Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm

13:28 - 26/07/2018

Ban Chỉ đạo Liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố vừa sơ kết công tác ATTP 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2018. Tại hội nghị, các ngành chức năng thành phố đã đề xuất các giải pháp tăng cường công tác quản lý, đảm bảo ATTP và không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm trong những tháng cuối năm.

Để đảm bảo ATTP, ngành Nông nghiệp cần đảm bảo sản xuất phải an toàn. 

Tăng cường thanh tra, kiểm tra vệ sinh ATTP

Theo Ban Chỉ đạo Liên ngành về vệ sinh ATTP thành phố, thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo đã sớm xây dựng kế hoạch triển khai công tác đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2018, cũng như kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì ATTP năm 2018”, chỉ đạo các địa phương thực hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra của đoàn liên ngành từ tuyến thành phố đến quận, huyện và cơ sở hoạt động theo kế hoạch đề ra; thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh có trọng tâm, trọng điểm. Đa số chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều được phổ biến các văn bản pháp luật, chấp hành tốt các quy định về điều kiện đảm bảo ATTP…

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, ngành Y tế đã tiến hành thanh tra và kiểm tra 4.657 cơ sở, trong đó có 93 cơ sở vi phạm bị xử phạt với tổng số tiền hơn 355,8 triệu đồng. Ngành Nông nghiệp tổ chức kiểm tra 485 cơ sở, có 225 cơ sở đạt và còn lại bị xử phạt với số tiền hơn 768 triệu đồng. Ngành Công thương tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm 34 trường hợp có liên quan đến ATTP, với số tiền hơn 530 triệu đồng. Công an thành phố tổ chức kiểm tra 96 vụ, xử phạt hành chính 88 vụ, số tiền xử phạt hơn 1,15 tỉ đồng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra 25 cơ sở lưu trú và vườn du lịch, xử phạt 1 cơ sở với số tiền 15 triệu đồng.

Về quản lý ATTP trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm, ngành Y tế cấp giấy đủ điều kiện ATTP cho cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống: thành phố đã cấp cho 309 cơ sở, các địa phương cấp cho 1.365 cơ sở; cấp giấy đủ điều kiện ATTP cho 278 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nước uống đóng chai… Ngành Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 593 cơ sở, 2 giấy chứng nhận cho cơ sở sản xuất rượu quy mô công nghiệp và 11 cơ sở sản xuất rượu thủ công… Ngành Nông nghiệp cấp 64 giấy chứng nhận đủ điều kiện cho cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuộc lĩnh vực nông lâm thủy sản.

Bên cạnh những mặt làm được, Ban Chỉ đạo Liên ngành về vệ sinh ATTP thành phố cũng đánh giá công tác quản lý ATTP trong thời gian qua cũng còn những khó khăn, tồn tại. Đó là, qua kiểm tra thực tế một số cơ sở chưa thực hiện và duy trì thường xuyên về công tác đảm bảo ATTP như: điều kiện trang thiết bị dụng cụ bảo quản thực phẩm chưa đầy đủ, điều kiện về con người (khám sức khỏe định kỳ, xác nhận kiến thức về ATTP…). Ngoài ra, phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thiết bị thủ công không đồng bộ, quy trình chế biến vận hành chưa tuân thủ theo nguyên tắc một chiều, một số cơ sở chưa tách khu vực bảo quản nguyên liệu và thành phẩm riêng biệt… Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất rượu thủ công tại địa phương còn hạn chế, vẫn chưa được kiểm tra thường xuyên; quản lý ATTP đối với rau, củ, quả và thịt tươi sống tại các chợ truyền thống gặp rất nhiều khó khăn do phần lớn không truy xuất được nguồn gốc, vì các tiểu thương mua bán nhỏ lẻ và không có hợp đồng, hóa đơn chứng từ rõ ràng. Thức ăn đường phố vẫn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là nhiễm vi sinh vật…

Quản lý ATTP: Cần giải pháp căn cơ!

Ngành Công thương được xác định là 1 trong 3 ngành có vai trò quan trọng trong quản lý ATTP trên địa bàn thành phố. Ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Ngành Công thương thực hiện quản lý cơ sở sản xuất thực phẩm và thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên địa bàn thành phố. Theo quy định, những cơ sở sản xuất gần trọn chuỗi và sản lượng lớn thì ngành Công thương mới thực hiện việc kiểm tra và cấp giấy phép đảm bảo ATTP. Còn đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thực hiện công đoạn sản xuất ngắn thì không phải thực hiện kiểm tra và cấp giấy phép; nhưng về quản lý ngành có yêu cầu cơ sở sản xuất tự đăng ký chất lượng theo các tiêu chuẩn quy định của Nhà nước, ngành Công thương thực hiện hậu kiểm, nếu có sai sót sẽ xử lý theo quy định pháp luật…

Cũng theo ông Dương Nghĩa Hiệp, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường thường xuyên phối hợp các ngành có liên quan để thực hiện kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên đường, tại các cơ sở mua bán (tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, hộ dân…). Thời gian tới, ngành Công thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành và các địa phương tăng cường công tác quản lý ATTP.

Bà Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y Tế TP Cần Thơ, cho biết: Tới đây, ngành sẽ tập trung tuyên truyền đảm bảo ATTP, các chuyên đề về ATTP; tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất nước đóng chai và nước đá; quản lý ATTP đối với thức ăn đường phố… Mô hình điểm về thức ăn đường phố sẽ chọn làm thí điểm tại 9 quận, huyện, sau đó mới nhân rộng ra; địa điểm cụ thể gồm: phố chợ hàng rong Tân An (Ninh Kiều), chợ đêm An Thới (Bình Thủy), đường Trần Chiên (Cái Răng), đường Lê Thị Tạo (Thốt Nốt), đường 26-3 (Ô Môn), ấp Thới Thuận (thị trấn Thới Lai), chợ xã Trung An (Cờ Đỏ), trung tâm thương mại (của huyện Vĩnh Thạnh), đường Phan Văn Trị (Phong Điền)…

Tại Hội nghị sơ kết công tác ATTP 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống nhấn mạnh: Qua 6 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố không xảy ra sự cố về vệ sinh ATTP. Quản lý ATTP cần giải pháp căn cơ; ngành Nông nghiệp đảm bảo sản xuất phải an toàn, ngành Công thương đảm bảo bảo quản và phân phối an toàn, ngành Y tế tuyên truyền hướng dẫn người dân lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn.

Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành và địa phương trong thời gian tới tăng cường các nhiệm vụ trọng tâm: có biện pháp thích hợp xử lý các tồn tại, khó khăn; làm tốt công tác tuyên truyền về vấn đề ATTP trong cả 3 khâu sản xuất, bảo quản và phân phối, sử dụng thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm mục đích chính là loại bỏ sản xuất, bảo quản và phân phối, sử dụng thực phẩm không an toàn và đồng thời nâng cao ý thức người dân về ATTP. Thường trực Ban Chỉ đạo Liên ngành về vệ sinh ATTP thành phố phải chỉ đạo công việc triển khai thực hiện, kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện đảm bảo ATTP trong 6 tháng cuối năm.

Theo http://baocantho.com.vn/Bài, ảnh: ANH KHOA

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69161

Hôm nay:
6
Tháng này:
571
Tổng lượt truy cập:
69161