Thời gian qua, Hội LHPN huyện Cờ Đỏ làm tốt công tác tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế. Thực hiện đúng quy định các khâu bình xét, kiểm tra, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, qua đó, Hội góp phần giúp nhiều chị em có việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Lao động gia công sản phẩm đan dây nhựa tại Tổ hợp tác đan dây nhựa ấp 3, xã Thới Hưng.
Theo chị Nguyễn Ngọc Thẩm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cờ Đỏ, đến nay, tính riêng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), Hội đã nhận ủy thác dư nợ khoản 167 tỉ đồng. Ngoài ra, Hội ký thỏa ước, triển khai vốn vay với Ngân hàng Đông Á, Nam Á và Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, với số dư nợ hiện tại trên 4 tỉ đồng. Trong đó, Quỹ phụ nữ phát triển kinh tế có 359 thành viên vay vốn, số tiền 1,238 tỉ đồng; Ngân hàng Đông Á có 53 hộ hội viên vay số tiền 1,060 tỉ đồng; Ngân hàng Nam Á có 55 hộ hội viên vay số tiền 2,59 tỉ đồng. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong hội viên phụ nữ ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và mua bán nhỏ. Bên cạnh đó, nhiều mô hình nghề nghiệp như: đan lục bình, đan dây nhựa, may gia công, sản xuất dưa chua, cơm rượu,… được hình thành, duy trì và ngày càng phát huy hiệu quả.
Không khí lao động của các thành viên Tổ hợp tác đan dây nhựa ở ấp 3, xã Thới Hưng những ngày này luôn tất bật, rộn ràng. Chị Nguyễn Thị Bích Lệ, Tổ trưởng Tổ hợp tác, cho biết: “Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 8 nhân công lao động thường xuyên tại cơ sở, khoảng 100 nhân công nhận hàng về gia công tại nhà. Được như vậy là nhờ các cấp Hội LHPN phối hợp mở lớp đào tạo nghề và hỗ trợ vốn vay đúng lúc”.
Cũng nhờ vào nguồn vốn vay ưu đãi do Hội LHPN xã giới thiệu, chị Hà Thị Trinh và Quách Ngọc Hạnh, cũng ngụ ấp 3, xã Thới Hưng có điều kiện cho con ăn học và đầu tư phát triển mô hình vườn cây ăn trái. Chị Trinh dẫn chúng tôi tham quan vườn xoài của gia đình đang mùa đơm bông. Chị cho biết: “Nhờ có nguồn vốn vay từ chương trình cho vay học sinh sinh viên của NHCSXH, tôi yên tâm lo cho con ăn học. Nay, con trai đã tốt nghiệp cao đẳng nghề, đi làm, kiếm được thu nhập. Năm 2018, tôi còn được vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Nam Á để đầu tư chăm sóc vườn xoài. Bên cạnh 400 gốc xoài các loại đã cho trái, vợ chồng tôi còn mua được thêm mấy trăm gốc xoài lá của các hộ xung quanh để chăm sóc, hy vọng đón vụ mùa bội thu trong vài tháng tới”.
Còn chị Quách Ngọc Hạnh chia sẻ: “Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH tiếp sức kịp thời, có thể tôi đã phải bán một mảnh vườn để có tiền cho con đi học”. Con gái chị Hạnh thi đậu đại học năm 2017, cùng lúc đó, vợ chồng chị đang chuyển đổi mô hình kinh tế từ ruộng sang vườn, thiếu hụt đủ thứ từ tiền cho con đi học, tiền mua cây giống, phân thuốc, máy móc, dụng cụ làm vườn,… Chị Hạnh và con gái được bình xét cho vay chương trình vay vốn học sinh sinh viên, giải ngân trong năm 2017 và 2018 với tổng số tiền 30 triệu đồng. Đến 2019, chị tiếp tục được hỗ trợ vay vốn chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH với số tiền 45 triệu đồng. Chị Hạnh phấn khởi giới thiệu vườn nhà với 700 gốc bưởi và 350 gốc chanh, dự kiến cho trái vào vụ Tết 2021. Bên cạnh đó là mấy trăm gốc chuối các loại được chị trồng xen để lấy ngắn nuôi dài. Chị Hạnh tự tin cho biết: “Tôi luôn hoàn thành nghĩa vụ đóng lãi và tiết kiệm đúng hạn. Tôi đặt mục tiêu trong năm 2021 sẽ trả hết số nợ vay này”.
Chị Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ, cho biết: “Cuối tháng 8, Thành hội có tổ chức kiểm tra, giám sát mô hình sau đào tạo nghề “Đan lục bình” và hiệu quả các nguồn vốn vay trên địa bàn huyện Cờ Đỏ. Trong đó, mô hình đan lục bình từng được Trung ương Hội hỗ trợ 110 triệu đồng, hiện đang duy trì hoạt động rất hiệu quả với số lượng thành viên ổn định khoảng 30 chị em. Tin vui là mô hình này đã được chọn nâng chất thành Hợp tác xã, dự kiến ra mắt trong tháng 9-2020. Còn về tình hình triển khai các nguồn vốn vay ưu đãi, nhìn chung, đa số các chị em hội viên, phụ nữ có mô hình kinh tế rõ ràng, sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn số ít hộ vay chậm đóng lãi và tiết kiệm theo quy định. Thời gian tới, Hội LHPN thành phố tiếp tục quan tâm nhắc nhở để các huyện hội và hội cơ sở làm tốt hơn nữa khâu quản lý vốn vay, nhằm nâng cao chất lượng tín dụng các chương trình tín dụng ưu đãi. Qua đó, góp phần giúp tăng tính bền vững của hiệu quả tạo việc làm và phát triển kinh tế trong hội viên phụ nữ”.
Bài, ảnh: MỸ TÚ