Vào mùa lũ, diện tích nuôi cá lóc vèo ở ấp Thới Hiệp 2, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ tăng lên đáng kể do người dân tận dụng nguồn thức ăn đánh bắt từ thiên nhiên như cá tạp, cua, ốc để nuôi cá. Một số chị em hội viên đã chuyển sang nuôi cá lóc vèo theo hướng thâm canh. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đông Thắng đã triển khai thực hiện mô hình “Sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”.
Mô hình nuôi cá lóc trong vèo của gia đình chị Lê Thị Ngọc Thúy mang lại hiệu quả kinh tế.
Theo chị Lê Kim Luyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Thắng, người dân ở ấp Thới Hiệp 2 chủ yếu sản xuất nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc. Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, theo hướng sản xuất tập trung, ưu tiên bảo vệ môi trường, giảm chi phí, tăng năng suất, hướng đến bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt cải thiện môi trường, nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, tháng 8-2018, Hội LHPN xã Đông Thắng đã thành lập mô hình "Sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường", chọn ấp Thới Hiệp 2 làm điểm để thực hiện.
Lúc đầu, mô hình chỉ có 11 thành viên tham gia. Đến nay, đã có 25 chị tham gia nuôi cá lóc vèo vào mùa nước nổi và 3 thành viên nuôi cá lóc vèo thâm canh. Định kỳ 3 tháng, Hội sẽ tổ chức họp lệ, các thành viên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá. Đồng thời, Hội giới thiệu mỗi thành viên vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Hằng năm, Hội LHPN xã phối hợp Trạm Khuyến nông huyện tập huấn kỹ thuật nuôi cá lóc vèo. Do tận dụng nguồn thức ăn đánh bắt từ thiên nhiên nên đảm bảo cá nuôi sạch và thân thiện với môi trường.
Nhờ nuôi cá lóc vèo mà gia đình chị Lê Thị Ngọc Thúy, ở ấp Thới Hiệp 2, đã vươn lên thoát nghèo. Đưa chúng tôi đi tham quan vèo nuôi cá chỉ 3m2, chị Thúy bộc bạch: "Không có đất đai nên tôi tận dụng diện tích kênh trước nhà để nuôi cá lóc trong vèo. Trước đây, chủ yếu nuôi theo mùa nước nổi; nay, tôi đã chuyển sang nuôi thâm canh. Mỗi năm tôi nuôi 2 đợt cá, mỗi đợt khoảng 2.000 con. Hằng ngày, tôi cùng chồng đặt lú, cá bắt được, phần bán, phần làm mồi cho cá lóc". Bình quân mỗi vụ, chị Thúy thu được 500-600 ký cá lóc, thu nhập 15-18 triệu đồng.
Theo các thành viên tham gia mô hình, nuôi cá lóc vèo khá đơn giản, hiệu quả khá. Đối với các hộ nuôi cá lóc trong vèo thâm canh, hằng năm, mỗi người nuôi 1-2 đợt cá; mỗi đợt 5-6 tháng, thu lãi 15-20 triệu đồng. Ngoài nguồn thu nhập từ mô hình nuôi cá lóc trong vèo, nhiều chị còn có nguồn thu thêm từ việc gia công làm cá mắm, tận dụng cắt lục bình từ các vèo cá xung quanh để đan gia công... Chị Huỳnh Thị Sáu, thành viên tham gia mô hình, chia sẻ: "Nhà tôi có 1,5 công đất. Mùa bình thường, tôi trồng rẫy; đến mùa nước nổi, tôi nuôi cá lóc trong vèo. Đây cũng là mùa vất vả nhưng đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Hằng năm, khoảng tháng 6 âm lịch, tôi bắt đầu nuôi cá. Mỗi ngày, tôi đi giăng lưới, chài cá để làm mồi cho cá lóc. Mỗi ngày, tôi giăng lưới được 20-30 ký cá các loại. Chừa đủ số thức ăn cho cá, số còn lại tôi nhận sơ chế cá mắm cho khách, cũng có thêm nguồn thu 150.000 đồng/ngày". Theo chị Sáu, hiện nay, mỗi mùa nước nổi, chị chỉ nuôi 1.000 con cá, chủ yếu canh dịp Tết để bán. Bình quân mỗi vụ nuôi cá lóc trong vèo, chị thu nhập khoảng 22 triệu đồng.
Với hiệu quả mô hình mang lại, thời gian tới, Hội LHPN xã Đông Thắng tiếp tục nâng chất, tập trung xây dựng mô hình liên kết khép kín từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm; xây dựng kế hoạch xin hỗ trợ giống cho các thành viên tham gia mô hình… Qua đó, phát huy vai trò đồng hành cùng hội viên, giúp chị em vươn lên phát triển kinh tế gia đình bền vững, làm giàu chính đáng.
Bài, ảnh: Hồng Vân