Đi dọc tuyến lộ khu vực Thạnh Mỹ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, chen lẫn trong dãy cửa hàng buôn bán, kinh doanh khá đông đúc là cửa tiệm bánh mì Thiên Phúc mới khai trương của đôi vợ chồng trẻ hoạt bát, là con gái và con rể chị Nguyễn Thị Miền, hội viên Chi hội phụ nữ khu vực. Nhắc đến gia đình chị Miền, mọi người đều dành sự quý mến, cảm phục ý chí vượt khó, vươn lên khấm khá từ nhẫn nại, cần lao.
Anh Nguyễn Thế Điềm, chồng chị Miền, vừa dỗ dành, nựng nịu hai cháu nội, ngoại, chị Miền đon đả đãi khách ly cam vắt ngọt thanh, đĩa ổi giòn tan "cây nhà lá vườn" cùng khoanh bánh mì ngọt xốp như tiện thể "quảng cáo" cửa tiệm bánh mì của vợ chồng con gái út Nguyễn Thị Tuyến, trong khi vợ chồng con trai cả Nguyễn Văn Trung vừa chở đầy xe cỏ tươi non vào chuồng bò và dê sau vườn nhà. Nhanh tay mở cửa, đẩy xe phụ con, chị Miền nhỏ nhẻ chuyện nhà.
Thói quen hằng ngày của chị Miền là chăm sóc, vỗ béo đàn bò sữa.
Vợ chồng chị quê gốc Hưng Yên, cùng cảm thông cảnh nghèo khó, đông anh em, phải nghỉ học sớm để phụ gia đình việc đồng áng, làm mướn quanh năm nhưng chẳng có dư bởi đất đai khô cằn, thiên nhiên khắc nghiệt. Năm 1985, anh chị kết hôn và hai con lần lượt chào đời trong cơ cực, thiếu thốn. Anh Điềm phải theo dòng người xuôi Nam kiếm việc làm, chắt chiu từng đồng gởi về quê để chị nuôi con. Năm Trung 12 tuổi, chị Miền đưa hai con vào Nam để gia đình sum họp và quyết tâm chọn Thường Thạnh "đất lành chim đậu" làm quê hương thứ hai để an cư lạc nghiệp. Nhờ các chú (vào Nam những năm trước) giúp vốn mướn khoảnh đất nhỏ cất tạm căn nhà lá, mua dàn máy để xay xát gạo cho người dân trong xóm. Vốn tính chân thật, hiền lành, vợ chồng chị Miền nhanh chóng làm quen và hòa đồng với chòm xóm, được mọi người nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn. Tận dụng cám xay gạo, rau vườn, anh chị bàn bạc xây chuồng nuôi heo. Lúc đầu ít vốn, nuôi vài con heo, sau nhờ "mát tay" tăng lên vài chục con. Ngày nào cũng vậy, vợ chồng chị Miền loay hoay với máy xay xát gạo, bầy heo và đám rẫy. Cứ đều đặn 4 tháng, anh chị bán và gầy bầy heo khác. Chị Miền nói vui: "Ai nuôi heo bất an rủi ro, lỗ lã, còn heo trong chuồng nhà tôi mau lớn và luôn có lãi. Nhờ kiên trì nuôi heo, trồng rẫy, anh chị Miền mua đất cất nhà, nuôi các con học hành và tích lũy vốn liếng để đầu tư làm ăn về sau. Thời gian này, chị Miền tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ, được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để sản xuất, chăn nuôi. Chăm chỉ làm ăn, tính mềm mỏng, hòa đồng, chị Miền được chị em bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ khu vực Thạnh Mỹ.
