Những chiếc giày nhỏ xinh, mềm mại, nhiều màu sắc dành cho trẻ sơ sinh, trẻ tập đi được chị Trương Thị Diệu, ngụ khu vực 4, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều may hết sức sắc sảo. Làm nghề hơn 7 năm nay, chị Diệu có nguồn thu nhập đảm bảo các chi phí sinh hoạt trong gia đình và chi tiêu cá nhân. Ngoài ra, còn giúp tạo việc làm cho vài thợ may gia công xung quanh.
Chị Diệu may giày trẻ em tại nhà.
Chị Diệu bắt đầu làm quen với nghề may giày trẻ em từ năm 2013 do được người chị thứ 5 chỉ dẫn. Biết may từ hồi còn con gái và từng có nhiều năm nhận may gia công quần áo cho tiệm may chuyên nghiệp ở quận Ninh Kiều nên chị Diệu học nghề may giày trẻ em rất nhanh. Nắm vững kỹ thuật, chỉ cần nhìn qua một lần mẫu mã của các sản phẩm tương tự là chị có thể bắt chước, may theo y hệt. Chị còn tự thiết kế mẫu để phục vụ thị hiếu đa dạng của khách hàng. Chị tìm đến các nơi cung cấp nguyên liệu may mặc ở thành phố Hồ Chí Minh mua các phụ kiện để tạo mẫu mã riêng như: tem dán, hình các con thú ngộ nghĩnh kèm theo các loại hạt nhiều màu sắc,… Lúc đầu, chị may giày rồi tự chở hàng đi bán ở chợ khắp các tỉnh ÐBSCL, có cả các tỉnh xa như Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh,… Chịu khó trong 3 năm, chị được nhiều cửa hàng giày dép, mối sỉ biết đến nên chị không còn phải chở hàng đi bán xa nữa mà chuyển sang cắt, may tại nhà, thuê thêm thợ may gia công để kịp ra hàng, mối quen đến tận nhà lấy hàng.
Thời gian cận Tết Nguyên đán là lúc chị bận rộn nhất vì nhiều đơn đặt hàng. Chị Diệu cho biết: “Tôi chuyên may giày cho trẻ sơ sinh, trẻ tập đi, nguyên liệu chủ yếu từ các loại vải nhung, thun lưới, lót thêm lớp mút, đảm bảo mềm mại, êm chân và an toàn cho bé. Tôi thường liên hệ với các công ty may giày da hoặc quần áo xuất khẩu để mua vải vụn về chế lại, may giày trẻ em. Lâu dài, biết mối, đặt mua nguyên liệu nguyên cây về may. Vì thế, đảm bảo nguyên liệu chất lượng, mà giá cả rất mềm, được nhiều đại lý và khách hàng ưa chuộng”. Hiện nay, chỉ riêng quận Ninh Kiều và Cái Răng, chị Diệu đã có 6 đại lý và thêm 2 mối sỉ ở ngoài tỉnh.
Những đôi giày trẻ em nhỏ xinh nhìn có vẻ đơn giản nhưng phải qua rất nhiều công đoạn mới hoàn thành. Chị Diệu tự thiết kế rập, cắt vải theo ni sẵn có, ráp từng miếng dán, may mũi, thân, đế giày rồi còn dán hình để đôi giày thêm sinh động, dễ thương. Mỗi ngày chị Diệu cắt được chừng 50 đôi, ngồi may từng công đoạn lắc nhắc. Thợ may gia công phụ chị hiện trung bình mỗi người may được 50 đôi giày/ngày, thu nhập 100.000 đồng. Chị Thảo, chủ tiệm bán guốc gỗ Ái Liên, cùng xóm với chị Diệu là một trong các thợ may gia công rất giỏi, có thể kiếm được mức tiền công 1,5 triệu đồng/tuần. Chỉ trong thời gian 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội vừa qua, số lượng sản phẩm tiêu thụ bị chậm lại, chị Diệu chuyển sang may khẩu trang vải, bán được khoảng 4.000 cái và còn tặng cho Hội đoàn thể địa phương 1.000 cái. Gần đây, đầu ra sản phẩm phục hồi và còn có thêm mối lấy hàng của người chị thứ 5, sản phẩm may giao không kịp nên chị Diệu đang tìm thuê thêm 2 thợ may gia công phụ tiếp. Chị Diệu chia sẻ: “Với mô hình này, nếu thành lập được tổ may gia công, đầu tư máy công nghiệp, may số lượng lớn, đồng thời mở đầu ra qua các đầu mối bán hàng qua mạng toàn quốc sẽ tạo việc làm và thu nhập hiệu quả gấp nhiều lần. Tuy nhiên, tôi chưa có khả năng mở cơ sở sản xuất quy mô như thế vì không đủ điều kiện về nhân công, vốn đầu tư và thời gian”.
Chỉ với sản phẩm cho ngách thị trường nhỏ nhưng nhờ chịu khó và hết lòng phát triển nghề nghiệp, chị Diệu đã tạo nguồn thu nhập rất tốt cho mình và giúp tạo việc làm cho một số chị em phụ nữ khác. Gia đình chị hiện có 3 chị em khác cũng làm nghề may giày trẻ em, trong đó, người em út đã mở được cơ sở sản xuất nho nhỏ tại nhà, sản phẩm được bán qua nước bạn Campuchia, giúp giải quyết việc làm cho khoảng 15 lao động là các mẹ “bỉm sữa”, nhận hàng về gia công tại nhà vừa kiếm thêm thu nhập vừa có điều kiện chăm sóc con cái. Theo chị Diệu, các chị em chị đang lên kế hoạch mở gian hàng, tham gia liên kết với các trang thương mại điện tử để tăng đầu ra cho sản phẩm, tăng thu nhập.
Bài, ảnh: MỸ TÚ