Siêng năng, cần mẫn, hết lòng vun vén cho hạnh phúc gia đình là cảm nhận của chúng tôi khi tiếp xúc với cô Trần Thị Bé Năm, hội viên Chi hội Phụ nữ khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Long, quận Ô Môn. Bên cạnh đó, cô Năm còn là một phụ nữ giàu lòng nhân ái, sẵn lòng san sẻ, giúp đỡ mọi người những lúc khó khăn…
Hằng ngày, khoảng 5 giờ, cô Bé Năm thức dậy tập thể dục, chuẩn bị thức ăn sáng rồi ra đồng, rẫy. Hiện tại, kinh tế gia đình cô Năm rất ổn định, nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi. Với hơn chục công đất vườn, ruộng, huê lợi hằng năm của gia đình cô hơn 200 triệu đồng. Thế nhưng cô Bé Năm vẫn giữ thói quen chi tiêu tiết kiệm, tự nấu ăn sáng cho các thành viên trong gia đình. Khi chúng tôi đến thăm gia đình, cô Năm đang chuẩn bị ra vườn nhãn. Cô Năm phấn khởi khoe, mùa này 3 công nhãn da bò trúng mùa, giá cả cũng cao, huê lợi chắc khoảng 100 triệu đồng.
Cô Bé Năm (bên phải) chia sẻ cùng với cán bộ Hội LHPN phường Thới Long
về kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây nhãn da bò để đạt năng suất cao
Nhắc lại chuyện xưa, cô Năm kể, hồi mới cưới, vợ chồng cô khá vất vả. Cô làm dâu và sống chung nhà chồng có đông anh em. Ngoài phụ giúp gia đình chăm sóc ruộng lúa, vợ chồng cô xin phép cha mẹ chồng cho tận dụng những bờ ruộng để trồng rẫy, hoa màu, tích lũy vốn liếng để dành ra riêng. Ngày ngày, vợ chồng cô Năm thức dậy từ sáng tinh mơ và làm lụng vất vả đến chiều tối mới về. Nhờ cần mẫn, chịu thương chịu khó, đến khi ra riêng, cô Năm đã tích lũy số tiền kha khá, mua được 6 công đất. Sau này, làm ăn khấm khá, cô Năm tiếp tục mua thêm được 7 công đất nữa. Đến nay, gia đình cô có 13 công đất, trong đó 10 công ruộng và 3 công vườn. Nghe cô kể chuyện quyết tâm làm giàu bằng cách chắt chiu dành dụm "góp gió thành bão", mua đất, mua vườn, chúng tôi thầm cảm phục nghị lực và tinh thần say mê lao động của cô. Trong đó, chúng tôi rất ấn tượng khi nghe cô kể việc đầu tư cải tạo, chăm sóc 3 công nhãn để có huê lợi như hôm nay. Cô Năm kể, năm đó, cô dự tính mua đất xong sẽ lên bờ để trồng nhãn da bò. Tuy nhiên, do không đủ tiền thanh toán một lần nên cô Năm xin chủ đất cho trả chậm, đến khi nào trả tiền hết thì chủ đất mới giao đất. Trong thời gian này, cô mua sẵn cây giống về. Đến khi nhận đất, cây nhãn trong bầu đã cứng cáp, nên lúc trồng cho trái chiến nhanh hơn.
Niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của cô Năm là nhìn thấy người con gái duy nhất khỏe mạnh, chăm ngoan học giỏi. Sau khi tốt nghiệp PTTH, cô Năm khuyến khích con mình thi vào ngành sư phạm. Không phụ lòng mong mỏi của mẹ, con gái cô Năm luôn nỗ lực học tập và đã trở thành cô giáo, hiện là Hiệu Phó của một trường mầm non công lập. Hiện con gái cô Năm đã lập gia đình và sinh sống cùng cha mẹ. Điều đáng quý là trong hơn 30 năm chung sống, gia đình cô Năm luôn giữ được hòa khí, vợ chồng tương kính như tân. Cô Năm bộc bạch: "Gia đình hạnh phúc khi các thành viên đều biết yêu thương, tôn trọng nhau". Cô thường nói đùa là vợ chồng phải biết "nhìn sắc mặt nhau" mà sống. Khi thấy ông xã đi ra ngoài về mà vẻ mặt không vui thì cô sẽ lựa lời hỏi han, khuyên giải hoặc chọc cười để xoa dịu chồng. Do đó, dù có đang tức giận vì lý do gì, ông xã cô cũng chưa lần nào lớn tiếng, trút giận vô cớ vào vợ.
Không chỉ chí thú làm ăn, chịu thương chịu khó, cô Năm còn được nhắc đến bởi tấm lòng thảo thơm, hay giúp đỡ người khác. Khi địa phương, hoặc Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) có việc cần, cô đều sẵn sàng tham gia, đóng góp công sức. Bên cạnh đó, cô Năm rất yêu ca cổ, thường xuyên đến sinh hoạt ở câu lạc bộ đờn ca tài tử của chi hội phụ nữ khu vực. Cô bảo, lời ca tiếng hát giúp cô xoa tan mệt mỏi sau những giờ lao động. Nhắc đến cô Năm, chị Lý Mộng Tuyền, Chủ tịch Hội LHPN phường Thới Long, trân trọng nói: "Cô Bé Năm là một phụ nữ giàu nghị lực vượt khó, giàu đức hy sinh cho chồng con. Gia đình cô Năm gương mẫu, nề nếp, chí thú làm ăn, dạy dỗ con cháu chăm ngoan, hiếu thảo".
Bài, ảnh: Tâm Khoa