Nhiều phụ huynh than phiền con mình hay nói dối hoặc nói ngược sự thật. Thông thường lúc đầu chỉ là những câu nói bông đùa, vô hại… Tuy nhiên, nếu phụ huynh không kịp thời phát hiện, uốn nắn, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thói quen và hình thành nhân cách trẻ sau này…
Anh Thanh Tân (quận Bình Thủy) kể: “Con trai tôi rất hiếu động, ưa nghịch phá vì vậy chân tay cháu thường xuyên trầy trụa. Vậy mà lần nào cha mẹ hỏi, bé cũng òa lên khóc, méc rằng bị cô giáo đánh hoặc bạn bè xô ngã… Sau nhiều lần để ý, vợ chồng tôi phát hiện con mình nói dối. Thế nhưng do bé còn quá nhỏ, chưa hiểu chuyện nên tôi cũng chưa có biện pháp nào để giáo dục hiệu quả”.
Qua những trò chơi, sinh hoạt hằng ngày, các bậc phụ huynh cần lồng ghép dạy con tính trung thực. Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: Q.LAM
Cũng theo anh Tân, con trai 5 tuổi của anh còn hay “bịa chuyện” để mè nheo, đòi hỏi cha mẹ chiều ý mình. Có lần, bé còn than bị bệnh nóng ho, khó chịu trong người, đòi cha chở đi bác sĩ khám bệnh. Thế nhưng, khi đi ngang cửa hàng bán gà rán, bé nằng nặc kêu cha ghé vào mua rồi đem về nhà ăn, vì bé đã hết bệnh. Nghe vậy, anh Tân chỉ còn biết bật cười vì chiêu trò của con. Tuy vẫn ghé lại mua gà rán cho con nhưng khi về nhà, anh Tân nhẹ nhàng phân tích để con hiểu việc làm “chưa đúng” và không tái phạm nữa.
Tương tự, chị H. (quận Ninh Kiều) chia sẻ: “Trước đây, con tôi hay nói dối mỗi khi bị điểm kém và thường giấu kín chuyện riêng tư. Một lần tình cờ tôi phát hiện con gái tôi thường xuyên tâm sự với người chị họ, bởi mẹ nghiêm khắc và yêu cầu quá cao nên con sợ, không dám thố lộ… Từ đó, con sinh ra tật nói dối và dần dà giấu hết mọi chuyện”. Trong trường hợp này, chính sự không gần gũi, tìm hiểu thấu đáo mọi việc, mà các bậc phụ huynh để mất cơ hội lắng nghe những chia sẻ, tâm tư của con cái. “Bên cạnh kiềm bớt tính nóng nảy, nhẹ nhàng trong cư xử, tôi dành nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ với con nhiều hơn. Qua những lần mẹ con tâm sự, tôi khéo léo lồng vào những sự kiện, tình huống đề cao tính trung thực. Từ đó, giúp con thấy được giá trị, ý nghĩa của tính trung thực cũng như sự can đảm dám đương đầu trước khó khăn, dối diện sự thật…” - chị H. nhấn mạnh.
Chia sẻ vấn đề này, nhiều phụ huynh cho rằng, để dạy con tính trung trực không đơn giản và cần có quá trình trau dồi, rèn luyện lâu dài, thường xuyên. Một trong những cách hữu hiệu là ông bà, cha mẹ, người lớn trong gia đình phải nêu gương. Không chỉ người lớn nêu cao tính trung thực trong lời nói, hành động, đặc biệt là thái độ kiên quyết, không thỏa hiệp với cái xấu, cái sai trong xã hội. Qua đó, giúp trẻ củng cố niềm tin về tính trung thực, kiên trì xây dựng và hình thành những giá trị sống tốt đẹp.
Đan Như