Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu kali

00:00 - 25/02/2019

Trong số các khoáng chất thiết yếu đối với hoạt động của cơ thể con người, kali đóng vai trò chất điện giải hỗ trợ quá trình truyền các tín hiệu thần kinh quan trọng đến tế bào. Ngoài chức năng duy trì sự cân bằng giúp thần kinh và cơ bắp hoạt động bình thường, kali còn thúc đẩy quá trình hydrat hóa, ổn định huyết áp và tái tạo các mô bị tổn thương.

Chế độ ăn bổ sung đầy đủ kali giúp mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Ảnh: Shutterstock

Nguyên nhân thiếu kali

Theo các chuyên gia sức khỏe, thiếu hụt kali hay còn gọi hạ kali máu có thể cản trở hoạt động cơ thể theo nhiều cách khác nhau, ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng cuộc sống nếu không cải thiện kịp thời. Nguyên nhân thường là do sử dụng các loại thuốc lợi tiểu trong điều trị bệnh cao huyết áp và bệnh tim dẫn đến tăng hàm lượng kali bị bài tiết ra nước tiểu. Thiếu kali cũng có thể là hậu quả của nôn mửa, tiêu chảy và đổ mồ hôi quá mức.

Ngoài lối sống, các yếu tố khác dẫn đến thiếu hụt kali còn bao gồm thiếu axít folic và tình trạng sức khỏe như suy tim sung huyết, bệnh thận mãn tính, nhiễm toan ceton do tiểu đường và hội chứng Conn - tình trạng dư thừa aldosteron làm cơ thể giữ natri, kết quả gây ra tích lũy muối và nước dẫn đến tăng huyết áp.

Tuy các triệu chứng thiếu hụt kali có thể nhẹ, nhưng mọi người cần nắm rõ để có hành động phòng ngừa.

Triệu chứng

+ Yếu và mệt mỏi: đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy chúng ta không bổ sung kali đầy đủ cho hoạt động cần thiết của cơ thể. Lý do là vì hàm lượng kali thấp khiến cơ bắp bị yếu và ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng những chất dinh dưỡng khác. Hệ quả là chúng ta ngày càng mệt mỏi và trở nên yếu hơn.

+ Chuột rút: các cơn co thắt xuất hiện đột ngột, không kiểm soát được ở các cơ là một trong những triệu chứng dễ nhận biết nhất khi cơ thể thiếu kali - khoáng chất quan trọng hỗ trợ truyền tín hiệu thần kinh kích thích sự co cơ. Thiếu kali khiến quá trình này bị ảnh hưởng dẫn đến tần suất các cơn co thắt kéo dài mà cuối cùng gây chuột rút cơ bắp.

+ Gặp vấn đề về tiêu hóa: các tín hiệu mà kali giúp chuyển tiếp từ não bộ đến hệ tiêu hóa giúp kích thích và đẩy nhanh tiêu hóa thức ăn. Việc không bổ sung đầy đủ khoáng chất này khiến các cơn co thắt trở nên yếu đi, có thể gây các vấn đề như đầy hơi, táo bón.

+ Đánh trống ngực: Tim đập nhanh có thể do lo lắng, căng thẳng hoặc thiếu kali vì khoáng chất này có chức năng điều hòa nhịp tim. Nồng độ kali trong và ngoài tế bào tim bị thiếu hụt làm thay đổi các cơn co thắt, khiến nhịp tim trở nên bất thường dẫn đến đánh trống ngực. Triệu chứng thứ phát của tim đập nhanh còn bao gồm hiện tượng tai ù hoặc có cảm giác rung.

+ Tê ngứa: người thiếu kali thường bị tê, ngứa ran ở tay, cánh tay, chân và bàn chân. Nguyên nhân là do nồng độ kali thấp làm suy yếu tín hiệu thần kinh.

+ Sương mù não: thiếu kali làm ảnh hưởng đến hoạt động điện não bình thường dẫn đến tình trạng não bộ không thể tập trung, suy nghĩ rõ ràng và phản ứng chậm chạp.

+ Khát nước và đi tiểu thường xuyên: giảm nồng độ kali thường đi kèm tình trạng giảm hàm lượng natri, ảnh hưởng chức năng trữ nước của thận. Điều này khiến người bệnh đi tiểu nhiều và cảm thấy khát thường xuyên.

+Chóng mặt: nồng độ kali thấp dẫn đến mất cân bằng nước và điện giải, không chỉ ảnh hưởng huyết áp, nhịp tim mà còn tác động đến cách tế bào thần kinh cơ giải phóng năng lượng. Do đó, nếu bạn bị chóng mặt hoặc ngất xỉu khi làm việc thì nguyên nhân có thể do lượng kali giảm xuống.

Giải pháp

Tỷ lệ kali cần thiết ở người trưởng thành là khoảng 45 milimol (mmol)/kg trọng lượng cơ thể. Để tăng hấp thụ kali, nên dùng thức uống điện giải như nước muối, nước dừa, nước cam và tiêu thụ một số loại thực phẩm như chuối, nấm, khoai tây, nho khô, đậu lăng, quả mơ, các loại quả và hạt khô (hạnh nhân, hạt dẻ…), cà chua, bơ, ca cao và cải bó xôi.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Health Sites)

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

68872

Hôm nay:
22
Tháng này:
282
Tổng lượt truy cập:
68872