Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Cần mẫn lao động để thoát nghèo

09:01 - 21/06/2017

Chiều nào cũng vậy, chị Lý Thị Hồng Nhung, ở khu vực Thạnh Thắng, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, tranh thủ chăm sóc 3 công cam mật trồng hơn 2 năm nay. Chị Nhung hy vọng đợt thu hoạch đầu tiên sẽ trúng mùa, bán được giá...

Dáng người nhỏ nhắn, hoạt bát, nói chuyện thân thiện, chị Nhung dễ tạo thiện cảm với người đối diện. Là chị cả của 6 người em, chị Nhung sớm nghỉ học khi hết lớp 6 để phụ cha mẹ làm ruộng, làm mướn, lo chi tiêu hằng ngày.

Chị Nhung thường xuyên chăm sóc vườn cam.

Năm 24 tuổi, qua mai mối, chị Nhung lấy chồng (anh Dương Hùng Đấu), về làm dâu xã vùng sâu tỉnh Hậu Giang. Nhà chồng cũng khó nghèo, đông anh em, thu nhập nhờ vài công đất và làm mướn, phụ hồ. Năm 30 tuổi, chị Nhung sinh con trai và quyết định về nhà cha mẹ ruột để tìm việc làm ổn định, tạo điều kiện cho con học hành. Cha mẹ cho vợ chồng chị che tạm căn nhà lá để ở. Chị Nhung nhờ đất nhà trồng đu đủ, trồng rẫy. Anh Đấu - chồng chị Nhung, làm phụ hồ, làm mướn… nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Chị Nhung trầm ngâm: "Có thời gian, gởi con nhờ ngoại trông giúp, vợ chồng tôi bôn ba đi làm mướn xa xứ với hy vọng tích lũy chút vốn để đầu tư làm ăn. Xứ lạ quê người cộng thêm nỗi nhớ con, cầm cự khoảng một năm, vợ chồng tôi lại trở về nhà. Những lúc khó khăn, bế tắc, vợ chồng tôi luôn động viên nhau phấn đấu, chí thú làm ăn".

Năm 2005, địa phương bình xét gia đình vợ chồng chị Nhung vào diện hộ nghèo, vận động chị tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ và giới thiệu vay vốn ưu đãi để trồng hoa màu. Năm 2007, chị Nhung được người quen giới thiệu "chân" nấu cơm tập thể cho khoảng 100 công nhân Nhà máy cao su Tây Đô (phường Ba Láng, quận Cái Răng). Mỗi ngày, chị Nhung dậy sớm, sắp xếp việc nhà để đúng 7 giờ sẵn sàng bắt tay vào việc tại nhà máy. Xong việc của mình, chị Nhung còn tranh thủ phụ giúp mọi người. Chị Nhung nói: "Lúc đầu, nghe mỗi ngày nấu 2 bữa cơm phục vụ công nhân, tôi lo không quán xuyến được. Nhưng nghĩ mức lương ổn định hằng tháng nên tôi cố gắng làm quen và thích nghi dần. Giờ thì mọi việc suôn sẻ rồi". Tính vui vẻ, hòa đồng thêm vén khéo, nấu ăn ngon, chị Nhung được công nhân yêu mến. Chị chi tiêu tiết kiệm, dành dụm một phần tiền lương hằng tháng. Con trai chị cũng làm công nhân Nhà máy cao su Tây Đô với thu nhập ổn định.

Năm 2012, chị Nhung được địa phương tặng nhà Đại đoàn kết. Qua đó, người thân cũng hỗ trợ và cho mượn thêm tiền để chị có thể xây nhà khang trang, kiên cố hơn. Vợ chồng chị còn được mẹ cho 3 công đất vườn trồng nhãn. Năm 2014, chị Nhung được khu vực xét thoát nghèo. Năm 2015, tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi 40 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo; đồng thời học hỏi kỹ thuật chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, vợ chồng chị Nhung mạnh dạn đốn bỏ nhãn, đầu tư cải tạo đất, trồng cam mật. Chị Nhung phấn khởi cho biết: "Việc làm ăn thuận lợi nên tôi vui lắm. Tôi tự nhủ phải cố gắng để thoát nghèo bền vững, vươn lên khấm khá. Có được cuộc sống ổn định, ngoài nỗ lực bản thân, tôi luôn được sự giúp đỡ, động viên của gia đình, chòm xóm lúc thắt ngặt, khốn khó, nhất là sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền, đoàn thể địa phương".

Chị Phạm Thị Ánh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực Thạnh Thắng, nói: "Từng trải qua cảnh nghèo khó, suýt lâm nợ hay trắng tay khi nước ngập "xóa trắng" vườn tược… vợ chồng chị Nhung càng thấm thía giá trị cuộc sống hôm nay. Bất kỳ hoàn cảnh nào, chị Nhung cũng luôn lạc quan, nỗ lực vượt qua khó khăn bằng sự kiên trì, cần mẫn lao động".

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69272

Hôm nay:
22
Tháng này:
682
Tổng lượt truy cập:
69272