Dễ dàng, nhanh chóng vay được khoản tiền mình mong muốn để trang trải cuộc sống và khôi phục kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, không ít người đã sập bẫy vay tiền online, phải chấp nhận chịu mức lãi suất “cắt cổ”.
Những ngày cao điểm phòng chống dịch Covid-19, thực hiện cách ly toàn xã hội, cũng là những ngày lao đao nhất của chị gia đình chị L.T.H (Hà Nam). Trại nuôi gà công nghiệp là nguồn thu nhập của cả gia đình gần chục miệng ăn. Nhưng do dịch bệnh, gà, trứng đều ế ẩm. Trong khi đó, hàng ngày chị H. vẫn phải xoay xở lo tiền trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng khi mở trại gà và mua cám cho gà ăn. Không đủ bù đắp chi phí, chị H. đã được một người bạn hướng dẫn cách vay tiền trực tuyến.
Lãi suất cắt cổ
Đây là cách cực chẳng đã, chị H. cho biết. Vì cơ sở chăn nuôi của gia đình ở quy mô nhỏ, lại đã vay ngân hàng rồi, nên bây giờ, không còn cách nào khác, đành phải đi vay bên ngoài. Thủ tục để vay tiền online không đòi hỏi nhiều công đoạn và thủ tục xác minh phức tạp như tại ngân hàng. Khi mình có nhu cầu vay, họ chỉ cần mình cung cấp chứng minh thư hoặc căn cước công dân, số hộ khẩu gốc hoặc bằng lái xe gốc là có thể nhận được số tiền cần vay trong khoảng 30 phút làm việc.
Nhân viên tư vấn giới thiệu đây là công ty tài chính kết hợp với các đối tác là những ngân hàng uy tín nên chị H. khá tin tưởng. "Với khoản vay 20 triệu đồng/3 tháng. Nhưng tôi chỉ được nhận 17 triệu đồng, số tiền còn lại là lệ phí hồ sơ cho vay".
Nhiều chiêu thức được đưa ra để thu hút chị em vay tiền. Ảnh minh họa
Vay tiền nhanh, Vaytienaz, Hỗ trợ vay tiền nhanh, Vay tiền online giải ngân trong ngày, Vay tiền trong 24h, Cho vay tiền mặt 24h… là những đia chỉ vay tiền trực tuyến người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và nhận được khoản vay trong mùa dịch Covid-19.
Hình thức cho vay trực tuyến không chỉ được thực hiện tại các website, mà còn tiếp cận những người có nhu cầu vay vốn thông qua nhiều hình thức khác nhau như qua các ứng dụng cho vay trên điện thoại thông minh, qua các fanpage, hội nhóm trên mạng xã hội…
Quảng cáo cho vay lãi suất 0%, nhưng thực tế, người đi vay phải chịu lãi cắt cổ
Dịch vụ vay tiền trực tuyến được nhiều người lựa chọn bởi những lời quảng cáo đầy hấp dẫn như: Thủ tục gọn nhẹ, đơn giản, nhanh chóng, lãi suất vay thấp, thậm chí 0%... Thực tế, khi làm thủ tục xong rồi mới phát sinh nhiều chi phí khác, tiền gốc còn không được nhận đủ. Hơn nữa, tại những cơ sở cho vay trực tuyến này, mức lãi suất phổ biến từ 1%/ngày, tương đương 365%/năm. Đây là mức lãi suất cắt cổ với người đi vay, đặc biệt là trong mùa dịch bệnh.
Tiếp tục cảnh báo vay tiền trực tuyến
Lợi dụng nhu cầu cần tiền, vốn của nhiều người để duy trì cuộc sống, phục hồi kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hình thức vay tiền trực tuyến đang bùng nổ trở lại. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian gần đây đã tiếp nhận một số phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động cho vay trực tuyến của một số đơn vị.
Người tiêu dùng nên thận trọng khi sử dụng cách dịch vụ vay tiền online
Trước thực trạng này, Cục Canh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý và khuyến cáo người tiêu dùng:
- Không nên vay tiền trực tuyến của các tổ chức, cá nhân có các dấu hiệu như: Không có thông tin giới thiệu chứng minh năng lực của đơn vị là công ty tài chính, ngân hàng có chức năng cho vay; hoặc là đơn vị có chức năng tư vấn, kết nối giữa người đi vay và người cho vay,
- Các tổ chức, cá nhân cho vay không nêu rõ thông tin về tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, hoặc có nhưng địa chỉ, thông tin liên hệ ở nước ngoài.
- Không công khai các chính sách thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; không niêm yết các điều kiện, điều khoản giao dịch chung; không công bố biểu phí hoặc làm rõ các chi phí phát sinh trong quá trình giao dịch.
- Không gửi trước mẫu hợp đồng vay và các nội dung chi tiết liên quan đến hợp đồng vay để người tiêu dùng đọc trước khi xác nhận ký kết giao dịch và không cung cấp hợp đồng đã ký kết để người tiêu dùng lưu giữ sau khi đã hoàn thành giao dịch.
- Đồng thời do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng khuyến khích người vay nên chủ động gửi văn bản hoặc email đến các đơn vị vay tiền để đề xuất giải pháp hỗ trợ xử lý giãn nợ, tránh tình trạng để nợ quá hạn, phát sinh các khoản tiền phạt và trách nhiệm pháp lý liên quan.
A.Quân