Đang vào mùa cao điểm thi cử, tâm trạng chung của các bậc phụ huynh là mong muốn con em đạt thứ hạng cao trong học tập. Tuy nhiên, phụ huynh không nên vì sự kỳ vọng của mình mà tạo áp lực cho con trẻ.
Chị Ánh Hương cùng con ôn bài. Ảnh: TÂM AN
Cùng con đặt mục tiêu
Chị Võ Thị Thủy Tiên, ngụ phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Con tôi đang học lớp 9. Hổm rày, con đã bắt đầu thi học kỳ 2, đến giữa tháng 5 thì xong. Đầu tháng 6 lại tiếp tục thi 3 môn để tuyển sinh vào lớp 10. Tôi và con cùng thống nhất đặt mục tiêu trúng tuyển vào trường THPT gần nhà, chất lượng giảng dạy tốt và điều kiện đi lại thuận lợi hơn. Thấy con học nhiều, có những ngày học đến hơn 22 giờ vẫn chưa đi ngủ, mệt mỏi và căng thẳng, tôi cũng lo lắng lây”.
Chị Phạm Thị Thanh Thuận, cũng ở quận Ninh Kiều, có con đang học năm cuối THPT. Để giúp con chuẩn bị thật tốt kỳ thi THPT Quốc gia, chị tìm hiểu và ủng hộ con tham gia các buổi học thêm, rèn kiến thức những môn học con chưa tự tin. Chị Thuận chia sẻ: “Ngày trước, vì điều kiện kinh tế khó khăn, tôi không được đi học đến nơi đến chốn. Tôi luôn tâm niệm phải lo cho con mình được học hành tử tế. Tôi rất kỳ vọng con sẽ đỗ vào Trường Đại học Cần Thơ. Tôi đã hứa sẽ tặng cho con một món quà mà con thích nếu thực hiện được mục tiêu này”.
Để đảm bảo con học hành nghiêm túc, chị Tường Oanh, ngụ phường An Cư, quản lý thời khóa biểu học tập của con thật chặt chẽ. Chị luôn để tâm nhắc nhở con ngồi vào bàn học đúng giờ, dành thời gian ôn tập các môn học còn yếu. Ba chồng của chị cũng quan tâm, hỗ trợ, tìm kiếm các bài tập Anh văn cho cháu nội làm.
Trong bối cảnh thi cử căng thẳng và đầy áp lực, nếu phụ huynh không có phương pháp động viên phù hợp, đặt ra mục tiêu vượt quá khả năng của con, sẽ gây tác dụng ngược, tạo thêm áp lực và dễ làm các em hụt hẫng nếu không đạt được kết quả như mong muốn.
Tôn trọng và đồng hành cùng con trẻ
Phụ huynh nào cũng đặt kỳ vọng vào con em mình. Tuy nhiên, thể hiện sự kỳ vọng đó như thế nào là vấn đề cần bàn.
Chị Nguyễn Thị Ánh Hương có con gái học lớp 4. Chị luôn giữ mối liên hệ với giáo viên chủ nhiệm, nắm bắt tình hình học tập, hiểu năng lực của con để có cách động viên con hợp lý. Ngoài giờ học trên lớp, con muốn học thêm môn học nào, chị để con tự lựa chọn và cân nhắc. Chị không đặt tiêu chí nhất thiết con phải đạt học sinh xuất sắc hay học sinh giỏi vì như thế sẽ tạo áp lực quá nhiều đối với con. Chị Hương chú trọng tìm hiểu, đánh giá năng lực và những ưu, khuyết điểm của con để tìm cách cùng con khắc phục dần khuyết điểm, từ đó học tập ngày một tốt hơn. Chị Hương cho biết: “Lễ 30-4 và 1-5 sắp tới, con gái bước vào kỳ thi học kỳ 2. Vì vậy, trong kỳ nghỉ này, tôi dự định không đi đâu chơi, để con có thời gian ôn tập bài vở. Tuy nhiên, tôi sẽ giúp con giữ tâm lý thoải mái bằng cách rủ con cùng làm việc nhà, nấu ăn hay dẫn con đi nhà sách, khu vui chơi để con thư giãn”.
Việc lựa chọn ngành nghề của học sinh lớp 12 cũng rất cần có sự quan tâm, đồng hành, chia sẻ của cha mẹ. Chị Thanh Thuận và Tường Oanh chủ trương để con tự lựa chọn ngành nghề, cha mẹ chỉ tư vấn, bổ sung thêm thông tin... Chị Thuận không so sánh con với các bạn khác của con về kết quả học tập hay ngành nghề lựa chọn thi tuyển. Chị Tường Oanh không đặt nặng tiêu chí con phải vào đại học... Chị nói: “Nghề nào cũng được, miễn nghề đó con có thể kiếm thu nhập chính đáng và con yêu thích, có thể hết mình với nghề là đã quá tốt”.
Để con có sức khỏe và tâm lý tốt, chị Thủy Tiên quan tâm chế độ dinh dưỡng đầy đủ; cho con có thời gian đi chơi với bạn hay xem các chương trình truyền hình con yêu thích... Dù đặt kỳ vọng con sẽ thi đỗ vào Trường THPT Nguyễn Việt Hồng nhưng chị Thủy Tiên luôn để con tự học theo khả năng, không gây áp lực hay lo lắng cho con.
Trở thành những người bạn, cùng con giải tỏa căng thẳng học hành, tạo cho con tâm lý thoải mái nhất, quan tâm, động viên con hướng tới những mục tiêu tốt đẹp là cách mà các bậc phụ huynh nên chọn để cùng con vượt qua những kỳ thi một cách nhẹ nhàng, hiệu quả.
TÂM AN