Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Cần làm gì để ứng phó với nữ hóa người cao tuổi?

15:04 - 01/10/2019

Cần làm gì để ứng phó với nữ hóa người cao tuổi? 

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Doãn Tú, xu hướng nữ hóa ở người cao tuổi ngày càng rõ rệt. Việt Nam hiện có tốc độ già hóa dân số nhanh nên tình trạng nữ hóa người cao tuổi sẽ tiếp tục tăng.

Tại Việt Nam, cơ cấu dân số ở nhóm tuổi ngoài 60 thì cứ 1 cụ ông sẽ có tỷ lệ là 1,5 cụ bà; nhóm tuổi ngoài 80 cứ 1 cụ ông sẽ có tỷ lệ 2 cụ bà... Khoảng 40% phụ nữ cao tuổi góa bụa.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, xu hướng nữ hóa ở người cao tuổi ngày càng rõ rệt. Tuổi thọ của nữ giới cao hơn nam giới nên các cụ bà có tỷ lệ góa cao hơn và tỷ lệ tái hôn thấp hơn. Nhiều người cao tuổi là nữ giới sẽ có khoảng thời gian sống cô đơn không có bạn đời để chia sẻ cuộc sống bên cạnh. Điều này dễ ảnh hưởng đến sức khỏe về tinh thần và kéo theo đó là những vấn đề sức khỏe về thể chất.

Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Doãn Tú 

Về bức tranh già hóa dân số Việt Nam, theo ông Nguyễn Doãn Tú, đó là sự xuất hiện tình trạng nữ hóa ở người cao tuổi. Người cao tuổi Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn (chiếm 68%), là nông dân và làm nông nghiệp, đời sống vật còn nhiều khó khăn, tích lũy vật chất còn nhiều hạn chế. 72,3% số người cao tuổi sống cùng với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với người cao tuổi bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già.

Trong khi đó, tuy tuổi thọ trung bình cao (73,2 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh của người dân Việt Nam là khoảng 64 tuổi. Gánh nặng bệnh tật kép (khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây truyền) là một thách thức lớn. 

Ảnh minh họa

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, vào năm 2014, tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên của Việt Nam là 7,2% và tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên là 10,2%. Như vậy, theo định nghĩa của Liên hợp quốc thì Việt Nam là một nước “đang già”. 

Tuổi thọ trung bình của Việt Nam ngày càng tăng, từ 68,6 tuổi (1999) lên tới 73,2 tuổi (2014), dự báo sẽ tăng lên tới 78 tuổi vào năm 2030 và 80,4 tuổi vào năm 2050. Đến năm 2038, dự báo nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng số dân và điều này đặt ra nhiều thách thức cho việc đảm bảo hạ tầng và an sinh xã hội để đáp ứng đủ nhu cầu của một xã hội có dân số già, thậm chí siêu già. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa thực sự sẵn sàng cả về nhận thức và hành động để ứng phó với dân số đang già nhanh chóng, thậm chí sẽ là dân số siêu già trong một vài thập kỷ nữa.

Phụ nữ cần làm gì để không bị động?

TS Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho rằng, già hóa dân số vừa là cơ hội phát triển nhưng cũng nhiều thách thức khó khăn đối với những quốc gia có nền kinh tế chưa phát triển. Nhiều nước có nền kinh tế phát triển, nhưng họ có thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già rất dài, có những nước 70- 80 năm, thậm chí hơn 100 năm như nước Pháp nên họ có quĩ thời gian chuẩn bị nguồn lực tài chính, các cơ sở phúc lợi xã hội chuẩn bị cho giai đoạn dân số già. Nhưng ở nước ta có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực và nhiều nước trên thế giới chỉ 18 đến 20 năm.

TS Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam

“Chúng ta đã biết rõ những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tốc độ già hóa dân số nhanh ở nước ta trong giai đoạn qua, đây chính là cơ sở tiền đề quan trọng để hoạch định chính sách, giải pháp cho giai đoạn mới. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tham mưu cho Chính phủ sớm có giải pháp, thậm chí chiến lược để ứng phó với già hóa dân số, giảm tốc độ già hóa dân số ở nước ta ngay từ bây giờ. Nước ta hoàn toàn làm được điều đó thông qua hệ thống cơ chế chính sách phù hợp và trách nhiệm đầy đủ của các cơ quan chức năng, của mỗi công dân đối với sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước”, TS Đàm Hữu Đắc khẳng định.

Thiết nghĩ, là đối tượng cần được đặc biệt quan tâm khi tuổi cao, phụ nữ cần chuẩn bị những hành trang cần thiết ngay từ sớm để tránh bị động khi về già. Hiện nay, xã hội đã dần thay đổi nhận thức, coi người cao tuổi là tài sản thay vì là gánh nặng xã hội như trước, do đó đã có sự chuẩn bị về an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Tuy nhiên hơn ai hết, bản thân mỗi người cũng cần có ý thức chuẩn bị cho tuổi già của mình từ khi còn trẻ, về cả thu nhập, sức khỏe và đời sống xã hội, không nên trông chờ hoàn toàn vào các chính sách của nhà nước để đảm bảo cuộc sống tuổi già mà trước tiên phải tự đảm bảo cho chính mình.

Cần thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, khu vui chơi giải trí và đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Người xưa nói: “Biết quản lý tiền bạc thì không nghèo, có kế hoạch thì không loạn, giỏi chuẩn bị thì không bận”. Bởi vậy trước khi về già, phụ nữ nên đảm bảo sống khỏe chính là ăn đủ chất, chú ý giữ gìn sức khỏe và phải có sự tu dưỡng.

Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng cần chuẩn bị cho mình một nơi dưỡng già. Nếu ở cùng con cháu mà khó dung hòa sự khác biệt giữa các thế hệ thì nên ở riêng, một mình hưởng thụ sự thanh thản, niềm vui tuổi già. Một việc rất quan trọng nữa là kiếm tiền dưỡng già. Lúc còn khỏe, nên tiết kiệm một khoản tiền để có thể làm những gì mình muốn, đi những nơi mình thích khi về già. Điều này vừa để chủ động cho bản thân, vừa giúp con cái bớt đi một phần lo toan khi gánh nặng nuôi nấng cha mẹ già.

Các chỉ tiêu của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình đến năm 2025:

- 80% người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe;

- 80% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe.

- Đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của người cao tuổi với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp (tại các cơ sở y tế, tại nhà...).

- 90% người cao tuổi khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe;

- 100% bệnh viện Trung ương và tuyến tỉnh (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) có tổ chức khoa lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi; khuyến khích thành lập mới bệnh viện lão khoa tại các thành phố trực thuộc Trung ương;

- 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế.

- Đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe dài hạn của người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung.

- 100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng;

- Tăng ít nhất 2 lần số người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, không còn khả năng tự chăm sóc, không có người trợ giúp tại nhà và có điều kiện chi trả được chăm sóc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung so với năm 2016.

 An Khê

 

 

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

61216

Hôm nay:
1
Tháng này:
500
Tổng lượt truy cập:
61216