Những năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) ở huyện Vĩnh Thạnh đẩy mạnh hoạt động tham gia bảo vệ môi trường (BVMT), với nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả. Gần đây, mô hình "phụ nữ tự phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình và bảo vệ môi trường" do các cấp hội triển khai đang từng bước phát huy hiệu quả
Bà Lê Thanh Dung, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Phụ nữ vừa là đối tượng, vừa là chủ thể quan trọng trong công tác BVMT. Bởi đa phần chị em phụ nữ làm nội trợ, quá trình đi chợ, nấu nướng, sinh hoạt sẽ phát sinh nhiều rác thải. Chính vì thế Hội LHPN xây dựng và triển khai mô hình "phụ nữ tự phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình và BVMT" nhằm phát huy vai trò của chị em trong công tác BVMT". Để mô hình phát huy hiệu quả, Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức các hoạt động giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của phụ nữ về công tác BVMT. Đồng thời chỉ đạo Hội Phụ nữ cơ sở chọn một ấp triển khai thí điểm mô hình, qua đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình trên địa bàn ấp khác.
Các chị được hỗ trợ dụng cụ chứa rác trong buổi lễ ra mắt mô hình tại xã Vĩnh Bình
Đầu tháng 3-2017, Hội LHPN xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh đã tiên phong thí điểm thực hiện mô hình "phụ nữ tự phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình và BVMT" ở ấp Vĩnh Hưng, với 86 hộ tham gia. Tại buổi ra mắt mô hình, các thành viên được cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tập huấn, hướng dẫn cách phân loại và nhận biết rác thải vô cơ, hữu cơ và rác thải tái chế. Hội phụ nữ xã vận động và hỗ trợ mỗi hộ 2 dụng cụ chứa rác. Chị Đặng Hoàng Thơ, ngụ ấp Vĩnh Hưng, nói: "Trước đây, tôi thường gom rác lại (kể cả bọc nylon, chai, lọ nhựa) mang ra phía sau nhà đốt. Có những loại rác không cháy được nên gây mùi hôi khó chịu. Bây giờ, được hướng dẫn phân loại, tôi đã áp dụng để chung tay BVMT". Hằng ngày, những loại rác thực phẩm qua quá trình chế biến thức ăn từ rau, củ, quả, chị Thơ đổ vào hố được đào phía sau nhà, chờ phân hủy dùng làm phân bón cho cây trồng. Những loại phế thải như chai, lọ nhựa, bọc nylon và các vật dụng gia đình bằng nhôm, sắt bị hư hỏng, chị gom lại để bán cho những người thu mua ve chai, có thêm nguồn quỹ nho nhỏ trong gia đình…
Chị Lý Minh Mỹ, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Bình cho biết: "Phân loại rác tuy là một hành động nhỏ, thường ngày nhưng là cách hữu hiệu để góp phần BVMT. Trước đây, chị em thường đổ rác ở mé sông, kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường. Bây giờ, được tập huấn, hướng dẫn cách phân loại và xử lý rác thải, nhận thức của chị em đã nâng lên, hạn chế tình trạng nêu trên. Đường làng, ngõ xóm luôn được giữ gìn sạch sẽ".
Qua hiệu quả của mô hình, đến nay, Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh và Hội phụ nữ cơ sở đã nhân rộng mô hình ở 4 xã, thị trấn (Vĩnh Bình, Vĩnh Trinh, Thạnh Lộc và Vĩnh Thạnh) với hơn 300 hộ tham gia. Dự kiến, sắp tới mô hình này sẽ tiếp tục được triển khai ở xã Thạnh Lợi và Chi hội phụ nữ Công an huyện (mỗi nơi có từ 50 – 100 hộ tham gia).
Theo Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh, nhận thấy đây là mô hình có nhiều lợi ích và tạo thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường nên nhiều chị em phụ nữ bày tỏ mong muốn tham gia. Do đó, Hội sẽ tiếp tục phối hợp để nhân rộng mô hình, đồng thời tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về BVMT góp phần nâng chất cuộc vận động xây dựng mô hình "5 không, 3 sạch", cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống ở khu vực nông thôn.l
Bài, ảnh: MINH HẢI