Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Công bố lệnh của Chủ tịch nước về 6 luật vừa được Quốc hội thông qua

11:59 - 18/12/2017

Ngày 14-12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về công bố 6 luật, gồm: Luật Lâm nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Thủy sản; Luật Quản lý nợ công; Luật Quy hoạch. Các luật này vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.
 

Luật Lâm nghiệp năm 2017 có 12 chương với 108 điều, tăng 4 chương và 20 điều so với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, có hiệu lực từ 1-1-2019. Luật đã thể chế hóa chế định sở hữu rừng theo quy định Hiến pháp 2013, quy định 2 nhóm hình thức sở hữu rừng: Rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu gồm rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư đã giao hoặc chưa giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; rừng sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư gồm rừng trồng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư; nhận chuyển nhượng, tặng cho, nhận thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật. 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 15-1-2018. Luật gồm 3 điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung 32 điều; bổ sung mới 28 điều. Điều 2 về điều khoản thi hành. Điều 3 về quy định chuyển tiếp. Luật đã thêm trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ đối với chức danh chủ tịch hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) của tổ chức tín dụng. Quy định này để hạn chế việc lạm dụng quyền đồng thời là người quản trị, điều hành tại tổ chức tín dụng và doanh nghiệp để thực hiện hoạt động đầu tư, cấp tín dụng không trên cơ sở thị trường, tạo ra rủi ro lớn cho hoạt động của tổ chức tín dụng. 

Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài có hiệu lực từ 1-7-2018. Luật chỉ quy định sửa đổi, bổ sung đối với 11 điều trong số 36 điều của luật hiện hành. Luật bổ sung quy định làm rõ nhiệm vụ bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn đối với thành viên và trụ sở cơ quan đại diện; bổ sung quy định về việc cơ quan đại diện tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng năm về hoạt động của các đoàn được cử đi công tác nước ngoài nhằm thể chế hóa Quy chế về thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại do Bộ Chính trị ban hành. Luật quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp 2013. 

Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ 1-1-2019 gồm 9 chương với 105 điều, giảm 1 chương và tăng 43 điều so với  luật hiện hành. Luật đã bổ sung 1 chương (Kiểm ngư) nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cao nhất cho tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư Việt Nam; bỏ 2 chương về hợp tác quốc tế về hoạt động thủy sản và khen thưởng, xử lý vi phạm do các nội dung về hợp tác quốc tế. Luật khẳng định kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng bảo đảm thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 

Luật Quản lý nợ công gồm 10 chương, 63 điều quy định về hoạt động quản lý nợ công bao gồm huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ và các nghiệp vụ quản lý nợ công. So với luật hiện hành, việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ được quy định theo hướng siết chặt điều kiện được bảo lãnh Chính phủ đối với từng nhóm đối tượng, bổ sung quy định về quản lý rủi ro bảo lãnh Chính phủ. Việc quản lý nợ chính quyền địa phương được quy định chặt chẽ, xác định rõ trách nhiệm, điều kiện vay và trả nợ của chính quyền địa phương; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, đặc biệt là Luật Đầu tư công năm 2014 và Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. Việc thống kê, báo cáo và công bố thông tin nợ công được quy định chặt chẽ, xác định rõ yêu cầu về thống kế nợ công, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về nợ công; làm rõ thông tin báo cáo, thời gian báo cáo và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc cung cấp và công bố thông tin nợ công. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018. 

Luật Quy hoạch xác định quy hoạch phải là việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Luật điều chỉnh chung cho tất cả các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước về: lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch. Hệ thống quy hoạch gồm các loại quy hoạch sau: Cấp quốc gia; cấp vùng; cấp tỉnh; quy hoạch đô thị, nông thôn; quy định đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định. Quy hoạch được lập theo thứ bậc từ trên xuống dưới; quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn trên cả nước. Quy hoạch cấp dưới phải phù hợp quy hoạch cấp trên. Luật Quy hoạch gồm 6 chương, 59 điều và 3 phụ lục và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019.

Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

67319

Hôm nay:
15
Tháng này:
778
Tổng lượt truy cập:
67319