Đó là nhận định của đại diện ngành, đoàn thể chức năng về hiệu quả nghề đan dây nhựa được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ tổ chức giảng dạy tại các xã, phường, thị trấn các năm qua. Người lao động tranh thủ thời gian nhàn rỗi học nghề, nhận nguyên liệu gia công sản phẩm: bàn, ghế, giỏ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất...
Nghề phù hợp, thiết thực
Đến xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, đúng dịp chị em tập trung thành phẩm ghế dựa, chuẩn bị giao cho doanh nghiệp ở quận Thốt Nốt và nhận nguyên liệu khác. Hầu hết chị em rất phấn khởi vì sau khi tham gia học nghề, có việc làm và thu nhập ngay khi giao sản phẩm. Bà Cao Thị Nga, học viên lớp nghề đan dây nhựa năm 2018, cho biết: “Chúng tôi được hướng dẫn đan mặt bàn, chân bàn, ghế dựa các loại. Cô giáo dạy dễ hiểu, dễ nhớ; càng học, càng thích thú. Sau 20 ngày, chúng tôi có thể gia công sản phẩm đạt yêu cầu, có thu nhập trong thời gian học nghề”. Chị Phạm Ngọc Thương, học viên lớp nghề đan dây nhựa năm 2017, vui vẻ nói: “Tôi học và gia công sản phẩm bằng dây nhựa gần 2 năm, giờ mặt hàng nào tôi cũng làm được. Mỗi ngày, tôi thức sớm, tranh thủ ra ruộng, dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, rồi đan sản phẩm. Hiện tôi đan mỗi ngày 2 ghế dựa, tiền công 76.000 đồng”.
Phụ nữ xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ đan sản phẩm ghế bằng dây nhựa. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Lớp đan dây nhựa xã Trung Thạnh vừa kết thúc, hầu hết học viên có thu nhập qua gia công sản phẩm mặt bàn, với giá 14.000 đồng/cái. Chị Nguyễn Vi Kim Thu, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Thạnh Phước 2, phấn khởi cho biết: “Chị em vừa giao đợt hàng mặt bàn, chuẩn bị nhận nguyên liệu khác. Nghề này dễ học, dễ làm, phù hợp điều kiện gia đình. Ai cũng có thu nhập theo sản phẩm nên rất phấn khởi và mong muốn việc làm được duy trì lâu dài, ổn định, sử dụng hết thời gian nông nhàn”. Theo chị Kim Thu, các năm trước, chị em tham gia học nghề kết cườm, may gia dụng… nhưng việc làm, thu nhập không ổn định như nghề đan dây nhựa.
Theo ông Võ Minh Chính, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Cờ Đỏ, năm 2016, huyện mở lớp nghề cho 35 lao động và xây dựng mô hình đan dây nhựa tại xã Thới Hưng, rồi nhân rộng tại xã Thạnh Phú, thu hút nhiều lao động học và làm nghề. Năm 2017, huyện mở 9 lớp nghề đan dây nhựa ở các xã, thị trấn, với 215 lao động và năm 2018, có 5 lớp nghề đan dây nhựa, với 175 lao động. Qua khảo sát, hiện thu nhập theo sản phẩm từ nghề này dao động từ 1,4 – 2,4 triệu đồng/người/tháng. Hiện xã Trường Thắng (huyện Thới Lai) duy trì mô hình đan giỏ nhựa, với thu nhập thường xuyên từ 1,9 – 2,1 triệu đồng/người/tháng.
Đảm bảo lâu dài, bền vững
Quá trình tổ chức thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thành phố chủ trương, khuyến khích các địa phương chủ động tìm kiếm, liên kết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia dạy nghề gắn với giải quyết việc làm (GQVL), thêm thu nhập cho người lao động. Trong đó, nghề đan dây nhựa phù hợp điều kiện, sở thích, nhu cầu của đa số lao động, nhất là góp phần GQVL tại chỗ cho phụ nữ trung niên và truyền nghề các thành viên trong gia đình. Hiện, các quận, huyện: Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Vĩnh Thạnh cũng đăng ký mở nhiều lớp nghề này theo nhu cầu của lao động.
Theo Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, năm 2017, thành phố mở 14 lớp nghề và năm 2018, mở gần 30 lớp nghề đan dây nhựa. Ông Đào Minh Lợi, Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH thành phố, nhận định: “Giải quyết nhu cầu mở lớp đan dây nhựa tại các quận, huyện, thành phố đảm bảo thực hiện nguyên tắc “tổ chức dạy nghề cho lao động khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập sau khi học nghề”. Đồng thời, các đơn vị đào tạo phối hợp với ngành, đoàn thể địa phương thành lập các tổ, nhóm nghề, gắn kết uy tín trách nhiệm các thành viên trong ký kết hợp đồng giao dịch cung cấp sản phẩm gia công cho doanh nghiệp”. Hiện người lao động các quận, huyện gia công các mặt hàng dây nhựa cho Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) Hồng – Hào (huyện Thới Lai), DNTN TCMN Mỹ Hà (quận Thốt Nốt). Ông Trần Công Hào, chủ Cơ sở sản xuất hàng TCMN Hồng – Hào, chia sẻ: “Nghề này dễ học, dễ làm và GQVL hiệu quả cho lao động nhàn rỗi. Người lao động muốn phát triển nghề này cần tính chịu khó, tỉ mỉ và chấp nhận mức thu nhập tùy tay nghề. Hiện cơ sở phối hợp ngành chức năng các quận, huyện trong thành phố dạy nghề đan giỏ nhựa và cung cấp nguyên liệu để người lao động gia công, thu nhập theo sản phẩm. Mặt hàng này đang tiêu thụ mạnh ở các tỉnh, thành nên rất cần nguồn nhân công sản xuất. Cơ sở phối hợp Sở Công Thương thành phố tổ chức các lớp nghề đan dây nhựa nâng cao ngắn hạn, sản xuất mặt hàng giỏ nhựa thời trang, vật dụng khác...vừa đáp ứng thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng, vừa nâng mức thu nhập cho lao động”.
Ông Đào Minh Lợi cho biết, bên cạnh tăng cường kiểm tra, khảo sát hiệu quả nghề đan dây nhựa để có kế hoạch nhân rộng mô hình và xây dựng làng nghề, thành phố tiếp tục chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH quận, huyện phối hợp đơn vị đào tạo mở rộng liên kết thêm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để đảm bảo nguồn hàng, việc làm, thu nhập bền vững cho người lao động. Đồng thời, tuyển chọn cũng như tạo điều kiện để người lao động tham gia lớp nghề đan dây nhựa nâng cao để có thể phát huy tay nghề.
Theo http://baocantho.com.vn/ANH PHƯƠNG