Có thể nói, bước ngoặt quan trọng nhất đối với gia đình chị Miền lúc bấy giờ là việc động viên hai con đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Dịp về thăm quê, thấy nhiều gia đình họ hàng, xóm giềng khấm khá nhờ con đi XKLĐ, anh chị nhen nhóm định hướng và ủng hộ các con. Chị Miền chia sẻ: "Cho con đi làm việc ở nước ngoài, vợ chồng tôi mong muốn các con có cơ hội trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp cũng như thể hiện bản lĩnh lập thân, lập nghiệp. Chúng tôi không áp đặt mà tùy các con quyết định". Thế là, gom góp tiền của dành dụm, được vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, mượn thêm bà con, năm 2008, anh chị cho Trung đi XKLĐ sang Đài Loan, làm công nhân dệt vải (3 năm). Hằng tháng, Trung đều đặn gởi tiền về để cha mẹ trả nợ vay và hỗ trợ em gái đi XKLĐ sang Nhật, làm việc 3 năm trong xưởng in. Rồi sau khi hoàn thành hợp đồng về nước, Trung có điều kiện đăng ký học tiếng Nhật và trúng tuyển XKLĐ sang Nhật làm công nhân xưởng sản xuất xe gắn máy. Số tiền các con gởi về hằng tháng, anh chị Miền tích cóp mua từng công đất để có vốn liếng đầu tư làm ăn sau này. Suốt thời gian các con đi XKLĐ, anh chị Miền vẫn cần cù bên máy xay xát gạo, nuôi heo, trồng rẫy mưu sinh, không nghỉ ngơi ngày nào. Anh Điềm cho biết: "Qua công việc, chi tiêu tiết kiệm, cách sống giản dị, chúng tôi muốn dạy dỗ con biết quý trọng đồng tiền do sức lao động làm ra và luôn siêng năng, cần mẫn, không ỷ lại, trông chờ người khác giúp đỡ". Điều anh chị tâm đắc nhất là sau khi hoàn thành hợp đồng lao động về nước, Trung và Tuyến đều trưởng thành, tác phong năng động, nhạy bén trong cách nghĩ, cách làm, có thêm kỹ năng, kinh nghiệm sống.
Với số vốn liếng kha khá cả nhà chung tay tích lũy, anh chị Miền dựng vợ, gả chồng cho hai con, xây dựng căn nhà rộng rãi, thoáng mát để chung sống một nhà. Năm 2013, anh Điềm cùng các con lên kế hoạch đầu tư mở rộng đất, xây chuồng trại nuôi bò sữa. Anh Điềm dành thời gian tìm hiểu thông tin về các trại nuôi bò có tiếng các nơi, lặn lội tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, để bổ sung kiến thức chăn nuôi. Hằng ngày, hơn 2 giờ sáng, anh Điềm, Trung và con rể phải đi cắt cỏ tươi cho bò ăn. Một năm sau, đàn bò 3 con bắt đầu cho sữa, anh Điềm nhận đơn hàng cung cấp cho công ty sữa ở Khu công nghiệp Trà Nóc. Khi lượng sữa bò công ty thu mua ổn định, anh Điềm và các con đầu tư xây dựng, nâng cấp chuồng trại nuôi hơn chục bò sữa và 30 con dê. Để đáp ứng đầy đủ cỏ cho bò và dê thường xuyên mỗi ngày, anh Điềm mướn 2 công đất để trồng cỏ, trộn thêm xác bia, đậu nành vào thức ăn khô để nâng chất lượng sữa bò và dê thịt. Chị Miền cho biết, mỗi ngày, đàn bò cho khoảng 200 lít sữa bò để cung ứng cho công ty. Vài tháng trước, Tuyến bày tỏ mong muốn thử sức kinh doanh mặt hàng bánh mì, anh chị bàn bạc cho vợ chồng con gái đi học nghề làm bánh mì, hỗ trợ con xây dựng và khuếch trương cửa tiệm ở khu vực Thạnh Mỹ. Chị Miền bộc bạch: "Mới học kinh doanh, khách hàng chưa đông nhưng tôi tin các con sẽ thành công. Con cái có chí hướng làm ăn, vợ chồng tôi rất vui và hết lòng ủng hộ".
Chiều tắt nắng, đàn bò sữa và dê béo tốt được tắm mát và ăn uống no say đang ngoe ngoẩy đuôi, vợ chồng Trung vừa dọn dẹp xong chuồng trại, đúng lúc vợ chồng Tuyến ngoài cửa tiệm bánh về tới. Căn nhà nhỏ râm ran tiếng nói cười, xúm xít bên mâm cơm đầm ấm dường như không tồn tại trở ngại, khó khăn mà hạnh phúc con cháu tương lai đang rộng mở từ thế hệ ông cha chuyên cần, quyết đoán.
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG