Xác định việc thực hiện bình đẳng giới (BĐG) góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình và tiến bộ xã hội, hằng năm, Thường trực Ban vì sự tiến bộ (VSTB) của phụ nữ TP Cần Thơ chủ động tham mưu UBND TP Cần Thơ ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) của thành phố. Qua đó, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức chính trị- xã hội nghề nghiệp... trên địa bàn TP Cần Thơ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền; mở rộng hình thức truyền thông nâng cao nhận thức về BĐG phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng, địa bàn dân cư...
Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ,
Phó trưởng Ban Thường trực Ban VSTB của phụ nữ thành phố
trao giấy khen cho các đơn vị thực hiện tốt công tác BĐG và VSTB của phụ nữ. Ảnh: X.ĐÀO
Thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành đã tổ chức hội thi, hội thảo, thí điểm lồng ghép nội dung về BĐG vào các buổi sinh hoạt tại Câu lạc bộ, xã, phường, thị trấn và trong trường học, doanh nghiệp, khu công nghiệp tại một số địa phương; xây dựng, duy trì và phát triển đa dạng các chương trình, sản phẩm truyền thông về BĐG trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; tổ chức các chiến dịch truyền thông thu hút nam giới và trẻ em trai tham gia thúc đẩy BĐG. Đồng thời, tổ chức xây dựng, thực hiện các mô hình tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thúc đẩy BĐG trong những lĩnh vực có nguy cơ bất BĐG cao; tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình “Hỗ trợ xã, phường xây dựng, sửa đổi quy ước đảm bảo các nguyên tắc BĐG” tại các quận Ninh Kiều, Bình Thủy và các huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh. Tiếp tục triển khai thực hiện mô hình “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” tại xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ; xây dựng mô hình “Câu lạc bộ (CLB) nữ công nhân nhà trọ” tại khu công nghiệp và chế xuất Cần Thơ; Trung tâm Công tác xã hội TP Cần Thơ thực hiện cung cấp dịch vụ về BĐG; tổ chức thực hiện Đề án Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố.
Trong năm 2017, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ phối hợp tốt với các sở, ngành thành phố tổ chức nhiều hoạt động thiết thực triển khai Luật BĐG, Chiến lược và Chương trình quốc gia về BĐG. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch liên tịch về việc tuyên truyền công tác BĐG. Cùng với đó, Ban VSTB của phụ nữ thành phố đã phối hợp với ngành y tế tăng cường công tác tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng thực hiện BĐG trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đồng thời phối hợp với Sở Tư pháp triển khai lồng ghép Luật BĐG và VSTB của phụ nữ trong hoạt động của Sở; phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch thực hiện mô hình hỗ trợ xã, phường xây dựng, sửa đổi quy ước đảm bảo nguyên tắc BĐG; phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình đào tạo cán bộ, công chức, viên chức trong đó có cán bộ nữ ở các sở, ngành, các quận, huyện và xã, phường, thị trấn trong diện quy hoạch nguồn đến năm 2020 của thành phố.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố đã chủ động xây dựng các mô hình: CLB “Phòng chống bạo lực gia đình”, CLB “Gia đình hạnh phúc”, CLB “Không sinh con thứ 3 trở lên”, CLB “Phòng chống bạo lực, mua bán phụ nữ và trẻ em”, CLB “phụ nữ tham gia phòng, chống tội phạm”, CLB Hữu nghị thân nhân kiều bào Hàn Quốc”; mô hình phụ nữ dân tộc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với phát triển kinh tế gia đình”, mô hình “Quán cà phê pháp luật”... Bà Diệp Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ, cho biết: “Các cấp Hội còn tích cực chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần; hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ đã tác động mạnh đến nhận thức, thái độ, hành vi của nhân dân và cộng đồng đối với phụ nữ và trẻ em... Một số ngành nghề và lĩnh vực trước đây tỷ lệ nữ tham gia ít, nhưng từng bước có nữ giới tham gia nhiều như: quân sự, công an, vệ sĩ nữ, tài xế taxi nữ và một số lĩnh vực xây dựng...”.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động VSTB của phụ nữ, bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, Phó trưởng Ban Thường trực Ban VSTB của phụ nữ thành phố, kiến nghị thành phố cần có chính sách cụ thể liên quan đến yếu tố nữ trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu của thành phố; bổ sung biên chế chuyên trách thực hiện công tác BĐG và VSTB của phụ nữ; bố trí đủ kinh phí để triển khai kế hoạch thực hiện chiến lược, chương trình hành động quốc gia về BĐG của thành phố nói chung và tổ chức nhân rộng, duy trì mô hình “Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” và mô hình “Hỗ trợ xã, phường đảm bảo Quy tắc BĐG”. Đối với Ủy ban Quốc gia VSTB của phụ nữ Việt Nam, tổ chức các đợt tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước về các sáng kiến hay, mô hình hiệu quả về BĐG và VSTB của phụ nữ để vừa phù hợp với Nghị quyết hội nhập Quốc tế, vừa tăng cường kiến thức giao lưu, học tập kinh nghiệm áp dụng cho địa phương; hỗ trợ kinh phí để duy trì, nhân rộng và xây dựng mô hình mới về BĐG tại địa phương; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác BĐG và VSTB của phụ nữ cho cán bộ phụ trách công tác BĐG và VSTB của phụ nữ các cấp”.
X.ĐÀO