Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần tiền đóng BHXH tự nguyện. Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất theo quy định.
Buổi tuyên truyền quy định pháp luật về BHYT, BHXH tự nguyện, do BHXH TP Cần Thơ tổ chức.
* Chế độ hưu trí
- Điều kiện hưởng lương hưu: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên.
Trường hợp nam đủ 60, nữ đủ 55 tuổi có thời gian tham gia BHXH bắt buộc chưa đủ 20 năm trở lên, có nhu cầu tham gia đóng BHXH tự nguyện tiếp để đủ 20 năm đóng BHXH được hưởng chế độ hưu trí. Ngoài hưởng lương hưu hằng tháng, còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được hưởng các chế độ khám chữa bệnh BHYT theo quy định.
- Cách tính:
Đối với nữ: Nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 trở đi, thì thời gian tham gia BHXH 15 năm đầu được tính tỷ lệ bằng 45%. Sau đó, cứ mỗi năm tham gia BHXH được tính thêm 2%, nhưng tối đa không quá 75%.
Đối với nam, nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 trở đi được tính như sau:
Nghỉ hưu trong năm 2022 thời gian tham gia BHXH 20 năm đầu được tính 45% mức hưởng hưu trí; sau đó cứ mỗi năm cộng thêm 2%, nhưng tối đa không quá 75% lương hưu.
- Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Tuổi đời: Nghỉ hưu vào năm 2018 (nam đủ 53 tuổi, nữ đủ 48 tuổi); năm 2019 (nam đủ 54 tuổi; nữ đủ 49 tuổi); năm 2020 (nam đủ 55 tuổi; nữ đủ 50 tuổi).
+ Có 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có làm việc 15 năm ở nơi có hệ số phụ cấp khu vực 0,7.
- Trường hợp lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH bắt buộc khi nghỉ việc (có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm), đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 3, Điều 54 của Luật BHXH bảo lưu thời gian đã đóng BHXH và tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thì được hưởng lương hưu khi có yêu cầu.
- Cách tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH: Tham gia BHXH tự nguyện tính bình quân toàn bộ thời gian tham gia BHXH tự nguyện được điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá trị tiêu dùng. Thời gian tham gia BHXH tự nguyện có tháng lẻ, từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tính tròn 6 tháng; từ 7 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn 12 tháng.
* Chế độ hưởng trợ cấp tử tuất và mai táng phí:
- Chế độ mai táng: Người tham gia BHXH tự nguyện phải có thời gian tham gia BHXH bắt buộc đủ 12 tháng trở lên. Người tham gia BHXH tự nguyện phải có thời gian tham gia đủ 60 tháng trở lên. Người lao động tham gia BHXH tự nguyện đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc. Người đang hưởng chế độ hưu trí. Người đứng ra lo mai táng được hưởng trợ cấp 10 tháng lương cơ sở.
- Điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng:
+ Người tham gia BHXH tự nguyện có một trong những điều kiện như sau được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng: Đã đóng đủ 15 năm BHXH trở lên nhưng chưa hưởng trợ cấp tuất một lần; người đang hưởng lương hưu hằng tháng mà trước đó có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên.
+ Điều kiện thân nhân của người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng: Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai. Vợ từ đủ 55 tuổi hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên (nếu người vợ chưa đủ 55 tuổi, người chồng chưa đủ 60 tuổi bị suy giảm khả năng lao động 81%). Cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng hoặc thành viên khác trong gia đình khi người lao động còn sống có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng theo pháp luật hôn nhân gia đình, nam từ đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 55 tuổi (nếu dưới 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên).
Luật BHXH năm 2014 bổ sung quy định cho phép thân nhân người đóng BHXH tự nguyện đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần (trừ trường hợp có thân nhân là con dưới 6 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên).
- Mức hưởng trợ cấp tuất hằng tháng:
+ Mức hưởng trợ cấp tuất hằng tháng cho mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở nhưng tối đa không quá 4 người/tháng.
+ Mức hưởng trợ cấp tuất hằng tháng cho trường hợp thân nhân không có người nuôi dưỡng bằng 70% mức lương cơ sở.
- Chế độ trợ cấp tuất hưởng một lần:
+ Điều kiện: Người lao động tham gia BHXH tự nguyện chưa đủ 15 năm. Người tham gia BHXH tự nguyện chết mà không có thân nhân đủ điều kiện hưởng tuất hằng tháng thì được hưởng trợ cấp tuất một lần.
+ Mức hưởng: Mức trợ cấp 1 năm đóng BHXH bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm trước 2014. Mức trợ cấp 1 năm đóng BHXH bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH từ năm 2014 trở đi.
Đối với cán bộ hưu trí chết trong 2 tháng đầu nhận lương hưu thì được hưởng một lần bằng 48 tháng lương hưu. Nếu chết vào những tháng sau đó cứ hưởng thêm 1 tháng giảm đi 0,5 tháng lương hưu nhưng mức hưởng trợ cấp tuất thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu.
Trường hợp người lao động không có thân nhân quy định của Luật BHXH thì trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế.
C.H (thực hiện)