai cuối năm 2019.
Ảnh: Hội LHPN huyện Thới Lai cung cấp.
Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thới Lai, tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn huyện có 513 doanh nghiệp, trong đó có 70 doanh nghiệp do nữ quản lý; có 18 hợp tác xã, 368 tổ hợp tác. Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025 của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Kế hoạch thực hiện Đề án của Hội LHPN thành phố, các cấp Hội trong toàn huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia khởi nghiệp và quan tâm hỗ trợ chị em bằng nhiều hình thức: hỗ trợ về vốn, kiến thức, tham gia ngày hội việc làm, tiếp cận thông tin về khoa học kỹ thuật… Qua đó, đã tổng huy động các nguồn vốn trên 170 tỉ đồng, tiền gửi tiết kiệm tại các tổ Hội trên 10 tỉ đồng; hằng năm tư vấn giới thiệu việc làm 1.558 chị và dạy nghề 206 lao động nữ có việc làm thu nhập khá; thành lập 11 mô hình phát triển kinh tế, 3 tổ liên kết sản xuất kinh doanh có hiệu quả giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương, giúp gần 336 phụ nữ làm chủ hộ nghèo thoát nghèo. Tính đến nay, có 8 hội viên được công nhận là cá nhân tài chính vi mô tiêu biểu Citi-Việt Nam (CMA)…
Tuy nhiên, trong vấn đề khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh của phụ nữ vẫn còn thiếu sự kết nối giữa các đơn vị hỗ trợ, đặc biệt là về thông tin nhu cầu thực sự của các doanh nghiệp; việc huy động các nguồn vốn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất; chưa liên kết trong sản xuất để tiêu thụ nông sản, nhiều mặt hàng nông sản thiếu sức cạnh tranh, thu nhập của phụ nữ chưa tương xứng với công sức lao động,... Đời sống phụ nữ nông thôn còn nhiều khó khăn, đặc biệt ở các xã đông đồng bào dân tộc. Kết quả giúp phụ nữ giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nhiều hộ thoát nghèo nhưng còn gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, nguy cơ tái nghèo cao.
CLB Nữ doanh nhân huyện Thới Lai ra mắt nhằm tập hợp các nữ quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh giao lưu học hỏi, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm, hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh và trong các hoạt động xã hội. Qua đó, thúc đẩy, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nữ doanh nhân hoạt động có hiệu quả, thiết thực, đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển. Thông qua CLB, các nữ doanh nhân tăng cường đoàn kết, tương trợ nhau trong nghề nghiệp, trao đổi các kiến thức, kinh nghiệm về văn hóa, xã hội, kinh nghiệm điều hành sản xuất kinh doanh, các vấn đề về chăm sóc gia đình, giáo dục con cái... Từ đó, nâng cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong phát triển kinh tế, xây dựng hạnh phúc gia đình, tăng cường BĐG và góp phần phát triển địa phương...
Bước đầu ra mắt, CLB Nữ doanh nhân huyện Thới Lai có 13 thành viên, gồm các chị em là chủ doanh nghiệp trên địa bàn thuộc các ngành nghề kinh doanh: vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, xăng dầu, gạo, thuốc, văn phòng phẩm, trang trí nội thất, nhà trọ... Ban Chủ nhiệm CLB gồm 3 thành viên. Chị Nguyễn Thị Cẩm Hà, chủ doanh nghiệp xăng dầu Danh Hà ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai, chia sẻ: “Tham gia CLB, chị em chúng tôi được tuyên truyền nhiều kiến thức bổ ích, cần thiết; cũng là dịp để giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh, chăm sóc bản thân, các thành viên trong gia đình ngày một tốt hơn”.
Thời gian tới, CLB Nữ doanh nhân huyện Thới Lai tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho thành viên CLB về Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh; phát huy các hoạt động, phong trào của Hội phụ nữ gắn với hoạt động bình đẳng giới trên địa bàn huyện; tổ chức các chương trình giao lưu, xúc tiến thương mại trong và ngoài huyện nhằm tìm kiếm thị trường, giới thiệu đầu ra cho sản phẩm, tăng thu nhập cho lao động nữ. Đồng thời, tăng cường phối hợp các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ kiến thức, vốn, hỗ trợ trong đăng ký sản phẩm trí tuệ, thương hiệu; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về kinh doanh, sản xuất sạch, an toàn; kiến thức BĐG trong sản xuất kinh doanh hàng hóa thương mại và dịch vụ...
QUỲNH LAM