Cùng chúng tôi đến nhà chị Phan Ngọc Ánh, khu vực Thạnh Phú, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, bà Lê Thị Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường, nói: "Trước đây, gia cảnh chị Ánh rất khó khăn nhưng nhờ chí thú làm ăn, sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi nên từng bước thoát nghèo. Hiện nay, chị Ánh có nghề nghiệp ổn định, gia đình hạnh phúc"...
Chị Ngọc Ánh sắp xếp thứ tự các vật dụng, chén dĩa chuẩn bị mang ra xe vận chuyển đến địa chỉ đặt tiệc
Ngay trước nhà chị Ánh có lắp đặt bảng hiệu "Dịch vụ nấu ăn lưu động Bé Ba", bên trong loáng thoáng tiếng động bàn ghế, tiếng cười nói lao xao. Chị Ánh đang cùng mẹ kiểm tra các nguyên liệu cần thiết để nấu đám tiệc đặt ngày mai. Chị Ánh cho biết, khoảng tháng nay đã có nhiều chỗ gọi điện thoại đặt tiệc, nên phải đối chiếu để tránh nhận nhiều tiệc cùng lúc sẽ "rối", mất uy tín với khách hàng. Chị Ánh và mẹ đang lên kế hoạch để nhận đặt tiệc thời điểm cận và sau Tết Nguyên đán.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Thạnh Phú hiền hòa, chị cả của 3 em nhỏ dại, trong khi cha mẹ đầu tắt mặt tối làm mướn, mua bán kiếm sống nên chị Ánh vừa học, vừa làm để phụ cha mẹ chăm lo các em đến trường. Sớm quen quán xuyến việc nhà, phụ mẹ mua bán nên chị Ánh giỏi tính toán, sắp đặt thứ tự công việc trước sau hợp lý, hiệu quả. Học xong lớp 9, chị Ánh phải nghỉ do việc nhà quá bận rộn, kinh tế eo hẹp, thêm nỗi khổ đường sá, phương tiện đi lại khó khăn. Vốn vén khéo, mẹ chị Ánh thường nhận nấu các đám tiệc nên chị có dịp theo học lóm với suy nghĩ đơn giản: biết nấu ăn để có thể thay mẹ lúc bận rộn, ốm đau; và có chút nghề "lận lưng" để sau này phục vụ chồng, con.
Năm 20 tuổi, chị Ánh lập gia đình với anh Nguyễn Văn Tuấn (công tác ở Ban quân sự địa phương), lần lượt sinh 2 người con. Chị Ánh cho biết: "Năm 2004, vợ chồng tôi ra riêng, mẹ cho miếng đất nhỏ, che tạm căn nhà ở. Hằng ngày, tôi phụ giúp mẹ bán thức ăn ở chợ mỗi sáng và tập mua bán trái cây, kiếm thêm thu nhập nuôi con. Lúc đó, vốn liếng ít ỏi, tôi tự chạy vạy, xoay xở, không để người thân lo lắng". Thời điểm đó, anh Tuấn được địa phương đưa đi học các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ. Để chồng an tâm công tác, học tập tốt, chị Ánh chu toàn việc nhà cửa, chăm sóc các con và lo kinh tế gia đình.
Năm 2009, chị Ánh tham gia sinh hoạt Chi hội phụ nữ khu vực, được gặp gỡ chị em, tiếp cận các kiến thức về gia đình, sức khỏe, phát triển kinh tế. Chị Ánh được phường xét xây tặng nhà Đại đoàn kết; vay vốn nhóm phụ nữ tiết kiệm, vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội… Chị Ánh bày tỏ: "Vào Hội phụ nữ, tôi ổn định chỗ ở, có vốn mở rộng mua bán nên công việc thuận lợi, suôn sẻ, kinh tế gia đình dần ổn định. Năm 2012, tôi được phường xét thoát nghèo và thêm niềm tin để vươn lên thoát nghèo bền vững".
Một năm sau, khi dịch vụ nấu ăn lưu động trở nên phổ biến và phát triển mạnh ở địa phương, chị Ánh nghỉ bán trái cây, tập trung đầu tư phát triển nghề nấu ăn với mẹ. Cùng thời điểm này, chị tham gia lớp nghề kỹ thuật nấu ăn do Hội Phụ nữ phường kết hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Cái Răng tổ chức. Như "cá gặp nước", chị Ánh vừa học hỏi nhiều kiến thức, kỹ thuật nấu ăn bài bản, mới lạ, vừa kết hợp vận dụng kinh nghiệm nấu ăn truyền thống của mẹ nên tiến bộ rất nhanh. Sau khi học, chị Ánh và mẹ mạnh dạn khuếch trương, quảng bá dịch vụ nấu ăn, với món ăn phong phú, đa dạng, giá cả phải chăng, cung cách phục vụ chuyên nghiệp… nên tiếp nhận nhiều hợp đồng đặt hàng đám tiệc. Mới đây, chị Ánh đầu tư 80 triệu đồng để mua sắm thêm trang thiết bị cho thuê nhà khách, chén dĩa, mâm bàn, để hợp đồng phục vụ "trọn gói" đám tiệc. Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thường Thạnh đang đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội đến xem xét, thẩm định mô hình dịch vụ nấu ăn, để có thể nâng vốn vay, giúp chị Ánh phát triển kinh tế, vươn lên khấm khá.
Hiện nay, việc làm ăn ngày càng mở mang, phát triển, kinh tế gia đình ổn định, các con làm việc, học hành thuận lợi, chị Ánh dành thời gian tham gia công tác Hội và địa phương. Năm 2015, chị là tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, chịu trách nhiệm quản lý 52 thành viên, với số vốn khoảng 900 triệu đồng. Hằng tháng, chị Ánh tổ chức họp tổ, thu lãi định kỳ; trao đổi, hướng dẫn việc sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả cũng như ghi nhận kiến nghị của chị em...
Chứng kiến chị Ánh nhanh nhẹn, thành thạo sắp xếp thứ tự các vật dụng, nguyên liệu mang ra xe vận chuyển đến điểm đặt tiệc, tôi nhớ lời chị bộc bạch: "Trải qua nghèo khó, tôi nghiệm ra rằng, muốn thoát nghèo thì không mặc cảm, tự ti và có quyết tâm, nhẫn nại mới đi đến thành công".
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG