Bạo lực giới (BLG) là hiện tượng phổ biến và phức tạp, thể hiện dưới nhiều hình thức, trong đó bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề cần quan tâm. Đây được xem là trở ngại lớn nhất trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới (BĐG).
Thời gian qua, ngành giáo dục TP Cần Thơ tăng cường công tác quản lý, nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện và xử lý sớm các trường hợp mâu thuẫn, xích mích của học sinh, học viên, không để xảy ra tình trạng đánh nhau trong và ngoài trường. Các cơ sở giáo dục phân công bảo vệ, đoàn viên, giáo viên,... trực ban, giám sát ghi nhận và báo cáo ngay cho công an địa phương, cơ quan quản lý trực tiếp các trường hợp tiếp cận, dụ dỗ, bắt nạt học sinh, đặc biệt các giờ ra chơi và thời điểm tan học, trước cổng trường. Năm học 2015-2016, tình hình an ninh trật tự trường học được đảm bảo nhưng còn xảy ra một vài vụ học sinh gây hấn, đánh nhau, nhờ các trường chấn chỉnh và xử lý kịp thời nên không để lại hậu quả lớn. Đầu năm học 2016-2017 đến nay, tình hình an ninh trật tự các trường học tiếp tục duy trì tốt...
Lễ ra mắt và tập huấn mô hình "Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới"
tại xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ
Không riêng ngành giáo dục, các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong TP Cần Thơ phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) và bình đẳng trên cơ sở giới bằng nhiều hình thức... Đồng thời, tham gia hòa giải tại cộng đồng dân cư hoặc xử phạt vi phạm hành chính, răn đe, cảnh báo để người gây ra bạo lực biết đây là hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời thành lập nhiều mô hình phòng, chống BLGĐ; Câu lạc bộ, tổ hòa giải, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng hoạt động hiệu quả... Từ đó, làm chuyển biến nhận thức, người dân tự khắc phục và điều chỉnh hành vi, cùng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ và trẻ em. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) TP Cần Thơ, đến nay, thành phố thành lập 65 Ban chỉ đạo Phòng, chống BLGĐ tại 65 xã, phường, thị trấn; 65/85 xã, phường, thị trấn triển khai mô hình phòng, chống BLGĐ; 504 Câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững; 504 nhóm phòng, chống BLGĐ và 224 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. Bà Hồ Lâm Bạch Vân, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL TP Cần Thơ, cho biết: "Để công tác phòng, chống BLGĐ thời gian tới đạt hiệu quả cao, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các Luật: Hôn nhân và Gia đình; BĐG; Phòng, chống BLGĐ; Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em... Trong đó tập trung mở các lớp tập huấn trang bị kiến thức truyền thông về BLG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cho cán bộ quản lý nhà nước về gia đình các cấp".
Năm 2016, năm đầu tiên cả nước triển khai Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (gọi tắt là Tháng hành động) diễn ra từ 15-11 đến 15-12-2016, với chủ đề "Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái". Theo đó, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) TP Cần Thơ chỉ đạo các ngành, các cấp trong thành phố tập trung tuyên truyền về chủ đề, các thông điệp và hoạt động của Tháng hành động; tổ chức các diễn đàn, đối thoại, hội thảo, tọa đàm; tăng cường kiểm tra hoạt động VSTBPN và BĐG tại các cơ quan, đơn vị và địa phương; vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nạn nhân của bạo lực, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Diệp Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP Cần Thơ, kêu gọi các cấp Hội LHPN thành phố tích cực phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng; tổ chức, đoàn thể, gia đình và cộng đồng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân hưởng ứng Tháng hành động; kiên quyết đấu tranh chống lại hành vi BLGĐ, BLG, bạo lực học đường; phát huy hiệu quả các mô hình phòng, chống BLGĐ; phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em; thường xuyên thăm hỏi, động viên và hỗ trợ nạn nhân của bạo lực, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời tập trung tổ chức các hoạt động tại địa phương, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi hội với chủ đề tuyên truyền phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái; tuyên dương các gương phụ nữ có chuyển biến tốt về phòng, chống BLGĐ; các mô hình, cá nhân tích cực tham gia phòng, chống BLGĐ tại địa phương.
Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, kiêm Trưởng ban VSTBPN thành phố, kêu gọi: Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố tăng cường trách nhiệm giải quyết, xử lý các vụ BLG. Nhà trường, gia đình và các ngành, các cấp, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, không bạo lực. Đồng thời tích cực vận động xã hội hóa để hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ bị bạo lực vươn lên trong cuộc sống và xây dựng các mô hình phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng...
Bài, ảnh: XUÂN ĐÀO