“Ai cho thì nhận. Ai cần thì cho” là khẩu hiệu của Cửa hàng 0 đồng ở số 100 đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Cửa hàng do Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Cần Thơ thực hiện, nhằm chia sẻ, hỗ trợ quần áo, vật dụng cũ cho những người khó khăn.
Bà con chọn đồ tại Cửa hàng 0 đồng.
Số 100 đường Trần Việt Châu là địa chỉ quen thuộc của nhiều người trong hơn 2 năm qua, bởi đây địa điểm của quán cơm thiện nguyện 1.000 đồng do Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Cần Thơ và các nhà hảo tâm tổ chức. Quán phục vụ cơm chay cho khách hàng với mức giá tượng trưng 1.000 đồng, nhằm hỗ trợ những người khó khăn. Ông Ngô Thành Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Cần Thơ, cho biết: “Những người đến ăn tại quán phần đông có hoàn cảnh khó khăn, bán vé số, bán hàng rong, sinh viên nghèo… Họ không có điều kiện để mua quần áo hay vật dụng mới nên ai có cho đồ cũ thì họ đều nhận. Thấy nhu cầu cao nên hội quyết định tận dụng phần đất trống để mở Cửa hàng 0 đồng. Cửa hàng được thành lập từ tháng 8-2020 đến nay và được sự ủng hộ của đông đảo mọi người nên hoạt động rất tốt”.
Cửa hàng đặt trong khuôn viên của Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Cần Thơ, có các sào treo nhiều quần áo cũ, cùng các kệ hàng, tủ đựng giày dép, túi xách, cặp da, đồ chơi trẻ em… đã qua sử dụng. Ai có nhu cầu cứ đến chọn lựa, mang về dùng mà không phải trả tiền. Bà Trần Thị Lệ Hoa, ở Bình Minh, Vĩnh Long, bộc bạch: “Hàng ngày tôi đạp xe qua Cần Thơ bán bắp luộc. Trưa ghé quán ăn cơm chay rồi lựa quần áo, đồ dùng cho mình và gia đình. Trong xóm tôi cũng có nhiều người khó khăn mà không qua đây được nên tôi thấy đồ nào phù hợp với họ thì mang về cho họ. Ðồ cũ nhưng với những người như chúng tôi, vẫn là quý lắm”. Ông Nguyễn Văn Hảo, ở phường An Cư, quận Ninh Kiều, làm nghề chạy xe ôm, chia sẻ: “Thỉnh thoảng, chọn được cái áo, cái quần hợp với mình cũng đỡ tốn tiền mua. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó”.
Mỗi ngày có rất nhiều người, chủ yếu là những người lao động nghèo, người khó khăn ghé vào cửa hàng chọn cho mình món đồ ưng ý. Ðông nhất là vào buổi trưa, khi mọi người ghé vào ăn cơm hoặc đi bán hàng về. Không chỉ chọn cho mình mà các cô chú, anh chị còn lựa cho con cháu bộ đồ, đôi dép, đôi giày, cặp da hay một món đồ chơi.
Có nhiều người nhận và cũng có nhiều người cho. Ngày nào, cũng có vài người chở đồ đến tặng cho cửa hàng. Có người mang đến những bọc đồ của gia đình, có người chở đến mấy bao tải do gom từ người thân, bạn bè… Chú Nhơn ở phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, thường xuyên mang đồ đến cho. Chú nói: “Ðồ mình dư hoặc không dùng nữa thì cho người khác, vừa không lãng phí, vừa giúp được người ta”.
Người phụ trách cửa hàng là chị Nguyễn Thị Phương, ngụ khu vực 4, phường An Khánh, quận Ninh Kiều. Mỗi ngày chị đến phụ tiếp các việc lặt vặt của quán cơm từ 7 giờ đến 9 giờ. Sau đó qua cửa hàng trông coi, soạn quần áo và treo lên sào cho mọi người dễ chọn lựa, sắp xếp các vật dụng để lên các kệ hàng theo từng loại. “Mình không giúp được tiền bạc thì góp công sức thôi. Làm việc thiện và tiếp xúc với nhiều người, tôi thấy vui lắm!”, chị Phương chia sẻ.
Số lượng quần áo cũ được quyên góp nhiều, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Cần Thơ còn mang đi tặng cho đồng bào nghèo ở các tỉnh, thành khác kèm với gạo và nhu yếu phẩm trong các đợt thiện nguyện. Chẳng hạn như trong đợt miền Trung bị bão lũ vừa qua, Hội đã phối hợp với các nhà hảo tâm vận động, quyên góp được hơn 5 tấn hàng cứu trợ và quần áo các loại, chở ra các tỉnh, trao trực tiếp đến tay đồng bào. Sắp tới, Hội dự kiến sẽ đến tặng quà, quần áo cũ cho bà con nghèo ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
* * *
Cửa hàng 0 đồng là cầu nối hiệu quả giữa người thừa và người thiếu, lan tỏa tình người và những tấm lòng từ tâm.
Theo Báo Cần Thơ - Bài, ảnh: LỆ THU