Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Công tác nắm bắt dư luận xã hội trong các cấp Hội LHPN Việt Nam và đề xuất một số giải pháp

09:38 - 27/12/2021

Công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần phục vụ công tác lãnh, chỉ đạo của Đảng nói chung và nhiệm vụ của công tác Tuyên giáo nói riêng. Hội LHPN Việt Nam với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ đã không ngừng chú trọng nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ thông qua nhiều phương thức, cách làm thiết thực.

Ra mắt đội phản ứng nhanh hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán người tại xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu

Kết luận số 100-KL/TW ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội” đã chỉ rõ nội dung, mục đích, vai trò, ý nghĩa của công tác nắm bắt dư luận xã hội, đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”. Để thực hiện được quan điểm đó và phát huy hiệu quả vai trò công tác nắm bắt dư luận xã hội đối với hoạt động lãnh đạo toàn diện của Đảng, chất lượng công tác nắm bắt dư luận xã hội ngày càng cần được đầu tư, coi trọng. Hội LHPN Việt Nam với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ đã không ngừng chú trọng nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ thông qua nhiều phương thức, cách làm thiết thực.

Công tác nắm bắt tình hình dư luận của Hội LHPN Việt Nam:

Những năm qua, công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ luôn được các cấp Hội xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất với các cơ quan chức năng giải quyết những kiến nghị, vấn đề bức xúc của phụ nữ; góp phần quan trọng vào ổn định tư tưởng xã hội, cũng như làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng với phụ nữ.

Hội đã cụ thể hóa Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội” qua việc Trung ương Hội ban hành hàng loạt văn bản, hướng dẫn các cấp Hội thực hiện với phương châm sâu sát cơ sở, chủ động nắm bắt, phản ánh, xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm liên quan trực tiếp đến phụ nữ và trẻ em. Trên cơ sở đó, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều hình thức sáng tạo, hiệu quả trong việc nắm bắt tình hình dư luận xã hội của các tầng lớp phụ nữ.

Các cấp Hội đã xây dựng, phát triển được đội ngũ cán bộ Hội và cộng tác viên làm công tác nắm bắt, phản ánh tình hình dư luận xã hội. Đây là lực lượng quan trọng, kênh nắm bắt, tập hợp, phản ánh và cung cấp những thông tin hữu ích liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Các thông tin đó là cơ sở quan trọng giúp lãnh đạo Hội đề ra chủ trương, chính sách phù hợp, tạo được sự đồng thuận xã hội cũng như định hướng các luồng dư luận xã hội tích cực. Đội ngũ này thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Các cấp Hội tích cực đẩy mạnh nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin. Trung ương Hội đã thành lập nhóm zalo “Lãnh đạo các tỉnh, thành Hội” và “Tuyên giáo các tỉnh, thành Hội”; thành lập trang fanpage để tăng cường cung cấp thông tin, định hướng và nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ nói riêng, xã hội nói chung. Tính đến tháng 12/2020 qua khảo sát nhanh, đã có 57 tỉnh/thành Hội đã thành lập trang fanpage hoặc nhóm trên facebook. Trung ương Hội cũng đã thử nghiệm việc sử dụng ứng dụng quản lý danh tiếng của Viettel (reputa) để kịp thời cập nhật các thông tin liên quan đến Hội, đến phụ nữ đang được nhiều người quan tâm, theo dõi trên các báo điện tử và mạng xã hội, từ đó đề xuất giải pháp xử lý các tin xấu, tin độc hại trên mạng.

Thông qua tổ chức hoạt động và sinh hoạt Hội để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên. Với mạng lưới tổ chức đến tận thôn bản, hơn 104 nghìn Chi hội trường, 245 nghìn tổ trưởng và hơn 19 triệu hội viên, Hội LHPN các cấp đã phát huy thế mạnh trong các hoạt động Hội được tổ chức trực tiếp tại cộng đồng như: sinh hoạt chi hội, sinh hoạt tổ nhóm, câu lạc bộ, thăm hỏi tại hộ gia đình, trao đổi trực tiếp với hội viên, phụ nữ sinh sống và công tác trên địa bàn…; các hoạt động địa phương khác như họp thôn, xóm, sinh hoạt chi bộ, các sự kiện tại cộng đồng… từ đó tập hợp, phản ánh khách quan, trung thực các luồng ý kiến, tâm tư, tình cảm, khó khăn, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ và người dân đối với các chính sách, chủ trương của Đảng, Chính phủ, chính quyền địa phương, các sự kiện, hiện tượng kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng… ở địa phương, đơn vị, trong nước, quốc tế, đặc biệt là những vùng giải phóng mặt bằng, vùng có diễn biến phức tạp về tôn giáo, vùng phụ nữ bị bão lụt thiên tai...

Thông qua tổ chức các cuộc đối thoại, duy trì hoạt động của mô hình, tổ/nhóm phản ứng nhanh. Các cấp Hội phụ nữ quan tâm tổ chức đối thoại trực tiếp người đứng đầu cấp ủy, Ủy ban nhân dân, lãnh đạo các ngành với cán bộ, hội viên, phụ nữ[1], đặc biệt ở các “điểm nóng”, vùng giải phóng mặt bằng, vùng có diễn biến phức tạp về tôn giáo, vùng phụ nữ bị bão lụt thiên tai. Qua đó, nhiều kiến nghị, đề xuất của các cấp Hội, hội viên, phụ nữ, doanh nghiệp nữ về những vấn đề nổi cộm, bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của phụ nữ như các chế độ, chính sách cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp có đông lao động nữ, các chính sách cho phụ nữ nghèo, trẻ em khuyết tật, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên, công chức… được lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng kịp thời giải đáp. Bên cạnh đó, Trung ương Hội đã thành lập tổ Tham gia giải quyết các vụ việc, điểm nóng liên quan đến phụ nữ, trẻ em và tổ chức Hội LHPN Việt Nam, tổ Tư vấn pháp luật và tâm lý hỗ trợ Hội trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, ban hành Quyết định số 1452/QĐ-ĐCT ngày 17/5/2018 về việc ban hành Quy định và hướng dẫn Hội LHPN các cấp tham gia giải quyết các vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em nhằm mục đích tập trung nắm bắt, giải quyết kịp thời các vấn đề tư tưởng của phụ nữ, những vụ việc vi phạm quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em; Công văn số 6001/ĐCT-CSLP ngày 02/8/2021 chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em. Trên cơ sở đó, các cấp Hội đã tuân thủ quy trình, tham gia giải quyết nhằm thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.

Ngoài ra, công tác định hướng tư tưởng đối với cán bộ, hội viên phụ nữ cũng được Hội LHPN các cấp quan tâm. Thông qua các hội nghị chuyên đề, tập huấn, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt Hội, nhất là hoạt động của đội ngũ cán bộ Hội, cộng tác viên dư luận xã hội từ Trung ương tới cơ sở đã kịp thời cung cấp các thông tin chính thống về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, địa phương, những vấn đề dư luận quan tâm, góp phần tích cực vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, sự lãnh đạo của Đảng, ngăn chặn, phản bác lại các quan điểm chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ.

Với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, sáng tạo và hiệu quả của các cấp Hội LHPN Việt Nam, công tác nắm bắt dư luận xã hội đã góp phần quan trọng giúp các cấp Hội kịp thời nắm bắt, chủ động phối hợp tham gia xử lý nhiều vấn đề nảy sinh liên quan đến phụ nữ và trẻ em, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng khối đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.

Tuy nhiên, công tác nắm bắt dư luận xã hội trong các cấp Hội thời gian qua cũng còn những hạn chế nhất định: việc nắm bắt và phản ánh thông tin dư luận xã hội đôi khi còn chậm, chưa toàn diện, thiếu sự phân tích và tổng hợp, thiếu tính dự báo, khách quan; đội ngũ cán bộ Hội làm công tác dư luận xã hội và cộng tác viên ở một số địa phương còn chưa chủ động, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác nắm bắt dư luận xã hội:

 Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt, định hướng tình hình dư luận xã hội, tạo sự thống nhất tạo sự đồng thuận trong Đảng, sự thống nhất trong xã hội, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội nói chung, sự phát triển vững mạnh của Hội LHPN Việt Nam nói riêng, các cấp Hội cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

(1) Các cấp Hội cần quan tâm, chỉ đạo sát sao việc nắm bắt dư luận xã hội, coi đó là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của đơn vị. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận 100-KL/TW nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác dư luận xã hội trong các cấp Hội, nhất là với đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác nắm bắt dư luận xã hội. Công tác dư luận xã hội phải gắn liền với công tác tư tưởng, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp Hội và của mỗi cán bộ, hội viên.

(2) Tăng cường hoạt động điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội trong các cấp Hội. Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình các vụ việc vi phạm quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em để kịp thời lên tiếng, bảo vệ. Phát huy tối đa vai trò của tổ Tư vấn pháp luật và tâm lý hỗ trợ Hội LHPN trong bảo vệ phụ nữ và trẻ em; các tổ tư vấn của các cấp Hội địa phương, các kênh nắm bắt thông tin dư luận của các cấp Hội. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo tại các cấp Hội; coi trọng công tác đối thoại trực tiếp với hội viên, phụ nữ, chủ động dự báo trước những diễn biến tâm trạng, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ và nhân dân.

(3) Các cấp Hội chủ động đổi mới nội dung, hình thức truyền thông, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, tăng cường tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới các tầng lớp phụ nữ, nhất phụ nữ ở các vùng nông thôn, dân tộc thiểu số… để họ hiểu đúng và thực hiện theo, đồng thời vận động người thân cùng thực hiện. Từ đó góp phần tạo nên sự ổn định xã hội, phát triển kinh tế đất nước

(4) Chỉ đạo các cấp Hội, nhất là cấp Hội cơ sở bám sát và nắm chắc tình hình dư luận xã hội, diễn biến tư tưởng của các tầng lớp phụ nữ, phản ánh kịp thời với cơ quan chức năng và chủ động phối hợp giải quyết không để phát sinh thành các điểm nóng, các vụ việc xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của  phụ nữ.

(5) Quảng bá tổ chức thông qua hiệu quả và tầm ảnh hưởng của hoạt động Hội đến hội viên, phụ nữ và xã hội. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tin đại chúng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng mạng xã hội trong nắm bắt, cung cấp, định hướng thông tin về quan điểm, hoạt động của Hội trong các vấn đề liên quan đến phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Vận hành hiệu quả các kênh thông tin của Hội để tiếp cận cán bộ, hội viên phụ nữ các nguồn tin chính thống, đáng tin cậy; tăng tương tác và nắm bắt tư tưởng hội viên, phụ nữ, người dân đối với một số vấn đề cụ thể thông qua trao đổi, chia sẻ thông tin, mở rộng các nhóm trò chuyện trên mạng xã hội Việt Nam.

(6) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động trong các tầng lớp phụ nữ để cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, hiểu biết về mọi mặt cho hội viên phụ nữ trên các kênh truyền thông trong hệ thống Hội. Trang bị nền tảng để hội viên, phụ nữ có thể trao đổi thông tin nhanh về vấn đề của bản thân đến Hội thông qua các nền tảng công nghệ thông tin.[2]

(7) Thường xuyên kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ, công tác viên làm công tác dư luận xã hội là những cán bộ có năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng; chú trọng bồi dưỡng để cán bộ có đủ năng lực, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công việc trong mọi hoàn cảnh, điều kiện. Bên cạnh đó, cần phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của những người có uy tín như già làng, trưởng bản trong cộng đồng dân cư, hội viên nòng cốt, cán bộ, đảng viên trong theo dõi và phản ánh các vấn đề dư luận của các tầng lớp phụ nữ.

                                        

Theo http://www.hoilhpn.org.vn/

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

68339

Hôm nay:
3
Tháng này:
814
Tổng lượt truy cập:
68339